Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 2
Thuở xưa có một đứa con của ông trưởng giả vào biển lấy hương trầm thủy. Sau bao năm tìm kiếm, anh ta mới được một xe hương trầm thủy chở về nhà. Sau đó, anh ta mang ra chợ bán. Nhân vì nó quá quý hiếm nên chẳng ai mua nổi. Trải qua mấy ngày mà vẫn không bán được cây nào, trong lòng mệt mỏi và khổ sở vô cùng.
Khi chợt thấy quầy hàng của người bán than đang bán rất đắt, anh ta liền nghĩ thầm:
"Thay vì chẳng bán được cây nào, chi bằng sao mình không đốt ra thành than thì may ra sẽ bán chạy hơn!"
Vậy là anh ta đốt gỗ hương trầm thủy thành than và mang tới chợ bán. Thế nhưng tiền kiếm được còn chưa tới giá tiền của nửa xe than.
Đây cũng như mấy kẻ ngu ở thế gian. Họ tu hành tinh tấn với vô lượng phương tiện để mong cầu Phật Đạo.
Thế mà đến khi gặp khó khăn, họ liền sanh lòng thoái chuyển, rồi nghĩ như vầy:
"Tu hành như vậy quá khó, chi bằng sao mình không phát tâm cầu Quả Thanh Văn, thì sẽ mau đoạn sanh tử và thành bậc Ưng Chân!"
Thuở xưa có một tên trộm lẻn vào nhà của một người giàu và ăn cắp được một tấm vải gấm. Sau đó, hắn dùng nó để bọc mấy bộ quần áo rách nát và những đồ lặt vặt. Khi việc này truyền đến tai người trí, không ai là chẳng bật cười.
Đây cũng như mấy kẻ ngu ở thế gian. Tuy họ có lòng tin đối với Phật Pháp và tu hành Pháp lành cùng làm các công đức, nhưng vì tham lợi mà hủy đi giới thanh tịnh và mất các công đức. Kết quả là bị người thế gian chê cười.
Thuở xưa có một kẻ ngu ăn hạt mè sống và cảm thấy không ngon. Sau đó, hắn mang chúng rang khô và khi ăn vào thì cảm thấy rất ngon.
Kẻ ngu liền nghĩ thầm:
"À, hay là mình rang khô rồi mang đi trồng. Khi thu hoạch, hạt mè chắc sẽ ngon lắm!"
Thế là hắn mang chúng rang khô rồi mang đi trồng. Đương nhiên là vĩnh viễn sẽ chẳng có một cây nào mọc lên.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Đối với những khổ hành khó làm mà người tu Đạo Bồ-tát phải tu hành trong nhiều kiếp, họ cho là chẳng vui.
Họ nghĩ thế này:
"Chi bằng mình hãy mau đoạn dứt sanh tử và thành bậc Ưng Chân thì sẽ dễ dàng hơn."
Nhưng về sau khi họ muốn cầu Phật Đạo, thì chẳng thể nào đạt được. Đó cũng như một khi các hạt mè đã rang khô, nó sẽ không còn nảy mầm nữa. Đây cũng như mấy kẻ ngu ở trên đời vậy.
Thuở xưa có một người cần lửa và nước lạnh để dùng trong nhà. Cho nên anh ta đã xây một bếp lửa. Khi xây xong, anh ta rót nước vào trong ấm và đặt ở trên đó. Một hồi lâu sau, anh ta muốn lấy lửa để dùng nhưng lửa đã tắt. Anh ta lại muốn lấy nước lạnh để dùng nhưng nước còn quá nóng. Thế là cả lửa lẫn nước lạnh đều chẳng có.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ vào trong Phật Pháp và xuất gia cầu Đạo. Khi đã xuất gia rồi, thế mà họ còn nghĩ đến vợ con quyến thuộc, lo chuyện thế tục, và ham vui sướng của năm dục. Do bởi lẽ này, họ mất đi lửa công đức và nước trì giới. Những ai với lòng dục vọng thì cũng lại như vậy.
Thuở xưa có một người vì muốn được lòng vua, nên đã đi hỏi những người xung quanh.
Có người mách rằng:
"Nếu muốn được lòng vua, thì ông hãy bắt chước cử chỉ của ngài."
