Kinh Từ Thị Bồ-tát Hạ Sanh

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 500 vị đại Bhikṣu [bíc su] ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Lúc bấy giờ ngài Khánh Hỷ vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất và bạch Phật rằng:

"Như Lai huyền giám! Như Lai thấu rõ mọi việc trong ba đời--quá khứ, hiện tại, vị lai--không việc gì là chẳng rõ thông. Tên họ cùng danh hiệu, chúng đệ tử và các vị Bồ-tát của chư Phật quá khứ, hoặc ít hay nhiều, Như Lai đều tất biết. Cho đến một kiếp, trăm kiếp, hay vô số kiếp, Như Lai thảy đều quán sát và biết rõ cũng lại như vậy. Như Lai đều có thể phân biệt tên họ của quốc vương, đại thần cùng dân chúng nơi đó. Như hiện tại ở quốc độ này có bao nhiêu chúng sanh, Như Lai cũng lại biết rõ như thế. Trong tương lai lâu xa về sau khi Từ Thị Bồ-tát xuất hiện ở thế gian để thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài có bao nhiêu chúng đệ tử, cõi Phật an vui như thế nào và sẽ dài bao lâu? Nay chúng con muốn nghe việc ấy."

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

"Ông hãy ngồi xuống và nghe Ta nói về sự xuất hiện của Đức Phật Từ Thị cùng quốc độ an vui của Ngài và chúng đệ tử nhiều hay ít. Ông hãy khéo tư duy và luôn nhớ nghĩ."

Khi đó ngài Khánh Hỷ vâng lời Phật dạy và liền trở về chỗ ngồi.



Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Khánh Hỷ rằng:

"Trong tương lai lâu xa về sau, ở thế giới này sẽ có một thành quách tên là Diệu Tràng Tướng, đông tây 12 yojana [dô cha na], nam bắc 7 yojana, đất đai màu mỡ, cuộc sống của dân chúng thịnh vượng, và có những con đường thẳng tắp ở ngã tư.

Lúc bấy giờ trong thành có một long vương tên là Thủy Quang. Ban đêm vua rồng mưa hương thơm thấm ướt đất, còn ban ngày thì làm cho không khí ôn hòa mát mẻ.

Khi đó trong thành Diệu Tràng Tướng có một quỷ bạo ác tên là Diệp Hoa, việc làm thuận theo giáo Pháp và không vi phạm chánh giáo. Sau khi mọi người đã an giấc, nó đi đến những nơi bất tịnh để tẩy trừ đồ ô uế, rồi lấy nước hương mà rưới lên chỗ đất đó, làm cho sạch sẽ và thơm ngát vô cùng.

Này Khánh Hỷ! Nên biết rằng, đất đai ở châu Thắng Kim vào lúc đó, đông tây nam bắc là 10 triệu yojana. Các núi non, sông hồ và vách đá thảy đều tự diệt mất. Nước của bốn biển lớn trong mỗi biển sẽ giảm bớt 10.000 yojana. Khi ấy, mặt đất ở châu Thắng Kim sẽ bằng phẳng cực kỳ như tấm gương sáng. Khắp đất đai ở châu Thắng Kim đều có ngũ cốc tươi tốt, cuộc sống của dân chúng thịnh vượng, có rất nhiều trân bảo, các thôn xóm kề cận và chỉ cách xa bằng tiếng gà gáy. Lúc đó, những loại hoa quả cùng cây cối khô héo và hôi xấu cũng tự biến mất. Duy chỉ còn lại cây đẹp trái ngọt. Những giống cây thơm ngát và tuyệt đẹp sanh nở khắp trên mặt đất.

Lúc bấy giờ khí hậu sẽ ôn hòa mát mẻ, thời tiết của bốn mùa điều hòa. Dân chúng trong cõi nước kia đều không có 108 loại hoạn nạn. Họ không có tham dục, sân hận, si mê và buồn lo. Lòng của họ bình an và đều đồng một ý. Khi gặp gỡ, họ đều vui mừng và nói với nhau những điều tốt lành. Họ có đồng một ngôn ngữ; đây cũng như người ở châu Cao Thắng--không chút sai khác.

Khi ấy ở châu Thắng Kim, dân chúng lớn nhỏ đều đồng có tâm tánh giống nhau và không có sự sai khác. Khi ý của họ muốn đi đại tiểu tiện, đất sẽ tự nhiên hé ra. Lúc xong, đất liền khép lại.

