Kinh Phật Tiếng Việt 
Kinh Điển Phiên Âm 
Tài Liệu Phật Học 
ENAAA
» 24 Tấm Gương Hiếu Thảo 

二Nhị 十Thập 四Tứ 孝Hiếu
24 Tấm Gương Hiếu Thảo
The Twenty-four Paragons of Filial Respect

Nhị Thập Tứ Hiếu là một tác phẩm văn học nổi tiếng từ xưa đến nay. Truyện viết về sự tích 24 tấm gương hiếu thảo của các bậc hiếu tử. Trên từ vua chúa, dưới đến lê dân bá tánh, không ai là không noi theo lời dạy của Thánh nhân cổ đức, Bách Thiện Hiếu Vi Tiên, trong 100 điều thiện thì hiếu thảo đứng đầu.

Kiệt tác này do học sĩ Quách Cư Kính đời nhà Nguyên soạn. Ông là một thi sĩ có tài và còn là người con hiếu thảo. Sau khi cha ông qua đời, vị hiếu tử này chọn lựa 24 tấm gương hiếu hạnh, từ thời vua Thuấn đến đời ông và dùng thể thơ diễn kệ ngợi khen.

Hiếu hạnh xưa nay vẫn đứng đầu
Gương soi cảnh tỉnh mãi dài lâu
Sinh thành dưỡng dục công non thái
Nghĩa cử đáp đền tợ bể sâu
Đạo đức suy đồi gây bất ổn
Luân thường loạn tưởng tạo thương đau
Thành tâm hướng thiện cầu an lạc
Khổ nạn tiêu tan rõ nhiệm mầu

Nghiêm phụ Xuân Thiều đề thơ
Nhi tử Xuân Duật soạn dịch


(1)

孝Hiếu 感Cảm 動Động 天Thiên
Lòng Hiếu Cảm Động Trời
Filial Conduct That Impressed the Heaven

Diêu Thuấn hàn vi trải khổ đau
Tuổi xanh mất mẹ lắm cơ cầu
Con chồng dì ghẻ em gian ác
Cổ Tẩu nguồn cơn lửa đổ dầu
Hiếu thảo từ tâm trời cảm động
Chim voi dốc sức tạo công hầu
Vua Nghiêu lập đức truyền ngôi báu
Đất nước thanh bình vạn đại sau

Vào thời thượng cổ lâu xa về trước, có một hiếu tử tên là Diêu Thuấn. Thuấn có một người cha rất mù quáng, người đời gọi ông là Cổ Tẩu, tức ông già mù, ý nói rằng ông có mắt mà như không tròng, không phân biệt được thiện ác, đúng sai. Khi mẹ Thuấn qua đời lúc Thuấn còn rất nhỏ, cha ông lại tục huyền với người đàn bà khác. Người vợ kế sanh ra một người em tên gọi là Tượng. Người em khác mẹ này hết sức ngỗ nghịch, luôn cùng với mẹ nghĩ cách làm hại ông. Tuy vậy, Thuấn vẫn hết mực làm tròn chữ hiếu, săn sóc và lo lắng cho em. Hàng xóm láng giềng gần xa, đều tấm tắc khen Thuấn là một đứa con hiếu thảo. Đương thời bấy giờ, có vị hoàng đế là vua Nghiêu, vì muốn tìm người hiền đức để nhường vị nên mới triệu hỏi các đại thần:

'Trẫm nay muốn tìm một người hiền đức và truyền ngôi cho người đó, như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, chúng ái khanh có ý kiến gì không?'

Lúc đó có một vị đại thần tâu rằng:

'Tâu Bệ hạ! Nhân gian có một người, tiếng thơm hiếu thảo, danh vang khắp nơi, tên gọi là Thuấn, mới có thể xứng đáng với trọng trách này.'

Vua Nghiêu nghe xong liền hạ chiếu chỉ:

'Các ái khanh hãy tra rõ việc này, nếu thật đúng như vậy, hãy mau truyền người đó nhập cung cho ta.'

Thuấn phụng chỉ thượng triều. Qua lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động của Thuấn đều làm cho vua Nghiêu hết mực hài lòng. Sau đó, vua Nghiêu còn gả cho hai cô công chúa, một người tên là Nga Hoàng, một người tên là Nữ Anh, và ban cho rất nhiều lương thực mang về. Sau khi về đến nhà, hai vị công chúa thường ngày giặt quần áo, nấu cơm và cùng nhau hiếu thảo cha mẹ. Nhưng Tượng, người em của Thuấn, thấy Thuấn cưới được hai vị công chúa sắc nước hương trời và có nhiều thức ăn mang về nên luôn nghĩ cách mưu hại. Một ngày nọ, trong khi Tượng đang ở trong phòng bàn bạc với cha mẹ, thì đúng lúc đó có một cô công chúa tình cờ nghe được và lập tức trở về nói với Thuấn. Thuấn nghe xong, cười và nói:

'Nàng không nên lo lắng, anh sau này sẽ cẩn thận là được.'

Quả nhiên có một ngày, cha Thuấn gọi vào và bảo:

'Thuấn à! Cha nay cũng đã lớn, già rồi không làm được việc gì nữa. Ở kho gạo nhà sau, mái nhà có lỗ hổng, con đi đến đó tu sửa lại đi.'

Thuấn một mình trèo lên nóc nhà và ở trên đó sửa sang mái tranh, mồ hôi chảy ra thấm cả đầu. Tượng bấy giờ len lén cầm lửa đốt kho, toan tính thiêu chết anh mình. Ngay lập tức, nhà kho bắt lửa, phừng phừng cháy dữ dội. Lúc bấy giờ, Thuấn đang chăm chú làm việc, bỗng nhiên phát hiện và xoay đầu nhìn lại. Sau đó, Thuấn lấy hai chiếc nón rồi từ trên cao bay hạ xuống nên chẳng bị tổn thương và cũng không bị thiêu chết. Tượng thấy thế cau mày không vui nhưng vẫn không từ bỏ ý định. Sau đó lại cùng với cha nghĩ kế để làm Thuấn rớt xuống giếng rồi lấy đá bịt lại. Thế là sai Thuấn đi đào giếng. Thuấn mỗi ngày mỗi đào, đào từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng. Khi Tượng nhìn thấy giếng càng ngày càng sâu, lòng độc ác đã hiện rõ trên khuôn mặt nham hiểm, ngay lập tức cùng cha lấy đất đá lấp giếng, chôn sống Thuấn. Nhưng đâu có ngờ, ở dưới đáy giếng có một địa đạo nhỏ để tới một cái động. Thế nên, Thuấn từ nơi đó bò lên trở về nhà bình an. Tấm lòng hiếu thảo của Thuấn đã cảm động đến trời cao, nên đàn voi đến và muôn chim đáp xuống để giúp Thuấn làm ruộng; voi lớn cày đất, chim con nhặt cỏ, ai ai cũng hăng hái làm việc. Và cuối cùng mùa thu hoạch đã đến, đàn voi đẩy xe, muôn chim ca hát, mừng ngày gặt hái, rộn ràng náo nhiệt. Câu chuyện của Thuấn dần dần được muôn người truyền tụng, vua Nghiêu nghe được lòng rất vui mừng. Về sau, Vua Nghiêu đã nhường vị và truyền ngôi cho Thuấn. Vua Thuấn trong suốt thời gian trị vì, chỉ ngồi khảy đàn, hát khúc Nam Phong mà thiên hạ thái bình thịnh vượng, nhà nhà an cư lạc nghiệp, tứ hải âu ca.