Sau đó người này đến chỗ của quốc vương. Khi thấy nhà vua nháy mắt, anh ta cũng liền bắt chước nhà vua nháy mắt.
Thấy thế, vua hỏi rằng:
"Mắt của khanh bị bệnh hay bị gió thổi làm cay mắt à? Cớ sao cứ nháy vậy?"
Người ấy tâu với nhà vua rằng:
"Tâu đại vương. Mắt của thần không có bệnh gì và cũng chẳng phải bị gió thổi làm cay mắt. Thần vì muốn được lòng của đại vương, nên khi ngài nháy mắt, thần cũng bắt chước làm theo."
Khi nghe xong, nhà vua hết sức phẫn nộ. Ngài lập tức sai người trừng phạt rất nặng, rồi trục xuất ra khỏi nước.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ muốn thân cận Đức Phật, bậc Pháp Vương, để cầu Pháp lành và làm cho căn lành tăng trưởng. Khi đã được thân cận, họ chẳng hiểu Như Lai Pháp Vương với đủ mọi phương tiện, có lúc Ngài độ chúng sanh mà hiện ra những khiếm khuyết. Hoặc thỉnh thoảng họ nghe đoạn Pháp nào đó chưa hoàn toàn cứu cánh, thế là liền hủy báng hoặc bắt chước theo chỗ không phải đó. Do bởi lẽ này, họ vĩnh viễn đánh mất điều thiện ở trong Phật Pháp và phải đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia bắt chước nhà vua vậy.
Thuở xưa có một người bị vua dùng roi quất. Sau khi bị roi quất xong, người đó lấy phân ngựa trét lên vết thương để cho mau lành.
Lúc ấy có một kẻ ngu trông thấy, hắn mừng rỡ trong lòng và liền nghĩ thầm:
"Mình đã biết được cách chữa lành vết thương rồi."
Thế là hắn vội về nhà và bảo con của y rằng:
"Con hãy cầm roi quất vào lưng của cha. Cha đã có một cách hay để chữa trị vết thương. Bây giờ cha muốn thử xem sao."
Sau khi đã bị con lấy roi quất vào lưng, y lấy phân ngựa trét lên vết thương, rồi cho đó là một phương pháp tuyệt vời.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ nghe có người nói rằng, tu quán thân bất tịnh thì sẽ liền trừ căn bệnh của năm uẩn nơi thân.
Thế là họ nghĩ rằng:
"Ta sẽ dùng nữ sắc và năm dục để tu quán thân bất tịnh."
Song họ chẳng thấy bất tịnh đâu cả, mà ngược lại bị sắc đẹp cám dỗ. Họ lưu chuyển trong sanh tử và đọa địa ngục. Đây cũng như mấy kẻ ngu ở trên đời vậy.
Thuở xưa có một người có cô vợ xinh xắn, chỉ tội là cái mũi quá xấu. Lúc đang ở bên ngoài, y thấy một người phụ nữ nọ với diện mạo đoan chánh, đặc biệt là cái mũi rất đẹp.
Hắn liền nghĩ thầm:
"Bây giờ mình hãy cắt mũi của người đó, rồi đắp lên mặt của vợ mình, chắc sẽ tuyệt lắm nhỉ!"
Thế là kẻ ngu này liền cắt mũi của người phụ nữ đó, rồi hối hả cầm về nhà và réo vợ:
"Em hãy mau ra đây! Anh sẽ cho em một cái mũi rất xinh."
Khi người vợ ra gặp, y liền cắt mũi của vợ mình, rồi lấy cái mũi của người khác và đắp lên mặt vợ. Chẳng những nó không vừa mà còn làm cho người vợ mất đi cái mũi, khiến phải chịu đau đớn khôn xiết.
Những kẻ ngu ở thế gian thì cũng như thế.
Khi nghe những vị Đạo Nhân trưởng lão và Phạm Chí có đức hạnh vang lừng, người đời cung kính, và còn được nhiều lợi dưỡng, họ liền nghĩ như vầy:
"Giữa mình với họ có khác biệt gì đâu!"
Thế là họ tự mạo xưng rằng mình có đức hạnh. Chẳng những không được lợi gì, trái lại còn bị mang tiếng xấu. Họ cũng như kẻ ngu kia đi cắt mũi người khác. Kết cục y chỉ làm tổn thương cho vợ mình. Đây cũng như mấy kẻ ngu ở trên đời vậy.