Lúc bấy giờ, đất đai ở châu Thắng Kim sẽ tự nhiên mọc ra cây lúa không vỏ trấu. Chúng thơm ngon vô cùng và khi ăn vào, họ sẽ không có bệnh khổ. Các châu báu như là vàng, bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu và hổ phách, chúng nằm rải khắp nơi trên đất mà chẳng ai canh giữ.

Dân chúng lúc ấy cầm những châu báu này và đều tự nói lời như vầy:

'Người xưa vì những châu báu này mà tàn hại lẫn nhau, khiến cho phải bị nhốt giam vào lao ngục để chịu vô số khổ não. Ngày hôm nay, các châu báu này ví như ngói đá và chẳng có ai thèm chiếm giữ.'



Lúc bấy giờ sẽ xuất hiện vua chuyển luân tên là Loa. Ngài dùng Chánh Pháp trị vì và thành tựu đầy đủ bảy báu. Bảy báu đó là: kim luân báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, chủ tạng báu, và chủ binh báu.

Tuy bảy báu này trấn giữ ở châu Thắng Kim, nhưng không cần dùng đến dao gậy mà hết thảy đều tự nhiên thần phục.

Này Khánh Hỷ! Lúc đó sẽ có bốn kho tàng lớn:

1. Kho tàng lớn Elāpattra [ê la bách tra] ở tại nước Hương Lâm, có vô số kỳ trân dị bảo, nhiều chẳng kể xiết.
2. Kho tàng lớn Pāṇḍuka [ban đu ca] ở tại nước Mithilā [mi thi la], cũng có rất nhiều trân bảo.
3. Kho tàng lớn Piṅgala [bin ga la] ở tại nước Suraṣṭa [su ra sờ ta], cũng có rất nhiều trân bảo.
4. Kho tàng lớn Śaṅkha [sân kha] ở tại nước Lộc Dã, có vô số kỳ trân dị bảo, nhiều chẳng kể xiết.

Bốn kho tàng lớn này sẽ tự nhiên ứng hiện và khi đó các người canh giữ đều đến tâu với nhà vua rằng:

'Kính mong đại vương hãy lấy các vật báu của những kho tàng này mà bố thí cho người nghèo.'

Lúc bấy giờ, khi vua Loa đã được những kho tàng này, ngài không có ý tưởng gì về tài bảo và cũng chẳng màng nhòm ngó đến chúng.

Khi đó trên cây ở châu Thắng Kim tự nhiên sanh ra y phục mềm mại vô cùng và dân chúng sẽ lấy mặc vào. Đây cũng như người ở châu Cao Thắng hiện nay, trên cây tự nhiên sanh ra y phục--không chút sai khác.



Vào thời ấy, vua Loa có một vị đại thần tên là Thiện Tịnh. Ngài là tiểu đồng của vua lúc còn trẻ và được nhà vua hết mực kính trọng. Ngài lại có tướng mạo đoan chánh, không cao không thấp, không mập không ốm, không trắng không đen, không già không trẻ. Vị hiền thê của đại thần Thiện Tịnh thuở đó tên là Tịnh Diệu. Trong các cô gái của nhà vua, nàng là vị công chúa tài sắc vẹn toàn và có dung nhan như phi hậu của thiên đế. Trong miệng tỏa ra mùi hương của hoa sen xanh, trên thân toát ra mùi thơm hương đàn. Lại chẳng hề có 84 điều xấu của các phụ nữ, cũng không có bệnh tật cùng mọi ý tưởng sai quấy.

Lúc bấy giờ ở trời Hỷ Túc, khi quán thấy cha mẹ mình không già và cũng không trẻ, Từ Thị Bồ-tát giáng thần vào thai mẹ, rồi từ hông bên phải hạ sanh. Đây cũng y như Ta ngày nay đã sanh ra từ hông bên phải--không chút sai khác. Từ Thị Bồ-tát cũng lại như thế.

Khi đó, mỗi chư thiên ở trời Hỷ Túc đều xướng rằng:

'Từ Thị Bồ-tát đã giáng thần hạ sanh.'

Lúc ấy đại thần Thiện Tịnh liền đặt tên cho con là Từ Thị. Từ Thị Bồ-tát có thân màu hoàng kim với 32 tướng và 80 vẻ đẹp dùng để trang nghiêm nơi thân.



Vào thời ấy, tuổi thọ của loài người rất dài, không có các hoạn nạn và đều sống đến 84.000 năm. Khi người nữ được 500 tuổi thì họ mới xuất giá.