隊đội 隊đội 耕canh 田điền 象tượng
紛phân 紛phân 耘vân 草thảo 禽cầm
嗣tự 堯Nghiêu 登đăng 帝đế 位vị
孝hiếu 感cảm 動động 天thiên 心tâm

Đàn đàn voi cày ruộng
Bầy bầy chim nhặt cỏ
Kế vua Nghiêu lên ngôi
Lòng hiếu cảm động trời



(2)

親Thân 嚐Thường 湯Thang 藥Dược
Tự Mình Nếm Thuốc
Personally Tasting the Medicine

Văn Đế phụng thờ đấng mẫu thân
Ba năm nếm thuốc mãi ân cần
Quên mình đế vị thân ngà ngọc
Nhớ mãi tâm can hiếu tử bần
Bạc Hậu xót tình rơi giọt lệ
Triều thần chột dạ thảo lê dân
Thái bình thịnh trị hơn Tam Đại
Hậu thế đời nay mấy Thánh nhân

Vào đời Tây Hán, có một Hoàng Đế tên là Lưu Hằng. Mọi người đều gọi là Hán Văn Đế. Ông là con thứ ba của người vợ thứ, vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Mặc dù không phải là thái tử nhưng ông là người hiền lương và hiếu thảo nên được các triều thần mến phục và ủng hộ lên làm vua. Sau khi lên ngôi đế vương, ông là một vị minh quân, lại còn hết mực phụng dưỡng mẫu thân là Bạc thái hậu, ân cần săn sóc sớm hôm. Có một lần, mẹ của Hán Văn Đế đột nhiên ngã bệnh và Hán Văn Đế trong lòng rất lo âu. Trời vừa mới hừng sáng, ông vội vàng mang thái y đi thăm dò bệnh tình của mẹ, xem có thuyên giảm chút nào không. Khi trời trở lạnh, Hán Văn Đế sợ mẹ bị lạnh nên ngồi hầu cạnh bên để đắp mền. Còn những ngày nóng bức, lại dùng quạt mát để mẹ được ngủ ngon. Lại vì lo lắng cho mẫu hậu nên ông ngồi cạnh bên giường để ngủ, quần áo cũng không rảnh để thay. Mỗi khi thái hậu khát nước, Hán Văn Đế vội vàng bưng trà qua. Nếu đến lúc mẹ cần uống thuốc, ông cũng đích thân nếm qua trước xem có đắng hay có nóng không, nếu không sao thì mới dâng lên cho mẹ dùng. Hán Văn Đế vì ưu lo bệnh tình của mẹ, nên mỗi ngày đều kể chuyện vui, hầu làm cho thái hậu khuây khỏa trong lòng. Thái hậu nhìn thấy Hán Văn Đế mỗi ngày mỗi đến rồi mỗi đi, thân thể tiều tụy, ngày càng ốm, nên lòng đau vô cùng mà nói:

'Hoàng nhi! Ở đây có nhiều cung nữ, họ có thể chiếu cố ta, con không nên cực khổ quá. Bệnh của mẹ không phải hai ba ngày là có thể lành ngay, sau này để họ hầu hạ mẹ là được rồi.'

Hán Văn Đế quỳ xuống, lại đối trước mẹ mà thưa:

'Hài nhi từ lúc lọt lòng cho đến nay vẫn chưa làm gì để phụng dưỡng mẫu thân tốt, mãi đến nay con mới có dịp để báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành.'

'Nhưng con là đấng quân vương, phải biết lấy dân chúng thiên hạ làm trọng.'

'Hiện tại thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, mẫu hậu không nên lo lắng, hãy an tâm dưỡng bệnh. Hài nhi đã hội ý mẹ rồi.'

Thái hậu có một người con hiếu thảo như vậy nên cảm động vui mừng, nước mắt cũng không ngưng được, rơi lệ chảy xuống. Nhưng đâu có ai biết, thái hậu bệnh chỉ một lần mà từ đó đến nay thoáng đã ba năm trôi qua, và Hán Văn Đế cũng như vậy, hầu hạ cạnh mẹ suốt ba năm, dường như không có một lần được giấc ngủ ngon. Tuy Hán Văn Đế là đấng thiên tử nhưng vẫn luôn chiếu cố và hầu hạ mẫu thân, một chút cũng không nản lòng. Vào thời bấy giờ, vì lòng hiếu thảo của Hán Văn Đế, trong triều văn võ bá quan, ngoài đến lê dân bá tánh, ai ai cũng kính ngưỡng cảm mến. Nhờ đó, người người trong nước đều hiếu thảo hòa mục, thiên hạ thái bình thịnh trị.

仁nhân 孝hiếu 臨lâm 天thiên 下hạ
巍nguy 巍nguy 冠quán 百bách 王vương
漢Hán 庭đình 事sự 賢hiền 母mẫu
湯thang 藥dược 必tất 先tiên 嚐thường

Nhân hiếu thiên hạ hay
Đứng đầu cả trăm vua
Hán đình thờ hiền mẫu
Thuốc thang tự nếm trước



(3)

嚙Giảo 指Chỉ 心Tâm 痛Thống
Mẹ Cắn Ngón Tay Tim Con Đau Nhói
His Mother Bit Her Finger and Pained His Heart

Tăng Tử tương quan cảm ứng thông
Mẹ già dụng kế cắn tay trông
Con đau tất dạ chân dồn bước
Củi gánh trên vai giữa nắng hồng
Đại Học Hiếu Kinh tôn bậc Thánh
Đông Chu Nho Giáo rạng môn tông
Gương xưa tích cũ còn in dấu
Mẫu tử tình thâm ấm lạnh nồng

Vào thời Xuân Thu, có một người tên là Tăng Sâm, cũng chính là Tăng Tử, hiệu Tử Dư. Ông là một môn hạ lớn của Khổng Tử và cũng là một nhân vật quan trọng của Nho Giáo. Tăng Tử chẳng những có học thức uyên bác mà còn rất hiếu thảo. Ông là tác giả của Hiếu Kinh và sách Đại Học. Hậu nhân đời sau tôn ông là Tông Thánh. Nguyên là vì Tăng Tử lúc còn nhỏ, gia cảnh hết mực khốn khổ, hằng ngày phải lên núi đốn củi để sinh sống. Một ngày nọ, Tăng Tử lên núi và chỉ còn một mình mẹ ông ở nhà, đột nhiên có người gõ cửa.

'Xin hỏi, có ai ở nhà không?'

Mẹ Tăng Tử mở cửa ra và nhìn thấy bên ngoài có một người, người ấy hỏi:

'Bá mẫu khỏe không? Xin hỏi Tăng Sâm có ở nhà không ạ? Con tới đây để viếng thăm.'

Mẹ Tăng Tử lo lắng trong lòng, không biết phải làm sao.

'Ay da! Phải làm sao đây? Phải làm sao đây?'

Thêm nữa, nhà của Tăng Tử rất nghèo và đơn sơ, chẳng có gì để chiêu đãi người khách. Đường sá không được thuận tiện và khó liên lạc. Mẹ của Tăng Tử lại không có ai lên núi để báo cho Tăng Tử về. Và không thể làm gì hơn là nhìn ngóng trông chờ con mau về. Nhưng đợi hồi lâu mà vẫn không thấy bóng dáng của Tăng Tử đâu, bà nghĩ bụng định đi tìm. Đúng lúc đó bà nhớ ra một phương pháp.

'Tăng Tử là đứa con rất hiếu thảo, thường thường với ta có tâm linh tương thông, nếu biết ta ở đây có mệnh hệ gì thì nó chắc cũng linh cảm được.'

Nghĩ vậy, bà liền đưa ngón tay lên, nhịn đau dùng sức cắn vào đầu ngón tay mình. Lúc ấy, Tăng Tử đang ở trên núi đốn củi, bỗng dưng lòng đau như cắt, ông vội gánh củi quay về. Khi gần về đến nhà, Tăng Tử thấy mẹ nhìn chăm chú mong ngóng, nét mặt âu lo. Tăng Tử vội vàng cung kính đi lại, thưa hỏi:

'Thưa mẹ! Mẹ chờ con có việc gì không?'

Mẹ Tăng Tử nói:

'Ở nhà có khách đến, nói là muốn tìm con. Nhưng mẹ chờ đã lâu mà vẫn không thấy con trở về, và không có cách gì hơn nên mới cắn vào ngón tay của mình. Hy vọng con cảm nhận được và lập tức trở về.'

Nếu Tăng Tử không phải là người con chí hiếu và mẫu tử tình thâm thì làm sao có được cảm ứng kỳ diệu này.