Thuở xưa có một người bần cùng khốn khổ làm công cho người khác. Khi dành dụm đủ tiền để may được một bộ quần áo vải thô, hắn ta lấy mặc vào.
Lúc ấy có một người lạ trông thấy nên mới bảo y rằng:
"Anh phải là con của một gia tộc tôn quý giàu sang. Cớ sao anh mặc bộ quần áo vải thô này? Bây giờ tôi sẽ dạy một phương pháp để khiến anh có được một bộ y phục tuyệt đẹp. Anh hãy nghe theo lời của tôi. Tôi tuyệt đối không lừa anh đâu."
Khi ấy, kẻ nghèo rất vui và tin theo lời nói đó. Tiếp đến người lạ này liền nhúm một đống lửa ở trước kẻ nghèo.
Rồi hắn nói với kẻ nghèo rằng:
"Bây giờ anh hãy cởi bộ quần áo vải thô này ra và ném vào trong lửa. Sau đó anh sẽ được một bộ y phục sang trọng."
Thế là kẻ nghèo liền cởi bộ quần áo của mình đang mặc và ném vào trong lửa. Sau khi lửa tàn, kẻ nghèo cố tìm bới bộ y phục lộng lẫy, thế nhưng chẳng thấy đâu cả.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Do từ thuở quá khứ đã tu các Pháp lành nên nay mới được thân người. Khi đã được thân người, họ phải nên bảo hộ, tu tạo phước đức, và làm việc lành.
Tuy nhiên, họ chẳng may bị ngoại đạo, kẻ tà ác, và yêu nữ lừa gạt mà bảo rằng:
"Anh hãy tin theo lời của tôi. Hãy tu các loại khổ hành ép xác, như là quăng mình xuống đá, hoặc lao đầu vào lửa. Sau khi xả bỏ thân này, anh sẽ sanh lên cõi Phạm Thiên để thọ hưởng vui sướng và sống lâu vô cùng."
Thế là họ vội tin theo và liền xả bỏ thân mạng. Sau khi chết, họ phải đọa địa ngục để chịu đau khổ. Không những đã mất thân người, mà còn chẳng được gì. Họ cũng như kẻ nghèo kia vậy.
Thuở xưa có một người nuôi dê rất giỏi. Đàn dê càng ngày càng nhiều, tăng đến cả ngàn, rồi đến cả vạn con. Tuy nhiên, hắn ta cực kỳ keo kiệt và chẳng dám xài một xu.
Khi ấy có một kẻ chuyên lừa đảo đã dùng cách khôn khéo đến làm bạn và bảo y rằng:
"Sự thân mật giữa anh và tôi bây giờ, như cùng một thân thể và chẳng có gì xa lạ nữa. Tôi biết ở gia đình kia có một cô gái rất tốt. Tôi sẽ giúp anh lấy về làm vợ."
Khi nghe xong, người chăn dê rất vui mừng và mang nhiều dê cùng những tài vật cho tên lừa bịp kia.
Một thời gian sau, kẻ lừa bịp lại nói rằng:
"Vợ của anh hôm nay đã sanh một đứa con."
Tuy chưa thấy vợ lần nào, nhưng khi người chăn dê nghe nói vợ mình đã sanh con, thì trong lòng vui mừng khôn xiết. Thế là hắn lại mang thêm tài vật cho kẻ đó.
Rồi một ngày nọ, tên lừa bịp lại nói rằng:
"Con anh mới chào đời không lâu, hôm nay nó đã chết!"
Khi vừa nghe lời nói của kẻ kia, người chăn dê liền òa khóc và sụt sùi thương tiếc.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ học hành cho cố rồi chỉ sử dụng vào mục đích danh lợi. Họ giữ bí mật về điều hiểu biết và chẳng chịu truyền dạy hay diễn nói cho người khác. Kết cục, họ bị cái thân hữu lậu này lừa phỉnh vào sự đam mê dục lạc của thế gian. Đó cũng như người chăn dê bị lừa gạt bởi sự ảo tưởng mà tin là đã có vợ con. Và như thế họ mất đi Pháp lành, rồi đến tài vật và ngay cả tánh mạng của chính họ. Khi tới lúc đó, họ mới ngậm ngùi khóc than và đau buồn khổ sở. Họ cũng như kẻ chăn dê kia vậy.