Lúc bấy giờ, Từ Thị Bồ-tát sống tại gia khoảng một thời gian không lâu thì sẽ xuất gia học Đạo. Khi ấy, ngài rời khỏi thành Diệu Tràng Tướng và cách đó không xa có một cội Đạo thụ tên là Long Hoa, cao một yojana, rộng 500 bộ. Từ Thị Bồ-tát sẽ ngồi ở dưới cây kia mà thành Đạo vô thượng. Ngay giữa đêm Từ Thị Bồ-tát xuất gia, thì liền trong đêm đó ngài sẽ thành Đạo vô thượng.

Khi ấy Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách và mỗi vị địa thần đều bảo với nhau rằng:

'Bây giờ Từ Thị Bồ-tát đã thành Phật.'

Sau đó tiếng vang chuyển đến cung trời của Tứ Thiên Vương:

'Từ Thị Bồ-tát đã thành Phật Đạo.'

Tiếp đó tiếng vang lan đến khắp trời Tam Thập Tam, trời Thiện Thời, trời Hỷ Túc, trời Nhạo Biến Hóa, trời Tha Hóa Tự Tại, và âm thanh đó triển chuyển vang đến tận cõi Phạm Thiên:

'Từ Thị Bồ-tát đã thành Phật Đạo.'



Lúc bấy giờ có ma vương dùng Pháp trị vì, tên là Đại Tướng. Khi nghe được danh hiệu của Như Lai, ngài vui mừng hớn hở đến nỗi suốt bảy ngày bảy đêm không ngủ nghỉ. Khi đó ma vương dẫn theo vô số thiên chúng từ các tầng trời ở cõi dục đến chỗ của Đức Phật Từ Thị để cung kính lễ bái. Thánh Tôn Từ Thị vì chư thiên mà lần lượt thuyết giảng về các giáo luận vi diệu. Các giáo luận để đạt đến cảnh giới vi diệu và xa lìa các ý tưởng ái dục bất tịnh, như là: luận về bố thí, luận về trì giới, và luận về sanh thiên.

Lúc bấy giờ, khi Đức Phật Từ Thị đã thấy các đại chúng, Ngài sanh tâm hoan hỷ và vì chư thiên mà rộng phân biệt nghĩa lý về Bốn Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo của chư Phật Thế Tôn thường thuyết giảng. Khi ấy có 84.000 thiên tử dứt sạch các trần cấu và đắc Pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc ấy Ma vương Đại Tướng bảo các dân chúng của thế giới kia rằng:

'Các người hãy mau xuất gia. Vì sao thế? Bởi hôm nay Từ Thị Bồ-tát đã qua bờ kia, thế nên Ngài cũng sẽ độ thoát các người và khiến các người sẽ đến được bờ kia.'

Lúc bấy giờ ở trong thành Diệu Tràng Tướng có một trưởng giả tên là Thiện Thí. Khi nghe ma vương khuyên bảo và lại nghe âm thanh của Phật nên ngài đã dẫn theo 84.000 người đến Đạo Tràng của Đức Phật Từ Thị, rồi cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và họ ngồi qua một bên. Khi ấy Đức Phật Từ Thị lần lượt thuyết giảng về các giáo luận vi diệu. Các giáo luận để đạt đến cảnh giới vi diệu và xa lìa các ý tưởng ái dục bất tịnh, như là: luận về bố thí, luận về trì giới, và luận về sanh thiên.

Lúc bấy giờ, khi Đức Phật Từ Thị thấy hàng dân chúng được tâm khai ý giải, Ngài vì họ mà rộng phân biệt nghĩa lý về Bốn Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo của chư Phật Thế Tôn thường thuyết giảng. Khi ấy có 84.000 người dứt sạch các trần cấu và đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Khi đó Trưởng giả Thiện Thí và 84.000 người liền đến trước Phật để thỉnh cầu xuất gia. Sau đó, họ khéo tu tịnh hành và đều chứng Đạo Ưng Chân. Lúc ấy ở hội đầu tiên của Đức Phật Từ Thị sẽ có 84.000 người đắc Đạo Ưng Chân.



Khi vua Loa nghe Từ Thị Bồ-tát đã thành Phật Đạo, ngài liền muốn đến chỗ của Phật nghe Pháp. Lúc đó, Đức Phật Từ Thị thuyết Pháp cho nhà vua ở lúc đầu, lúc giữa, và lúc cuối thảy đều chí thiện--các nghĩa lý đó rất thâm thúy.