母mẫu 指chỉ 才tài 方phương 嚙giảo
兒nhi 心tâm 痛thống 不bất 禁câm
負phụ 薪tân 歸quy 未vị 晚vãn
骨cốt 肉nhục 至chí 情tình 深thâm

Mẹ vừa cắn ngón tay
Tim con đau khôn xiết
Vội vã đội củi về
Cốt nhục ấy tình thâm



(4)

單Ðơn 衣Y 順Thuận 母Mẫu
Quần Áo Đơn Sơ Hiếu Thuận Mẹ
In Simple Clothes, He Obeyed His Mother

Hiếu cảm nên từ Mẫn Tử Khiên
Gia đình hạnh phúc mãi đoàn viên
Quên mình bảo vệ hai em dại
Kế mẫu hồi tâm đấng thục hiền
Tiên đả lô hoa cha chợt tỉnh
Nghe lời con trẻ giữ lương duyên
Người xưa hành xử theo nhân tánh
Mấy kẻ đời nay giữ mối giềng

Trong các học trò của Khổng Phu Tử, ngoài Tăng Sâm là vị hiếu tử danh vang, còn có Mẫn Tổn, cũng tức là Mẫn Tử Khiên. Ông sanh vào đời Chu và là một người con chí hiếu. Lúc ông còn thơ ấu, mẹ ruột đã sớm qua đời và cha tục huyền với người đàn bà khác. Sau đó, người mẹ kế sanh thêm hai người em. Mẫn Tử Khiên vốn không phải con ruột nên bà kế mẫu thường xuyên ngược đãi. Tiết trời mùa đông, giá rét căm căm, bà lấy vải áo tốt mềm mại lót bông vào cho con bà. Còn Mẫn Tử Khiên thì lấy vải thô và độn vào hoa cỏ lau để làm áo. Tuy cả ba huynh đệ đều mặc áo lạnh nhưng tâm trạng không giống nhau. Loại áo độn hoa cỏ lau thì không thể nào đủ ấm được, chỉ có áo bông mới có thể chịu đựng được nổi cái giá rét của mùa đông. Cho nên Mẫn Tử Khiên thường lạnh run cầm cập. Một hôm nọ, cha của Mẫn Tử Khiên có việc cần ra ngoài, nên bèn bảo Mẫn Tử Khiên đánh xe. Trên đường đi, gió lạnh ren rét thổi vi vu, làm cho Mẫn Tử Khiên chịu không nổi nên run lên bần bật, tay chân cũng không còn linh hoạt nữa. Bỗng nhiên vừa mới nhảy mũi một tiếng, lập tức dây cương đang cầm, liền rơi xuống đất. Mẫn Tử Khiên rất sợ hãi và nét mặt biến sắc, đầu thụt vào, toàn thân run lẩy bẩy. Cha của Mẫn Tử Khiên thấy thế nên giận dữ quát:

'Tử Khiên, hôm nay trời không lạnh lắm, mày làm sao thế hả?'

Nói rồi ông rút cái roi đánh xe và quất mạnh lên mình của Mẫn Tử Khiên, 'Tiên đả lô hoa', quất ra hoa lau, làm cho chiếc áo đang mặc bị rách và để lộ lớp hoa cỏ lau độn bên trong. Ông sửng sốt trước cảnh tượng ấy và chợt hiểu ra tất cả. Bấy giờ, lửa sân nổi lên ba ngàn trượng, ông đùng đùng quay xe về nhà gặp vợ.

'Bà làm mẹ người ta cái kiểu nào, sao dám ngược đãi con của ta hả? Ta làm sao có thể tha thứ cho bà, bà hãy đi ngay đi.'

Bà kế mẫu kinh hoàng thất vía, hoảng sợ hối lỗi. Mẫn Tử Khiên thấy thế, chẳng những không tỏ vẻ vui lòng thích ý, mà trái lại vội vàng quỳ xuống trước mặt cha, thưa:

'Phụ thân! Còn mẹ ở lại, chỉ có mình con bị lạnh. Nhưng mẹ đi rồi thì hai người em cũng đều phải chịu giá lạnh, không ai săn sóc, cúi van cha đừng đuổi mẹ đi.'

Người cha nghe xong, xúc động bùi ngùi, nước mắt lệ rơi.

'Tử Khiên! Ta có được đứa con hiền hậu như thế này, thật không gì quý bằng, ta sẽ không đuổi bà ấy đi nữa.'

Sau đó, ông nói với người vợ kế:

'Nếu từ nay bà còn tái phạm lỗi lầm, thì ta quyết sẽ không giữ bà ở lại.'

Lúc đó, bà kế mẫu rất cảm động với lòng hiếu của Mẫn Tử Khiên và cũng hiểu chuyện nên tự giác hổ thẹn, sửa đổi lỗi lầm. Từ đó về sau, bà yêu thương Mẫn Tử Khiên như con ruột và không còn phân biệt nữa; cả nhà đoàn viên sum họp, hòa thuận quây quần. Sự tích ấy đời đời lưu truyền và chẳng biết đã làm bao nhiêu người ngưỡng mộ ngợi khen.

閔Mẫn 氏Thị 有hữu 賢hiền 郎lang
何hà 曾tằng 怨oán 晚vãn 娘nương
父phụ 前tiền 留lưu 母mẫu 在tại
三tam 子tử 免miễn 風phong 霜sương

Họ Mẫn có con hiền
Chẳng hề oán kế mẫu
Xin cha, mẹ ở lại
Ba trẻ miễn gió sương



(5)

負Phụ 米Mễ 養Dưỡng 親Thân
Vác Gạo Nuôi Cha Mẹ
Carrying Rice to Feed His Parents

Tử Lộ hàn vi tích đức dày
Đường xa vác gạo cực nào hay
Miễn sao cha mẹ canh cơm đủ
Dù có tan thây chẳng nhíu mày
Phú quý vinh hoa luôn tủi phận
Song đường khuất bóng lấy chi thay
Tam công lương đống nào quên được
Nỗi nhớ thần hôn chuỗi tháng ngày

Tử Lộ tên là Trọng Do, là một trong Thất Thập Nhị Hiền, 72 môn đệ tài giỏi của Khổng Tử, đạo đức cao vượt, tinh thông lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Ông sanh vào đời nhà Chu, thờ cha mẹ rất hiếu thảo. Lúc bấy giờ, đương khi gặp phải thời loạn lạc, nhà lại nghèo nên ông phải tìm các thứ rau quả để nấu canh dâng lên cho cha mẹ dùng bữa qua ngày. Về sau, Tử Lộ thường đi vác gạo trăm dặm đường xa để về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ ông qua đời, Tử Lộ sang nước Sở và được vua nước Sở phong tước cao sang. Tuy có được quan quyền vinh hiển, nhưng ông luôn luôn tưởng nhớ, ước gì cha mẹ hãy còn sống để ông ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh, cả nhà đoàn viên đầm ấm.

負phụ 米mễ 供cung 甘cam 旨chỉ
寧ninh 辭từ 百bách 里lý 遙diêu
身thân 榮vinh 親thân 已dĩ 沒một
猶do 念niệm 舊cựu 劬cù 勞lao

Vác gạo dưỡng ngọt bùi
Không ngại đường trăm dặm
Vinh hiển song thân mất
Hoài niệm thuở nhọc nhằn



(6)

鹿Lộc 乳Nhũ 奉Phụng 親Thân
Lấy Sữa Hươu Phụng Dưỡng Cha Mẹ
Bringing Deers' Milk to Nurse His Parents

Hiếu thuận lo toan khó nhọc tâm
Thân người da thú thợ săn lầm
Rừng sâu lấy sữa nuôi cha mẹ
Tri hiếu gia bần nghĩa cử thâm
Đàm Tử danh xưng đời mến tặng
Tâm từ ruộng phước chốn ươm mầm
Vũ phu cảm động dâng thêm sữa
Đạo đức ngày nay mấy kẻ tầm

Vào thời Xuân Thu, có một người con hiếu thuận siêu việt tên là Tánh Đàm; người đời sau gọi là Đàm Tử. Cha mẹ ông đều đã già và mắt lại bị bệnh. Đàm Tử lo lắng trong lòng nên mới nói an ủi rằng:

'Phụ thân, mẫu thân! Cha mẹ muôn lần không nên âu lo, con nhất định sẽ tìm đủ mọi cách để chữa trị lành bệnh cho cha mẹ.'