Thuở xưa có một vị thầy thuộc dòng dõi Phạm Chí muốn tổ chức một lễ hội linh đình.
Ông bảo các đệ tử rằng:
"Thầy cần các đồ sành để sử dụng trong ngày lễ hội. Các trò hãy đến chợ để tìm và mướn cho ta một người thợ gốm về đây."
Khi ấy chúng đồ đệ đi đến nhà của ông thợ gốm. Giữa lúc đó, có một người buộc trên lưng lừa các đồ vật bằng sành để mang đến chợ bán, nhưng chỉ thoáng chốc thì bị con lừa làm vỡ nát hết. Trên đường quay về nhà, anh ta khóc sướt mướt.
Thấy vậy nên họ mới hỏi rằng:
"Tại sao anh lại buồn bã và bi ai như thế?"
Người kia trả lời:
"Sau bao năm vất vả, tôi mới làm được một số đồ vật bằng sành để mang tới chợ bán. Vậy mà con lừa chết bầm này chỉ trong nháy mắt đã phá hủy sạch sành sanh. Bởi thế nên tôi rất buồn bã."
Khi vừa nghe xong, họ rất vui mừng mà nói với nhau rằng:
"Con lừa này quả là một con vật quý. Đồ sành làm lâu như vậy mà trong thoáng chốc nó đã có thể phá hủy hết. Chúng ta nên mua con lừa này."
Dĩ nhiên là người thợ gốm rất vui mừng và lập tức bán cho họ.
Khi họ cưỡi con lừa về nhà, vị thầy hỏi rằng:
"Các trò kiếm không được người thợ gốm à? Rồi con lừa này, tại sao lại dắt nó đến đây làm gì?"
Chúng đệ tử đáp rằng:
"Con lừa này còn giỏi hơn người thợ gốm kia. Ông ta phải tốn thời gian rất lâu mới làm được một số đồ sành. Thế nhưng chỉ trong tích tắc mà nó đã có thể phá hủy toàn bộ."
Khi ấy vị thầy quở rằng:
"Các trò thật ngu si và chẳng có trí tuệ. Mặc dù hiện giờ con lừa này có thể đập vỡ hết trong chốc lát, nhưng cho dù nó có trải qua cả trăm năm đi nữa, thì vẫn không làm được một cái nào."
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Dù có trải qua trăm ngàn năm để nhận cúng dường từ người khác, nhưng họ đều chẳng biết báo đáp. Trái lại, họ còn luôn gây tổn hại và không bao giờ làm việc hữu ích. Đây cũng như mấy kẻ vong ân vậy.
Thuở xưa có hai người thương gia cùng làm ăn buôn bán với nhau. Một người bán vàng ròng, còn người kia bán bông gòn.
Lúc bấy giờ có một khách hàng đến mua vàng ròng và yêu cầu nung vàng để thử. Nhân cơ hội không ai chú ý, người thương gia bán bông gòn liền lén trộm vàng đang nung và quấn giấu trong mấy lớp bông gòn. Nhưng do bởi vàng đang nóng bỏng nên phát lửa và đốt sạch bông gòn. Thế là việc ăn cắp bại lộ; cả vàng lẫn bông gòn thảy đều mất.
Đây cũng như có ngoại đạo kia lấy trộm Phật Pháp và đưa vào trong giáo lý của họ, rồi giả mạo cho là giáo lý của mình chứ không phải là Phật Pháp. Do bởi lẽ này, họ tự thiêu diệt các sách điển ngoại đạo và làm chúng chẳng còn lưu hành ở thế gian. Đây cũng như khi kẻ ăn cắp vàng bị phát hiện vậy.
Thuở xưa có một quốc vương. Ngài có một cây ăn trái tươi tốt. Nó to lớn, cao rộng, và sẽ sanh ra những trái thơm ngon. Khi ấy có người đến chỗ của nhà vua.
Nhà vua khoe rằng:
"Ở trên cây này sắp có những trái rất ngon. Khanh có muốn ăn không?"
Người ấy liền tâu với nhà vua rằng:
"[Tâu đại vương!] Cây này cao to quá. Tuy thần muốn ăn nhưng làm sao mà hái được!"