Một thời gian sau, vua Loa lập thái tử lên ngôi. Ngài ban cho người thợ hớt tóc các vật trân bảo và lại dùng những châu báu khác nhau để ban cho các Phạm Chí. Rồi ngài dẫn 84.000 người đến chỗ của Phật và muốn xin làm Đạo Nhân. Sau đó họ đều thành tựu Đạo Quả và thành bậc Ưng Chân.

Khi Đại trưởng giả Thiện Tịnh nghe Từ Thị Bồ-tát đã thành Phật Đạo, ngài dẫn theo 84.000 Phạm Chí đến chỗ của Phật và xin làm Đạo Nhân. Sau đó họ đều đắc Đạo Ưng Chân--duy riêng một mình Bhikṣu Thiện Tịnh chỉ đoạn trừ ba kết sử và đắc Quả Dự Lưu.

Khi đó, Phật mẫu Tịnh Diệu dẫn theo 84.000 thể nữ đến chỗ của Phật và xin làm Bhikṣuṇī [bíc su ni]. Sau đó họ đều đắc Đạo Ưng Chân--duy riêng một mình Bhikṣuṇī Tịnh Diệu chỉ đoạn trừ ba kết sử và đắc Quả Dự Lưu.

Lúc bấy giờ, khi các phu nhân thuộc dòng dõi vua chúa nghe Từ Thị Như Lai xuất hiện ở thế gian và thành Chánh Đẳng Chánh Giác, vài ngàn vạn người họ đến chỗ của Phật, cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi ngồi qua một bên. Trong lòng họ ai nấy đều muốn làm Bhikṣuṇī để xuất gia học Đạo. Trong số họ, có người chứng Quả, có người thì không.

Này Khánh Hỷ! Những người không chứng Quả vào thời đó, họ sẽ phụng sự Phật Pháp đến trọn đời. Họ nhàm chán mọi sự trên thế gian và tu quán tưởng hết thảy mọi việc ở thế gian đều chẳng thể an vui.

Lúc bấy giờ Đức Phật Từ Thị cũng sẽ nói các giáo Pháp của Ba Thừa như là Ta hôm nay vậy. Trong chúng đệ tử, Bhikṣu Đại Ẩm Quang là vị tu 12 khổ hành. Ở chư Phật quá khứ, Bhikṣu Đại Ẩm Quang cũng đã khéo tu tịnh hành. Vị này sẽ phụ giúp Đức Phật Từ Thị khuyến tấn và giáo hóa dân chúng vào thời ấy."



Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Ẩm Quang đi đến gần chỗ của Như Lai, rồi ngài ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen, chánh thân chánh ý và nhất tâm chánh niệm.

Khi đó Thế Tôn bảo ngài Đại Ẩm Quang rằng:

"Ta nay đã già yếu và đã ngoài 80 tuổi. Hiện tại Như Lai có bốn đại Thanh Văn với trí tuệ vô tận, có đầy đủ phước đức và có thể đảm đang việc hoằng hóa. Bốn vị này là những ai? Đó là Bhikṣu Đại Ẩm Quang, Bhikṣu Kundapadhaṇiyaka [cun đa ba đa ni da ca], Bhikṣu Bất Động Lợi Căn, và Bhikṣu Phú Chướng.

Bốn đại Thanh Văn các ông đây đừng vội vào tịch diệt. Hãy chờ khi nào Pháp của Ta đã diệt tận, rồi sau đó mới diệt độ. Bhikṣu Đại Ẩm Quang cũng khoan vào tịch diệt. Ông hãy đợi đến khi Đức Phật Từ Thị xuất hiện ở thế gian.

Vì sao thế? Bởi đệ tử do Đức Phật Từ Thị giáo hóa cũng chính là đệ tử của Đức Phật Năng Tịch, do Ta phó chúc để giáo hóa và khiến họ trừ sạch hữu lậu.



Sau khi Ta vào tịch diệt, Bhikṣu Đại Ẩm Quang sẽ ở trên một ngọn núi thuộc thôn Thắng Thân của nước Thiện Thắng mà nhập định. Khi Từ Thị Như Lai thành Đạo, Ngài sẽ dẫn theo vô số ngàn người đi đến núi kia. Nhờ hồng ân của Phật, các vị quỷ thần sẽ cho mở cửa và liền thấy Bhikṣu Đại Ẩm Quang đang nhập định trong hang động.