Mẹ ông ta nói:

'Đàm Nhi! Mẹ và cha con tuổi đã lớn rồi, sống không còn được bao lâu nữa, nhưng chỉ là nay rất ao ước muốn được uống sữa hươu.'

Muốn có được sữa hươu, thật không phải chuyện dễ, vả lại còn rất nguy hiểm. Chỉ sợ một khi có được sữa rồi, thì e chẳng còn mạng để về. Nhưng vì nhớ nghĩ đến cha mẹ, Đàm Tử quyết định bất luận có bao nhiêu gian truân đi nữa, thì cũng phải nghĩ cách lấy về để làm thỏa mãn tâm nguyện của cha mẹ và báo đáp thâm ân. Một ngày nọ, Đàm Tử nghe người ta nói trên rừng Bắc Sơn rậm rạp, thường hay có hươu ra vào. Thế là sau đó, Đàm Tử liền đến chợ mua da hươu mặc vào làm áo, cải trang thành hươu con, quyết định tiến lên rừng. Trong rừng Đàm Tử đi qua đi lại, bốn bên tứ phía kiếm tìm. Trời càng lúc càng tối dần mà vẫn không phát hiện được con hươu nào, trong lòng lo âu, đột nhiên Đàm Tử nghe có tiếng động.

Đàm Tử liền vội vàng núp vào, một tiếng cũng không dám động. Nhưng chờ đã lâu mà vẫn không thấy có con thú dữ nào xuất hiện, trong lòng tò mò, liền ngẩng đầu lên, tứ phía liếc quanh. Ả! Hóa ra đây chỉ là một đám hươu con, chắc là chúng cũng đói rồi. Vậy nếu mình giả tiếng kêu của nó thì hươu mẹ nhất định sẽ mau trở về cho bú. Đàm Tử lanh trí kêu lên và lén lút ẩn náu vào trong đám hươu con. Quả nhiên không ngoài dự đoán, hươu mẹ trở về. Đàm Tử vui mừng phấn khởi và học cách làm như hươu con để lấy sữa hươu mẹ. Sau rồi mới bỏ vào bình và mang về cho cha mẹ uống. Từ đó trở đi, Đàm Tử mỗi ngày cũng đều dùng cách này để lấy sữa hươu. Có một lần Đàm Tử đang lấy sữa hươu, thì bỗng nhiên phát hiện có một đám thợ săn đang giương cung lặng lẽ tiến tới. Lúc bấy giờ, hươu mẹ cũng phát giác và kêu lên một tiếng thất thanh làm cho các chú hươu con hoảng hốt bỏ chạy tứ phía, chỉ có Đàm Tử nhất thời không biết làm sao nên ở tại nơi đó. Khi thấy thợ săn sắp sửa bắn tên, Đàm Tử vội vàng kêu lớn lên:

'Xin đừng có bắn!'

Các thợ săn giật mình khủng khiếp, không hiểu tại sao con hươu này lại đột nhiên biến thành người. Sau đó, Đàm Tử mới kể rõ sự tình cho các thợ săn nghe. Các thợ săn nghe rồi, lòng đều kính nể và nói:

'Đàm Tử! Ngươi thật là hiếu thảo. Ta từng tuổi này, đây là lần đầu tiên gặp phải người kỳ dị thế này. Ta cũng có một chút sữa hươu ở đây, ngươi hãy cầm lấy mang về.'

Đàm Tử nhìn các người thợ săn, lòng cảm kích bất tận, hai hàng nước mắt lưng tròng, rồi mang sữa hươu về nhà.

老lão 親thân 思tư 鹿lộc 乳nhũ
身thân 掛quải 鹿lộc 毛mao 衣y
若nhược 不bất 高cao 聲thanh 語ngữ
山sơn 中trung 帶đái 箭tiễn 歸quy

Cha mẹ thèm sữa hươu
Da hươu áo khoác vào
Nếu không kêu lớn lên
Giữa rừng tên bắn ngay



(7)

戲Hí 彩Thải 娛Ngu 親Thân
Áo Màu Đùa Giỡn Làm Vui Cha Mẹ
Amusing His Parents in Colorful Costumes and Plays

Phụ mẫu tại đường kỵ lão gia
Bảy mươi nào dám hở môi ra
Lão Lai bắt chước làm con trẻ
Múa nhảy xênh xoang rộn cả nhà
Áo mão đủ màu trông sặc sỡ
Dâng trà giả té khóc oa oa
Trông con ngộ nghĩnh cười sung sướng
Cha mẹ mừng vui hưởng tuổi già

Lão Lai Tử sanh vào thời Xuân Thu, ông phụng dưỡng song thân rất chu đáo. Tuy Lão Lai Tử đã trên 70 tuổi nhưng cha mẹ ông vẫn còn sống. Ông không bao giờ nói là mình già, bởi vì còn cha mẹ thì không xưng là già, 'Phụ mẫu tại, hỗ ngôn bất xưng lão.' Lão Lai Tử luôn tìm đủ hết mọi cách để mong sao cho cha mẹ ông lúc nào cũng vui vẻ trong lòng. Ông cải trang, mặc áo năm màu sặc sỡ và múa hát trước mặt cha mẹ mình. Lại có khi dâng trà nước để hầu hạ song thân nhưng Lão Lai Tử giả vờ bị trượt té rồi ngồi khóc oa oa như con nít lên ba, khiến cha mẹ ông vui cười trước sự ngộ nghĩnh của con mình.

戲hí 舞vũ 學học 嬌kiều 癡si
春xuân 風phong 動động 彩thải 衣y
雙song 親thân 開khai 口khẩu 笑tiếu
喜hỷ 氣khí 滿mãn 庭đình 闈vi

Vui đùa như trẻ thơ
Gió xuân lay áo màu
Mẹ cha nở nụ cười
Cảnh vui rộn khắp nhà



(8)

賣Mại 身Thân 葬Táng 父Phụ
Bán Thân Chôn Cha
Entering Servitude to Bury His Father

Đổng Vĩnh bán mình chôn cất cha
Đường về Viên Ngoại gặp tiên nga
Bồng Lai Tiểu Thất trời ban xuống
Kết nghĩa phu thê dệt lụa là
Trả nợ hồng trần tiên đắc đạo
Xây nền đạo đức giải oan gia
Trời xanh có mắt người nên biết
Thành bại nên hư bởi phước nhà

Đổng Vĩnh sanh vào đời Hán. Lúc cha qua đời, vì nhà nghèo nên phải bán thân để lo việc mai táng. Sau khi chôn cất cha xong, trên đường đến nhà viên ngoại để làm việc trả nợ thì gặp một người con gái xin nguyện kết làm vợ chồng. Hai người hẹn ước khi dệt lụa trả nợ xong sẽ cùng nhau kết tóc se duyên. Người con gái ấy chưa tới một tháng mà đã dệt xong. Lúc hai người đang trên đường trở về chốn xưa, người con gái đó nói lời từ biệt và biến mất. Bởi Đổng Vĩnh có lòng hiếu thảo nên đã cảm động tiên nữ xuống giúp.