Thế là nhà vua liền sai người chặt cây để lấy trái. Chẳng những tìm không ra trái nào mà còn tự chuốc khổ. Sau đó nhà vua muốn trồng cây lại, thế nhưng cây đã khô héo, rồi chết đi và không thể nào sanh trái nữa.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Như Lai Pháp Vương có cây trì giới sanh ra trái thù thắng. Nó có thể ban an vui và mãn nguyện điều ước mong. Nếu muốn ăn trái này, người đó phải nên trì giới và tu các công đức. Có những người tuy đã không hiểu biết phương tiện, ngược lại còn hủy phạm giới cấm. Họ ví như cây đã bị chặt kia--dù có muốn cây sống trở lại thì cũng chẳng thể nào được. Đây cũng như mấy kẻ phá giới vậy.
Thuở xưa có một thôn xóm cách kinh thành năm dịch trình. Ở trong thôn này có một nguồn nước rất thơm ngọt. Bởi vậy mà nhà vua đã ra lệnh, rằng hằng ngày người trong thôn phải dâng nước thơm ngọt vào cung. Lâu dần người trong thôn sanh lòng mệt mỏi và họ đều muốn dời đến thôn xa khác.
Khi ấy vị thôn chủ bảo mọi người rằng:
"Xin mọi người đừng đi! Tôi sẽ thay mặt mọi người tâu lên đại vương và đổi khoảng cách giữa đây và vương cung, từ năm dịch trình xuống còn ba dịch trình. Như vậy sẽ khiến mọi người cảm thấy gần hơn và khi đi khi về sẽ không còn vất vả nữa."
Sau đó, vị thôn chủ vội vã đi tâu, và nhà vua hạ lệnh đổi thành ba dịch trình. Khi nghe xong, ai nấy đều vui mừng khôn xiết.
Tuy nhiên, có người kiến nghị rằng:
"Khoảng cách mới bây giờ và năm dịch trình lúc xưa có khác biệt gì đâu!"
Dù có nghe lời nói đó, nhưng dân làng vẫn một mực khăng khăng tin theo lời của nhà vua.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ tu hành Chánh Pháp để ra khỏi năm đường và hướng đến thành tịch diệt. Thế nhưng thời gian trôi qua, họ sanh lòng chán nản và muốn bỏ cuộc. Và thế là, họ dừng chân ở sanh tử mà chẳng còn muốn tiến bước. Tuy nhiên, Như Lai Pháp Vương có đại phương tiện. Ngài ở trong Pháp Nhất Thừa mà phân biệt nói ba. Khi những người ưa thích Pháp nhỏ nghe rồi, thì liền hoan hỷ và cảm thấy dễ dàng thực hành. Họ tu thiện tích đức và mong ra khỏi sanh tử. Nhưng về sau, họ nghe có người bảo là không có Ba Thừa mà chỉ một Đạo duy nhất. Do bởi đã bám chặt vào sự tin tưởng của lời Phật thuở trước nên họ vĩnh viễn không thể xả. Đây cũng như các dân làng kia vậy.
Thuở xưa có một kẻ bần cùng khốn khổ và phải luôn mắc nợ người khác. Bởi không có cách nào để trả nên gã bỏ trốn. Lúc chạy đến một nơi hẻo lánh, y phát hiện có một cái rương đựng đầy châu báu. Ở trong ấy có một tấm gương sáng án ở trên và che đậy các trân bảo. Khi kẻ nghèo tìm thấy thì trong lòng vui mừng khôn xiết. Bỗng hắn nhìn vào tấm gương thì phát hiện trong gương có người.
Gã sợ hãi kinh hoàng và chắp tay nói rằng:
"Tôi tưởng cái rương này không thuộc sở hữu của ai. Tôi không biết có anh ở trong đó, xin anh đừng giận nhé!"
Những kẻ phàm phu thì cũng như thế. Do bị vô lượng phiền não làm cho khổ sở, họ bị ma vương truy đuổi và bị chủ nợ sanh tử siết trói. Vì muốn trốn khỏi sanh tử, họ vào trong Phật Pháp để tu hành Pháp lành và làm các công đức. Đây cũng như lúc kẻ nghèo gặp cái rương báu. Thế nhưng lại bị cái tấm gương thân kiến làm mê muội, họ thấy sai lầm mà cho là có ngã. Thế là họ liền nắm giữ cái chấp trước này và bảo đó là chân thật. Kết quả là họ sa đọa và đánh mất mọi công đức. Tĩnh lự, các Phẩm Trợ Đạo, vô lậu, các Pháp lành, và Đạo Quả của Ba Thừa thảy đều mất sạch. Đây cũng như kẻ ngu bỏ rương báu mà chạy trốn vậy.