Khi ấy Đức Phật Từ Thị dùng ngón tay phải chỉ vào Bhikṣu Đại Ẩm Quang và bảo các đại chúng rằng:

'Vào thuở quá khứ lâu xa về trước, Đức Phật Năng Tịch có một đệ tử tên là Đại Ẩm Quang, là vị khổ hành đệ nhất. Hiện tại chính là người này.'

Khi đại chúng thấy xong, họ tán dương là việc chưa từng có. Vô số trăm ngàn chúng sanh sẽ dứt sạch các trần cấu và đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Hoặc lại có chúng sanh sau khi thấy được thân tướng của Bhikṣu Đại Ẩm Quang thì cũng sẽ được như trên. Đây gọi là hội thứ nhất và sẽ có 96 ức người đắc Đạo Ưng Chân. Những người này đều là các đệ tử của Ta.

Vì sao thế? Bởi họ đều do Ta dạy bảo và làm theo bốn sự nhân duyên: huệ, thí, nhân, ái, và những việc làm lợi ích người.

Này Khánh Hỷ! Khi ấy Từ Thị Như Lai sẽ lấy đại y choàng lên thân của Bhikṣu Đại Ẩm Quang và bỗng nhiên thân của Bhikṣu Đại Ẩm Quang sẽ sáng như các vì sao. Lúc ấy Đức Phật Từ Thị lại dùng muôn loại hương hoa để cúng dường Bhikṣu Đại Ẩm Quang.

Vì sao thế? Bởi chư Phật Thế Tôn đều có lòng cung kính đối với Chánh Pháp. Từ Thị cũng đã thọ Chánh Pháp từ nơi Ta mà được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Khánh Hỷ! Nên biết rằng, ở hội thứ nhì của Đức Phật Từ Thị có 94 ức người đắc Đạo Ưng Chân. Họ cũng đều là đệ tử di giáo của Ta và cũng thực hành bốn sự cúng dường.

Ở hội thứ ba của Đức Phật Từ Thị có 92 ức người đắc Đạo Ưng Chân. Họ cũng đều là đệ tử di giáo của Ta. Khi đó, Pháp hiệu của Bhikṣu đều gọi là đệ tử của Đức Phật Từ Thị. Đây cũng như là Ta hôm nay, hàng Thanh Văn đều xưng là đệ tử của Đức Phật Năng Nhân.



Lúc bấy giờ Đức Phật Từ Thị sẽ thuyết Pháp cho các đệ tử như vầy:

'Các vị Bhikṣu hãy tư duy:
[1] quán tưởng vô thường;
[2] quán tưởng trong vui có khổ;
[3] quán tưởng ngã và vô ngã;
[4] quán tưởng có và không;
[5] quán tưởng sự biến đổi của hình sắc;
[6] quán tưởng máu bầm ứ đọng;
[7] quán tưởng thân bị phù thũng;
[8] quán tưởng ăn không tiêu hóa;
[9] quán tưởng máu mủ mụn nhọt;
[10] quán tưởng hết thảy mọi việc ở thế gian đều chẳng thể an vui.

Vì sao thế? Các vị Bhikṣu nên biết rằng, mười Pháp quán tưởng này đều là do Đức Phật Năng Tịch thuở quá khứ đã thuyết giảng cho các ông, khiến các ông dứt trừ hữu lậu và tâm được giải thoát.



Nếu có ai trong chúng đệ tử của Đức Phật Năng Tịch thuở quá khứ mà tu tịnh hành thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch cúng dường Tam Bảo thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch tu căn lành chừng thời gian khảy móng tay thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch thực hành Bốn Vô Lượng Tâm thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch thọ trì Năm Giới và Ba Quy Y thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch xây chùa dựng tháp thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch tu bổ chùa tháp thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch thọ trì Tám Giới Quan Trai thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch cúng dường hương hoa thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch rơi lệ thương cảm khi nghe Chánh Pháp thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch nhất tâm thọ trì giáo Pháp thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch trọn đời làm việc lành hay tu tịnh hành thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch biên chép hay đọc tụng Kinh điển thì sẽ đến chỗ của Ta.

Hoặc đã ở tại Đức Phật Năng Tịch phụng sự cúng dường thì sẽ đến chỗ của Ta.'