葬táng 父phụ 將tương 身thân 賣mại
仙tiên 姬cơ 陌mạch 上thượng 迎nghênh
織chức 縑kiêm 償thường 債trái 主chủ
孝hiếu 感cảm 動động 天thiên 庭đình

Chôn cha nên bán thân
Trên đường gặp tiên đón
Dệt lụa trả nợ xưa
Lòng hiếu cảm động trời



(9)

為Vì 母Mẫu 埋Mai 兒Nhi
Chôn Con Cứu Mẹ
Burying His Son to Save His Mother

Hiếu nghĩa đôi đường rõ khó phân
Con còn cơ hội mẹ một lần
Chôn con đào huyệt bày của báu
Quách Cự trời ban sạch nợ trần
Con dại mẹ già đều được cứu
Trời cao đất rộng đãi hiền nhân
Gia đình đoàn tụ nhờ ân đức
Tích lũy dài lâu mới được phần

Quách Cự sanh vào đời Hán, là một người hết sức nghèo khổ. Gia cảnh của vợ chồng Quách Cự vô cùng khó khăn và họ còn có mẹ già cần phụng dưỡng. Thế nhưng sau khi hai vợ chồng sanh thêm một đứa con thì cuộc sống càng thêm khốn đốn và thường là mỗi bữa đều không đủ thức ăn để lót bụng. Mẹ ông vì rất thương cháu nên mỗi bữa thường nhịn đói để nhường phần ăn của mình cho cháu nội của bà. Thế nên sức khỏe càng ngày càng suy nhược và một thời gian lâu sau thì bà ngã bệnh. Vốn là một người con chí hiếu, Quách Cự đau xót vô cùng và trằn trọc mỗi đêm . Cuối cùng Quách Cự nói với vợ rằng, 'chúng ta thật là bất hiếu. Chúng ta đã không phụng dưỡng mẹ chu đáo. Cũng tại vợ chồng mình quá nghèo nên không đủ thức ăn để nuôi con và mẹ cùng một lúc. Vợ chồng mình còn trẻ và mai này vẫn có thể có thêm con, nhưng mẹ thì tuổi đã cao và sẽ không còn sống được bao lâu, chúng ta cần phải chăm sóc và nuôi dưỡng mẹ cho tốt.' Mặc dù vợ Quách Cự thương con tha thiết, nhưng vì là một nàng dâu hiếu đễ nên nàng phải đành lòng. Khi vợ chồng Quách Cự đào hố để chôn con thì phát hiện một hũ vàng và trên đó có dòng chữ: 'Quà tặng cho hiếu tử Quách Cự.'

郭Quách 巨Cự 思tư 供cung 親thân
埋mai 兒nhi 願nguyện 母mẫu 存tồn
黃hoàng 金kim 天thiên 所sở 賜tứ
光quang 彩thải 耀diệu 寒hàn 門môn

Quách Cự nghĩ nuôi mẹ
Chôn con mong mẫu còn
Trời ban vàng dưới huyệt
Chiếu sáng cảnh cơ hàn



(10)

湧Dũng 泉Tuyền 躍Dược 鯉Lý
Suối Phun Cá Chép Nhảy
A Bubbling Spring and Leaping Carp

Bàng Thị Khương Thi cặp vợ chồng
Tâm đầu ý hợp hiếu tình thâm
Cá tươi nước ngọt chiều lòng mẹ
Lặn lội thân cò tận bến sông
Nắng sớm mưa chiều không nản chí
Vợ hiền dâu thảo vẹn câu tòng
Trời thương ban lộc cho dòng suối
Cá chép đôi con thỏa ước mong

Khương Thi sanh vào đời Hán, ông rất hiếu thuận với mẹ, lại có vợ là Bàng Thị cũng hiếu thảo hết mực. Mẹ của ông đặc biệt chỉ thích uống nước ở sông, vì dòng nước luôn được lưu chuyển và chảy xiết nên nước rất trong trẻo, sạch sẽ, mùi vị cũng ngon hơn nước giếng. Vì thế, nàng dâu Bàng Thị mỗi ngày đi rất xa để gánh nước về. Ngoài ra, mẹ ông còn thích ăn cá tươi. Thế nên, hai vợ chồng mỗi ngày tìm cho được cá mang về. Lại sợ mẹ một mình buồn tẻ nên thường mời các bà lão hàng xóm sang chơi và chuyện trò cho vui. Về sau, tự nhiên bên cạnh nhà có phun ra dòng suối ngọt như ở sông. Lại mỗi buổi sáng có hai con cá chép nhảy ra. Từ đó về sau, hai vợ chồng có nước và cá để phụng dưỡng mẹ mà khỏi phải vất vả như xưa nữa.

舍xá 側trắc 甘cam 泉tuyền 出xuất
一nhất 朝triêu 雙song 鯉lý 魚ngư
子tử 能năng 知tri 事sự 母mẫu
婦phụ 更cánh 孝hiếu 於ư 姑cô

Cạnh nhà suối ngọt phun
Sáng ra đôi chép nhảy
Con trai biết thờ mẹ
Nàng dâu hiếu mẹ chồng



(11)

拾Thập 桑Tang 供Cung 母Mẫu
Nhặt Dâu Nuôi Mẹ
Picking Mulberries for His Mother

Thái Thuận mất cha sớm thảo ngay
Gặp thời loạn lạc lắm chua cay
Vào rừng nhặt quả phân hai loại
Tướng giặc khảo tra mới tỏ bày
Trái tốt mang về dâng hiến mẹ
Xấu ăn lót dạ đỡ qua ngày
Xích My rõ chuyện cho quà tặng
Mới biết hiếu từ cảm động thay

Vào đời Tây Hán có một người con hiếu tên là Thái Thuận. Em mồ côi cha từ lúc còn ấu thơ và ở với mẹ rất hiếu thảo. Gặp năm mất mùa đói kém, nội chiến nổi lên, đồng lúa chín năm hoang phế, không một hạt gạo, Thái Thuận phải vào rừng tìm trái dâu để thay cơm lót bụng. Em lựa trái nào chín để qua một bên, còn trái nào đỏ bỏ qua bên khác. Lúc trên đường về nhà gặp phải tướng giặc Xích My, khi trông thấy thế, giặc liền hỏi, Thái Thuận trả lời: 'Quả dâu đen chín và ngọt để dành cho mẹ, trái nào đỏ và chua thì để cho tôi dùng.' Tướng giặc khen em là người con hiếu thuận nên ban cho ba thúng gạo và một đùi thịt trâu mang về.

黑hắc 桑tang 奉phụng 萱huyên 幃vi
啼đề 饑cơ 淚lệ 滿mãn 衣y
赤Xích 眉Mi 知tri 孝hiếu 順thuận
牛ngưu 米mễ 贈tặng 君quân 歸quy

Dâu đen nuôi mẹ hiền
Bụng đói lệ thấm áo
Xích My biết hiếu đễ
Trâu gạo tặng mang về



(12)

刻Khắc 木Mộc 事Sự 親Thân
Khắc Gỗ Thờ Cha Mẹ
Carving Wooden Statues to Serve His Parents

Bất hạnh ngoài thân hiếu nội tâm
Lớn khôn biểu hiện vợ sai lầm
Tạc hình tượng gỗ dâng cơm nước
Sớm tối chăm lo mật niệm thầm
Hiếu kính Đinh Lan linh hiển lộ
Mắt tay máu lệ rõ tình thâm
Linh hồn vất vưởng nên nương tựa
Mới biết sự tình dương cách âm

Đinh Lan sanh vào đời Hán, mồ côi cha mẹ lúc còn bé. Từ nhỏ, ông thường nghĩ đến song thân. Lúc trưởng thành, Đinh Lan điêu khắc hình tượng cha mẹ bằng gỗ để thờ phụng, ngày ngày dâng cơm, thắp hương lễ lạy, vấn an thăm hỏi. Sau khi lập gia đình, Đinh Lan dẫn vợ đến trước hình gỗ cha mẹ mà hành lễ như vậy mỗi ngày hai lần. Về sau, vợ của ông sanh lòng bực tức, dùng kim châm vào tay tượng gỗ xem có gì lạ không, nhưng không ngờ tức thì có giọt máu chảy ra. Đến bữa, Đinh Lan dâng cơm như thường lệ. Khi nhìn thấy tượng gỗ rưng rưng nước mắt, kẽ tay lại chảy máu, ông xem xét kỹ mới biết vợ mình đã làm, nên lập tức viết ly thư để từ bỏ vợ ngay.