Thuở xưa có một người vào rừng học Đạo và sau một thời gian đã trở thành một vị tiên nhân đắc năm loại thần thông. Thiên nhãn của ngài có thể thấy rõ tất cả kho tàng và mọi vật báu chôn ở dưới đất.
Khi nghe như thế, nhà vua rất vui mừng và liền bảo chúng quần thần:
"Làm sao trẫm có thể giữ người này ở mãi trong nước chúng ta mà không để ngài rời đến nơi khác? Được như thế, kho tàng của trẫm sẽ tràn đầy trân bảo."
Khi ấy có một kẻ thần ngu dốt đi đến chỗ của vị tiên nhân và móc đôi mắt của ngài.
Sau đó hắn cầm đôi mắt về và tâu vua rằng:
"[Tâu đại vương!] Thần đã móc đôi mắt của vị tiên nhân. Kể từ bây giờ, ông ấy sẽ không thể đi đâu nữa và sẽ luôn ở tại nước này."
Nhà vua quở trách rằng:
"Sở dĩ trẫm mong muốn vị tiên nhân đó ở lại đây, là vì ngài có thể thấy tất cả kho tàng trong đất. Bây giờ ngươi đã hủy đi đôi mắt của ông ta, vậy thì còn dùng gì được nữa?"
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Khi thấy người khác tu khổ hành ở núi rừng hoang dã, ở gò mả, hoặc ở dưới cây, để tu hành bốn sự đình chỉ của tâm và quán thân bất tịnh, thế là họ kiếm cách buộc những vị tu hành này phải đến nhà để làm muôn sự cúng dường. Nhưng đâu biết rằng, họ đã phá hủy Pháp lành của người ta, khiến Đạo Quả không thành và hủy mất Đạo nhãn của các vị ấy. Chẳng những họ đã đánh mất phước lợi của người khác mà chính mình cũng chẳng thu hoạch được gì. Đây cũng như kẻ thần ngu dốt kia đã vô cớ hủy đi mắt của vị tiên nhân vậy.
Thuở xưa có một người nuôi 250 con bò. Anh ta thường lùa chúng đến đồng cỏ, rồi tùy theo thời gian thích hợp mà cho chúng ăn cỏ uống nước. Một ngày nọ, có con cọp vồ ăn mất một con bò.
Khi ấy, người chủ đàn bò liền nghĩ thầm:
"Bây giờ đã mất một con, đàn bò đã không còn nguyên vẹn. Vậy ta còn nuôi chúng nữa để làm gì?"
Ngay sau đó, hắn lùa đàn bò lên vách núi cao, rồi đẩy chúng xuống vực sâu và giết sạch toàn bộ.
Kẻ phàm phu ngu si thì cũng như thế. Tuy đã thọ trì giới Cụ Túc của Như Lai, nhưng nếu họ phạm một giới, thì chẳng sanh lòng hổ thẹn hay sám hối để được thanh tịnh.
Ngược lại, họ tự nghĩ như vầy:
"Mình đã phạm một giới rồi, đằng nào cũng không còn trọn đủ. Vậy mình còn giữ các giới khác nữa để làm gì?"
Và thế là, tất cả giới đều phạm và chẳng giữ một giới nào. Đây cũng như kẻ ngu kia đã giết sạch đàn bò và không chừa một con nào vậy.
Thuở xưa có một người khát nước trên đường đi. Hắn thấy có dòng nước trong vắt chảy ra từ ống trúc nên liền tới uống.
Khi đã uống thỏa thích, hắn giơ tay chỉ vào ống trúc mà nói rằng:
"Ta đã uống no rồi. Nước ơi đừng chảy ra nữa!"
Mặc dù đã nói như vậy nhưng nước vẫn cứ chảy.
Hắn liền nổi sân mà quát rằng:
"Ta đã uống no rồi và cũng bảo ngươi đừng chảy. Tại sao còn chảy nữa hả?"