Khi ấy Đức Phật Từ Thị sẽ nói những bài kệ này:

'Bố thí tịnh giới tu công đức
Thiền định tư duy làm việc lành
Ai mà khéo tu các tịnh hành
Người đó sẽ đến chỗ của Ta

Khuyến tấn bố thí lòng hoan hỷ
Phản bổn hoàn nguyên tu tâm tánh
Ý niệm không có điều sai quấy
Họ đều sẽ đến chỗ của Ta

Từ bi hỷ xả phát tâm thành
Phụng sự cúng dường chư Như Lai
Cúng dường thức ăn cho thánh chúng
Họ đều sẽ đến chỗ của Ta

Hoặc đọc Khế Kinh tụng giới luật
Tu tập việc lành dạy bảo người
Thắp sáng ngọn đèn của Chánh Pháp
Nay họ sẽ đến chỗ của Ta

Đệ tử Năng Nhân khéo hóa độ
Cúng dường lễ bái Phật xá-lợi
Phụng sự Phật Pháp cúng dường Tăng
Nay họ sẽ đến chỗ của Ta

Nếu như có người biên chép Kinh
Tuyên thuyết rộng giảng nghĩa cao thâm
Cúng dường thọ trì Kinh Pháp Phật
Họ đều sẽ đến chỗ của Ta

Tràng phan lọng che các phẩm vật
Cúng dường tự viện tháp của Phật
Trong lòng tự xưng “Quy Y Phật”
Họ đều sẽ đến chỗ của Ta

Phụng sự cúng dường chư Như Lai
Quá khứ hiện tại cùng vị lai
Thiền định chánh niệm tâm bình đẳng
Như như bất động bất giảm tăng

Cho nên nếu ai trong Phật Pháp
Phụng hiến cúng dường chư thánh chúng
Phụng sự Tam Bảo chuyên thọ trì
Tất sẽ mau đến nơi vô vi'

Này Khánh Hỷ! Nên biết rằng, Từ Thị Như Lai sẽ ở giữa đại chúng kia mà nói bài kệ đó. Khi ấy chư thiên cùng hàng người ở giữa đại chúng kia tư duy về mười Pháp quán tưởng trên. Lúc đó sẽ có 11 nayuta [na du ta] người dứt sạch các trần cấu và họ đắc Pháp nhãn thanh tịnh.



Chư Tăng của Từ Thị Như Lai trong 1.000 năm không có phạm lỗi lầm.

Khi ấy Ngài thường dùng một bài kệ để làm giới cấm:

'Ngữ cùng ý không làm điều ác
Nghiệp từ thân cũng đừng sai phạm
Nếu dứt trừ ba nghiệp xấu này
Ải sanh tử sẽ mau ra khỏi'

Nhưng sau 1.000 năm sẽ có người phạm giới, khi đó Ngài mới lập giới luật. Từ Thị Như Lai sẽ thọ 84.000 năm. Sau khi Ngài vào Cứu Cánh Tịch Diệt, giáo Pháp của Ngài sẽ trụ thế 84.000 năm.

Vì sao thế? Bởi chúng sanh thời đó đều là những người có căn tánh lanh lợi.



Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn thấy Đức Phật Từ Thị và Thanh Văn thánh chúng ở ba hội, thành Diệu Tràng Tướng, vua Loa cùng bốn kho tàng lớn trân bảo, hoặc muốn ăn lúa gạo tự nhiên, mặc y phục tự nhiên, và sau khi mạng chung muốn sanh lên trời, thì các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó phải nên tinh tấn, không sanh tâm lười biếng, phụng sự cúng dường các Pháp sư, cùng lấy muôn loại hương hoa để cúng dường và cũng đừng để thiếu hụt.

Này Khánh Hỷ! Phải nên học và thực hành như vậy."

Lúc bấy giờ, khi ngài Khánh Hỷ cùng đại chúng nghe Phật nói xong, họ hoan hỷ phụng hành.

Kinh Từ Thị Bồ-tát Hạ Sanh


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Trúc Pháp Hộ ở Thế Kỷ 3-4
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 28/6/2011 ◊ Cập nhật: 26/4/2023

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
yojana: dô cha na
Elāpattra: ê la bách tra
Pāṇḍuka: ban đu ca
Mithilā: mi thi la
Piṅgala: bin ga la
Suraṣṭa: su ra sờ ta
Śaṅkha: sân kha
Bhikṣuṇī: bíc su ni
Kundapadhaṇiyaka: cun đa ba đa ni da ca
nayuta: na du ta
Đang dùng phương ngữ: BắcNam