刻khắc 木mộc 為vi 父phụ 母mẫu
形hình 容dung 在tại 日nhật 身thân
寄ký 言ngôn 諸chư 子tử 姪điệt
各các 要yếu 孝hiếu 雙song 親thân

Khắc gỗ thờ mẹ cha
Hình hài như lúc sống
Nhắn bảo cùng con cháu
Hiếu thảo với song thân



(13)

懷Hoài 橘Quất 遺Di 親Thân
Giấu Quýt Cho Mẹ
Hiding Oranges for His Mother

Sáu tuổi thiện tâm đã lộ ra
Bao đời tích phước giống con nhà
Theo cha đến viếng nhà Viên Thuật
Giấu quýt hầu mong biếu mẹ già
Lộ chuyện mới hay con hiếu hạnh
Chủ nhân mến khách tặng thêm quà
Thiên chân Lục Tích thời nay hiếm
Giáo dục sao cho tánh thật thà

Vào đời Hậu Hán có một bé trai tên là Lục Tích, mới vừa lên sáu mà đã biết hiếu thảo. Một hôm, em theo cha sang quận Cửu Giang để viếng thăm nhà Viên Thuật. Khi đến nơi, Viên tướng quân dọn trái cây tiếp đãi. Lục Tích thấy có quýt ngon nên bèn lấy hai trái bỏ vào túi áo. Nhưng khi chào Viên tướng quân ra về, vô ý làm rơi trái quýt ra ngoài. Bấy giờ, Viên tướng quân mới nói đùa: 'Này anh bạn trẻ! Hôm nay con đến chỗ ta làm khách, sao lại giấu quýt của chủ nhà như vậy?' Lục Tích liền quỳ xuống và trả lời: 'Mẹ con rất thích ăn quýt, nhân vì thấy có quýt ngon, con muốn lấy vài quả mang về dâng mẹ.' Viên Thuật khen là người con chí hiếu nên biếu tặng em thêm nhiều quýt mang về.

孝hiếu 悌đễ 皆giai 天thiên 性tánh
人nhân 間gian 六lục 歲tuế 兒nhi
袖tụ 中trung 懷hoài 綠lục 橘quất
遺di 母mẫu 事sự 堪kham 奇kỳ

Tánh trời vốn hiếu đễ
Thế gian trẻ lên sáu
Dấu quýt trong vạt áo
Dâng mẹ thật diệu kỳ



(14)

行Hành 傭Dong 供Cung 母Mẫu
Làm Mướn Nuôi Mẹ
Working to Support His Mother

Giang Cách mất cha thuở ấu thơ
Nhà nghèo nuôi mẹ hiếu vô bờ
Gặp thời loạn lạc thêm khốn đốn
Cõng mẹ đó đây chẳng chốn nhờ
Thoát nạn cướp đường nhờ hiếu thảo
Hạ Bì tận lực nhện xe tơ
Lừng danh hiền đức nên quan chức
Cần chánh yêu dân hiếu mãi thờ

Giang Cách sanh vào đời Hậu Hán, mồ côi cha từ lúc bé, nhà rất nghèo và thờ mẹ rất có hiếu. Vào một ngày nọ trong lúc loạn lạc, ông cõng mẹ trên lưng để chạy trốn. Giữa đường chẳng may gặp phải giặc cướp và muốn bắt ông đi làm đạo tặc. Giang Cách van nài khóc lóc cầu xin tha: 'Nếu tôi đi theo các ông rồi thì mẹ tôi một mình không ai săn sóc, sẽ bị đói chết, xin hãy tha cho chúng tôi.' Bọn cướp thấy lòng hiếu thảo chân thành của ông, liền cảm động và thương tình nên không bắt ông đi nữa. Qua cơn hiểm nguy, Giang Cách cõng mẹ đi tới huyện Hạ Bì và tận lực làm mướn để nuôi mẹ. Sau này, bởi lòng hiếu và tâm khả ái nên ông được mọi người kính mến và tiến cử làm quan lớn. Ông là một vị quan thanh liêm, cần chánh yêu dân và sống cùng mẹ rất hạnh phúc.

負phụ 母mẫu 逃đào 危nguy 難nạn
窮cùng 途đồ 賊tặc 犯phạm 頻tần
哀ai 求cầu 俱câu 獲hoạch 免miễn
傭dong 力lực 以dĩ 供cung 親thân

Cõng mẹ trốn hiểm nguy
Cùng đường gặp tặc đồ
Kêu cầu thương xót tha
Làm mướn nuôi mẹ già



(15)

扇Thiên 枕Chẩm 溫Ôn 衾Khâm
Quạt Gối Ấm Chăn
Fanning the Pillow and Warming the Blanket

Chín tuổi chẳng còn mẹ mến thương
Bên cha lặng lẽ suốt canh trường
Hè về quạt mát chăn mền gối
Đông lại nằm lăn để ấm giường
Con trẻ siêng năng quên cực nhọc
Cha già đông hạ chẳng am tường
Hoàng Hương đồn đến tai tri huyện
Trình tấu vua ban biển biểu dương

Vào đời Đông Hán, có một em bé tên là Hoàng Hương. Lúc em mới chín tuổi thì mẹ đã mất sớm. Em sống với cha vô cùng hiếu thảo. Vào mùa hè mỗi đêm, em quạt giường gối của cha mình, vì sợ cha bị nóng. Còn mùa đông lúc cha gần đến giờ ngủ, em nằm trên giường ủ hơi ấm để ngỏ hầu lúc cha nằm sẽ được ấm áp. Sau khi cha em đã an giấc, Hoàng Hương mới trở về giường ngủ của mình. Thế nên cha của Hoàng Hương lúc nào cũng được vui vẻ, quanh năm không biết có mùa đông hay mùa hè. Đương thời, quan tri phủ Lưu Hộ ở huyện đó biết được sự tình, nên làm sớ tâu lên triều đình và được vua ban cho tấm biển vàng là người con hiếu hạnh.

冬đông 月nguyệt 溫ôn 衾khâm 暖noãn
炎diễm 天thiên 扇thiên 枕chẩm 涼lương
兒nhi 童đồng 知tri 子tử 職chức
千thiên 古cổ 一nhất 黃Hoàng 香Hương

Đông đến ủ ấm chăn
Hè sang quạt mát gối
Trẻ thơ biết hiếu đạo
Ngàn xưa nhất Hoàng Hương



(16)

聞Văn 雷Lôi 泣Khấp 墓Mộ
Nghe Sấm Khóc Mộ
Hearing Thunders and Crying by the Grave

Tránh mặt hướng tây suốt cuộc đời
Vương Bầu khóc mẹ lúc mưa rơi
Sanh thời mẹ sợ cơn giông tố
Nước mất cha lìa hận chẳng vơi
Ẩn dật mở trường chăm sóc trẻ
Đọc câu sanh ngã phải ngừng lời
Cây khô bởi lệ người con hiếu
Nghĩa khí ngàn năm mãi sáng ngời

Vào thời Tam Quốc, nước Ngụy có một hiếu tử tên là Vương Bầu. Thân phụ ông làm quan triều nước Ngụy. Về sau, Tây Tấn diệt nước Ngụy để thống nhất thiên hạ. Cha Vương Bầu vì thế mà bị sát hại. Suốt đời Vương Bầu không bao giờ ngồi xoay mặt về hướng tây vì Tây Tấn ở phía tây, để ngộ ý rằng ông không bao giờ khuất phục dưới nhà Tây Tấn. Thân mẫu ông lúc sanh thời rất sợ nghe tiếng sấm nổ. Vì thế sau khi qua đời, Vương Bầu đích thân mai táng mẹ mình tại một nơi vắng vẻ, tịch tĩnh trong rừng núi. Mỗi khi trời có mưa gió và nghe tiếng sấm nổ, Vương Bầu liền chạy vội đến cạnh mộ mẹ và an ủi, khóc rằng: 'Nhi tử Vương Bầu ở đây bầu bạn với mẹ. Mẹ đừng sợ nữa, mẹ đừng sợ nữa!' Biết Vương Bầu là bậc nhân tài, vua nhà Tây Tấn thường mời ông ra làm quan nhưng ông nhất định không chịu. Ông chỉ ở nhà mở trường dạy học. Mỗi lần đọc Thi Kinh tới đoạn, 'Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao,' thương lắm mẹ cha, nhọc nhằn sanh ta, thì tự nhiên thương cảm không dằn được dòng nước mắt. Học trò thấy thế cảm động nên bỏ thơ Lục Nga không học nữa. Hậu nhân đời sau thường dùng câu thơ này để diễn tả người con có lòng hiếu, tưởng nhớ đến phụ mẫu.

慈từ 母mẫu 怕phạ 聞văn 雷lôi
冰băng 魂hồn 宿túc 夜dạ 臺đài
阿A 香Hương 時thời 一nhất 震chấn
到đáo 墓mộ 繞nhiễu 千thiên 迴hồi

Mẹ hiền sợ tiếng sấm
Hồn lạnh qua đêm dài
A Hương vừa nổi chấn
Đến mộ nhiễu ngàn lần



(17)

恣Tứ 蚊Văn 飽Bão 血Huyết
Để Mặc Nhiên Cho Muỗi Hút Máu
He Let Mosquitoes Drink His Blood Freely

Phú tánh trời ban có khác người
Mới vừa lên tám máu tươi rơi
Phơi mình muỗi đốt thay cha mẹ
Chẳng dám xua tay sợ muỗi dời
Nghèo khổ dùng thân cung dưỡng phụ
Lớn khôn chắc hẳn hiến dâng đời
Trẻ thơ Ngô Mãnh cho ta thấy
Chí cả dựng xây chẳng đợi thời

Ngô Mãnh sanh vào đời nhà Tấn, mới vừa lên tám mà đã biết hiếu thảo với cha mẹ. Nhà em rất nghèo, nghèo đến nỗi không có mùng để giăng. Vào mỗi đêm hè, Ngô Mãnh sợ cha mẹ mình bị muỗi đốt ngủ không được, nên em liền cởi trần nằm yên cho muỗi tùy ý đến hút máu và không dám xua đi. Sợ rằng nếu mình xua chúng đi thì muỗi sẽ đến đốt cha mẹ mình.

夏hạ 夜dạ 無vô 帷duy 帳trướng
蚊văn 多đa 不bất 敢cảm 揮huy
恣tứ 取thủ 膏cao 血huyết 飽bão
免miễn 使sử 入nhập 親thân 幃vi

Đêm hè không mùng giăng
Muỗi nhiều không dám xua
Để mặc chúng đốt ta
Khỏi vào thân mẹ cha



(18)

臥Ngọa 冰Băng 求Cầu 鯉Lý
Nằm Trên Băng Chờ Cá Chép
Lying on Ice in Search of Carp

Hiếu cảm nên từ khó lắm thay
Vương Tường thể hiện thật chua cay
Mang thân ấp tuyết cho băng rã
Bắt cá mang về rõ quá may
Mẹ kế động lòng nên hối cải
Ăn ngay nói thẳng trọng điều hay
Gia đình hạnh phúc nhờ ân đức
Mới biết lành thay tánh thảo ngay

Vương Tường sanh vào đời Tấn. Mẹ ruột qua đời lúc còn nhỏ. Vương Tường ở với cha và mẹ kế, nhưng bà mẹ ghẻ rất ghét ông, luôn tìm lời để nói ra nói vào. Tuy vậy, Vương Tường cũng một mực hết lòng hiếu thảo với cả hai. Vào một mùa đông lạnh buốt, nước đóng băng, mẹ ông bị bệnh và bà thèm ăn cá tươi. Vương Tường liền đến bờ sông, cởi áo ra rồi nằm trên băng để hơi nóng trong mình làm tan băng lạnh. Bỗng nhiên băng đá tự nứt ra và có hai con cá chép nhảy lên. Ông mang về phụng dưỡng cho mẹ. Trước lòng hiếu thảo chân thành của đứa con chồng, bà mẹ ghẻ cảm động và hồi tâm chuyển ý. Từ đó trở đi, bà thương yêu và chăm sóc Vương Tường như con ruột. Vương Tường sau này cố gắng học tập, làm quan lớn và tạo phước lành cho dân chúng.

繼kế 母mẫu 人nhân 間gian 有hữu
王Vương 祥Tường 天thiên 下hạ 無vô
至chí 今kim 河hà 水thủy 上thượng
一nhất 片phiến 臥ngọa 冰băng 模mô

Mẹ kế có thế gian
Vương Tường hiếm không hai
Đến giờ ở trên sông
Băng đá nằm làm gương



(19)

搤Ách 虎Hổ 救Cứu 父Phụ
Vật Cọp Cứu Cha
Wrestling the Tiger to Save His Father

Dù chết liều mình để cứu cha
Dương Hương hiếu thảo thật con nhà
Mới vừa mười bốn đà gan dạ
Bóp cổ cọp đành phải thả ra
Thoát nạn cha con mừng hớn hở
Nhanh chân vội bước quãng đường xa
Cho hay hiếu dũng hơn uy lực
Nhân đức trời cao sẽ giúp ta

Dương Hương sanh vào đời Tấn, mới 14 tuổi mà đã rất hiếu thảo. Cha em đi đâu, em luôn thường đi hầu một bên. Một hôm em cùng cha gặt lúa ở nơi gần vùng rừng núi, lúc ra về chẳng may gặp một con cọp nhảy đến vồ cha Dương Hương và tha ông đi. Em vội nhảy tới và ôm chặt vào cổ cọp. Mặc dù chỉ tay không, nhưng Dương Hương không hề nghĩ đến sự an nguy cho riêng mình mà chỉ liều chết để cứu cha. Cuối cùng con cọp hoảng hốt tháo chạy. Nhờ đó mà hai cha con được bình yên về nhà.

深thâm 山sơn 逢phùng 白bạch 額ngạch
努nỗ 力lực 搏bác 腥tinh 風phong
父phụ 子tử 俱câu 無vô 恙dạng
脫thoát 離ly 饞sàm 口khẩu 中trung

Rừng sâu gặp má trắng
Sống còn đánh hôi tanh
Cha con đều vô sự
Thoát ly khỏi miệng hùm



(20)

哭Khốc 竹Trúc 生Sanh 筍Duẩn
Khóc Làm Măng Mọc
Tears that Brought Bamboo Shoots

Hiếu động trời cao giúp Mạnh Tông
Ôm tre ngồi khóc giữa mùa đông
Bỗng dưng măng mọc điều kỳ diệu
Có lẽ thiên nhân đã hiệp thông
Nấu bát canh ngon dâng hiến mẹ
Mẫu từ thọ dụng thịt da hồng
Xót tình cảm tạ thân cây cỏ
Đã giúp nhân gian sống mặn nồng

Mạnh Tông sanh vào thời Tam Quốc, mồ côi cha từ lúc còn tấm bé, ở với mẹ rất hiếu thảo. Một ngày nọ, mẹ của Mạnh Tông bị bệnh nặng và bà rất khao khát muốn được ăn canh măng. Mạnh Tông liền đi vào rừng tre, nhưng tiết trời lúc ấy vẫn còn là mùa đông, khó mà tìm được măng non. Vì thế ông ngồi ôm gốc tre mà khóc. Lòng hiếu thảo của ông cảm động đến trời cao, bỗng đâu có mấy bụt măng từ dưới đất trồi lên. Ông vui mừng khôn xiết, vội mang về nhà nấu canh cho mẹ. Ăn xong bà liền hết bệnh. Láng giềng nghe được câu chuyện hy hữu ngàn năm có một: 'Măng mọc mùa đông.' Ai ai cũng đều ngợi khen tấm lòng hiếu thảo cảm động đến đất trời. Từ đó về sau, dân làng gọi nơi đó là Vườn Tre Mạnh Tông.

淚lệ 滴tích 朔sóc 風phong 寒hàn
蕭tiêu 蕭tiêu 竹trúc 數sổ 竿can
須tu 臾du 冬đông 筍duẩn 出xuất
天thiên 意ý 報báo 平bình 安an

Lệ rơi gió bấc lạnh
Khóc than cùng tre trúc
Chợt đâu măng đông mọc
Ý trời báo bình an



(21)

嘗Thường 糞Phẩn 憂Ưu 心Tâm
Nếm Phân Lòng Lo Âu
Tasting Excrement and Sadden His Heart

Nhậm chức nha môn chỉ mấy ngày
Lòng đau linh cảm chuyện không hay
Kiềm Lâu vội vã hồi gia thất
Mới biết cha đau hiếu tỏ bày
Nếm phẩn chẳng lành đau tất dạ
Nguyện cầu đổi mạng liều mình thay
Sắc trời báo mộng cha hồi phục
Bắc Đẩu linh thiên hộ thảo ngay

Vào thời Nam Bắc triều, Nam Tề có một người con chí hiếu tên là Kiềm Lâu. Ông được bổ nhiệm làm tri phủ đại nhân và tới huyện nha nhậm chức vừa mới được mười hôm, thì bỗng nhiên thấy trong lòng đau nhói, tâm thần bàng hoàng. Ông linh cảm ở nhà ắt có việc gì xảy ra, nên liền xin từ chức để trở về thăm cha mẹ. Về đến nhà thì mới hay cha già bị đau nặng đã hai ngày rồi. Kiềm Lâu nghe thầy thuốc nói là: 'Muốn biết bệnh nặng hay nhẹ thì chỉ cần nếm phân của bệnh nhân, nếu như đắng thì dễ trị.' Ông không ngần ngại, liền nếm thử phân của cha thì thấy có vị ngọt, lòng lo lắng vô cùng, đứng ngồi không yên. Mỗi khi đêm đến, ông hướng về sao Bắc Đẩu mà khấn nguyện xin chết thay. Về sau ông nằm mơ thấy có người cầm một thẻ vàng với mấy dòng chữ: 'Sắc trời ban bình an.' Quả nhiên ngày hôm sau, cha ông được lành bệnh.

到đáo 縣huyện 未vị 旬tuần 日nhật
椿xuân 庭đình 遭tao 疾tật 深thâm
願nguyện 將tương 身thân 代đại 死tử
北bắc 望vọng 起khởi 憂ưu 心tâm

Đến huyện chỉ mười ngày
Cha nhà gặp bệnh đau
Thân này nguyện chết thay
Hướng Bắc lòng lo âu



(22)

乳Nhũ 姑Cô 不Bất 怠Đãi
Luôn Cho Mẹ Chồng Bú Sữa
Always Breast-feeding Her Mother-in-law

Đường Thị dâu hiền mẹ ngợi ca
Di thư khấn nguyện cháu dâu nhà
Noi theo gương hiếu lưu truyền mãi
Sữa trẻ nuôi già trắng thịt da
Tuổi hạc tăng cao công thục đức
Lâm chung còn nhớ chẳng phôi pha
Phước nhà có được con dâu thảo
Hưng thịnh gia phong lắm đậm đà

Vào đời Đường, nhà họ Thôi có con dâu là Đường Thị, ở với mẹ chồng rất hiếu thảo. Người mẹ vì tuổi đã cao nên rụng hết răng và ngay cả cơm rất mềm cũng không nhai được. Đường phu nhân hằng ngày chải tóc, tắm rửa sạch sẽ, và còn cho mẹ chồng bú sữa của mình. Nhờ đó, mẹ chồng không ăn gì mà vẫn no. Để cảm ơn nàng dâu biết hiếu đễ, lúc sắp chết, bà gọi tất cả con cháu lại và nói: 'Bao nhiêu năm tháng qua, ta đã được săn sóc tận tình bởi đứa dâu này. Ta không biết lấy gì để đền đáp tấm lòng hiếu thảo ấy. Ta khấn nguyện trời cao cho con cháu dâu nhà họ Thôi ngày sau, ai ai cũng đều hiếu thảo như Đường Thị vậy.' Quả nhiên về sau, tất cả các con cháu dâu của nhà họ Thôi đều bắt chước lẫn nhau và ai nấy cũng đều hiếu thuận.

孝hiếu 敬kính 崔Thôi 家gia 婦phụ
乳nhũ 姑cô 晨thần 盥quán 梳sơ
此thử 恩ân 無vô 以dĩ 報báo
願nguyện 得đắc 子tử 孫tôn 如như

Hiếu kính dâu họ Thôi
Sớm hôm hầu mẹ bú
Ân này không gì báo
Nguyện con cháu như dâu



(23)

棄Khí 官Quan 尋Tầm 母Mẫu
Từ Quan Tìm Mẹ
Resigning Official Position to Search for His Mother

Hiếu tử trời cao cũng động lòng
Từ quan tìm mẹ lắm long đong
Ra đi tâm nguyện lời thề độc
Chẳng trở lại nhà tay trắng không
Quyết chí Thọ Xương xuôi vạn dặm
Đồng Châu hội ngộ thỏa chờ mong
Mẹ đầu nhuốm tuyết con sương điểm
Nối lại gia phong ấm cội tòng

Châu Thọ Xương, người đời Tống, là con của vợ thứ. Năm ông vừa lên bảy tuổi, người vợ cả vì ghanh tị nên đã đuổi mẹ ông đi. Về sau, Châu Thọ Xương làm quan. Vì nghĩ đến ơn nghĩa sinh thành, công lao dưỡng dục, lại nghĩ mình sống đời phú quý, còn mẹ đang sống đời lưu lạc bơ vơ. Ông cảm thấy xót dạ đau lòng, liền xin từ quan để đi tìm. Trước khi đi, ông thề: 'Nếu không tìm được, quyết không trở về!' Qua bao năm tháng, Châu Thọ Xương đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không có tung tích. Nhưng trời cao không phụ lòng hiếu tử, cuối cùng khi ông phiêu bạt đến đất Đồng Châu thì mẹ con được trùng phùng sau hơn 50 năm xa cách. Mẫu tử được đoàn viên, ông vui mừng khôn xiết và rước mẹ về phụng dưỡng tận tình.

七thất 歲tuế 生sanh 離ly 母mẫu
參tham 商thương 五ngũ 十thập 年niên
一nhất 朝triêu 相tương 見kiến 面diện
喜hỷ 氣khí 動động 皇hoàng 天thiên

Bảy tuổi xa lìa mẹ
Thương nhớ năm mươi năm
Tương phùng một sáng sớm
Vui mừng cảm động trời



(24)

滌Địch 親Thân 溺Niệu 器Khí
Tự Mình Rửa Sạch Bô
Personally Scrubbing the Chamber Pot

Thái sử gia nhân có thiếu gì
Đích thân hầu hạ mẹ luôn khi
Rửa bô tiểu tiện ngày đôi bận
Cơm nước bưng dâng đúng lễ nghi
Lỗi lạc thơ văn đời tán thán
Bẩm sanh đạo hạnh khó ai bì
Đình Kiên hiếu tử chân thiên tánh
Cần chánh thanh liêm bậc nhất nhì

Hoàng Đình Kiên sanh vào đời Tống, làm đến chức quan Thái sử. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ văn, tài ba lỗi lạc. Hoàng Đình Kiên có người bạn là Tô Đông Pha và họ được mệnh danh là hai nhà thi sĩ Tô Hoàng. Ông bẩm sanh có thiên tánh, hiếu thuận phi thường. Tuy làm chức quan cao, địa vị hiển hách, và nhà có nhiều đầy tớ hầu hạ, nhưng ông luôn tự mình săn sóc mẹ. Hằng ngày đều tự tay rửa sạch bô đi tiểu tiện của mẹ mình; dù dơ bẩn cách mấy, ông cũng đích thân làm.

貴quý 顯hiển 聞văn 天thiên 下hạ
平bình 生sanh 孝hiếu 事sự 親thân
親thân 自tự 滌địch 溺nịch 器khí
不bất 用dụng 婢tỳ 妾thiếp 人nhân

Quý hiển thiên hạ hay
Sống đời hiếu kính mẹ
Tự mình rửa sạch bô
Tỳ thiếp chẳng sai làm