Có người thấy vậy nên mới bảo rằng:
"Ay da, anh thật là ngốc và chẳng có lý trí tí nào. Sao anh không tự bỏ đi, chứ bảo nó đừng chảy nữa làm gì?"
Thế rồi người ấy kéo hắn đi nơi khác.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Do đắm chìm trong sanh tử khát ái, nên họ đã uống nước mặn của năm dục. Ví như khi kẻ ngu kia đã uống no rồi, họ chán ghét và mệt mỏi đối với năm dục.
Họ nói lời thế này:
"Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp! Các ngươi chớ có đến đây và cũng đừng để cho ta thấy nữa!"
Tuy nhiên năm dục này cứ vẫn tương tục chẳng dứt.
Thế rồi, họ cứ thấy chúng nữa, nên càng giận dữ hơn:
"Ta đã nói các ngươi hãy mau diệt mất và đừng sanh nữa. Tại sao cứ đến hoài làm gì để cho ta thấy chứ?"
Khi ấy có người trí bảo rằng:
"Nếu muốn lìa khỏi năm dục, thì anh phải thu nhiếp sáu căn và khép kín tâm của mình. Một khi vọng tưởng không sanh thì sẽ được giải thoát. Anh cần gì phải bảo chúng biến mất và đừng sanh nữa?"
Đây cũng chẳng khác gì như kẻ ngu kia uống nước vậy.
Thuở xưa có một người đi đến nhà người khác. Hắn thấy vách tường của ngôi nhà đó được trát bằng phẳng, gọn gàng, và trông rất đẹp mắt.
Thế nên y liền hỏi chủ nhà:
"Anh đã trộn gì để trát tường mà nhìn đẹp dữ vậy?"
Chủ nhà trả lời:
"Tôi lấy vỏ trấu ngâm trong nước cho mềm, rồi trộn chung với bùn, và sau đó trát lên tường nên mới được như thế."
Kẻ ngu liền nghĩ thầm:
"Nếu mình dùng toàn hạt lúa mà không phải vỏ trấu, thì chắc bức tường sẽ trắng trẻo, trơn mượt, và sạch đẹp lắm thay!"
Thế là kẻ ngu dùng hạt lúa trộn với bùn để trát nhà và mong bức tường sẽ bằng phẳng. Nhưng ngờ đâu thì ngược lại, vách tường bị lòi lõm và rạn nứt. Chẳng những đã lãng phí biết bao hạt lúa mà còn không mang đến lợi ích gì. Chẳng bằng như huệ thí, thì sẽ có thể được công đức hơn.
Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Họ nghe các bậc thánh nhân thuyết Pháp, rằng nếu tu hành các Pháp lành, sau khi xả thân này thì sẽ sanh lên trời và được giải thoát. Thế là họ liền tự sát và hy vọng sẽ sanh lên trời và được giải thoát bằng cách này. Không những đã làm mất tánh mạng của chính mình mà kết quả chẳng được gì. Đây cũng như kẻ ngu kia vậy.
Thuở xưa có một người trên đầu chẳng có sợi tóc nào. Mùa đông đầu lạnh buốt, mùa hè nóng bức và còn bị muỗi chích; ngày đêm hắn phải chịu rất nhiều khổ não.
Một ngày nọ, kẻ đầu hói kia đi đến chỗ của một thầy thuốc chuyên trị bệnh rất giỏi.
Hắn nói với thầy thuốc rằng:
"Đại y sĩ! Xin hãy chữa giùm cái đầu hói của tôi."
Khi ấy vị thầy thuốc liền lấy cái mũ xuống để chỉ cho thấy, rằng ông ta cũng bị đầu hói.
Ông ta nói rằng:
"Tôi cũng bị nó làm khổ sở đây. Nếu có thể chữa thì từ lâu tôi đã chữa cho mình trước rồi."
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Do bị sanh già bệnh chết bức bách, họ muốn cầu nơi trường sanh bất tử. Họ nghe rằng Đạo Nhân và Phạm Chí là những bậc lương y của thế gian, khéo có thể chữa mọi chứng bệnh hoạn.
Thế là họ liền tìm đến và thưa rằng:
"Cầu xin ngài hãy diệt trừ căn bệnh sanh tử của vô thường này cho con, để khiến con luôn mãi an lạc và trường tồn bất biến."
Lúc đó các Phạm Chí liền nói rằng:
"Tôi cũng đang khổ bức bởi sanh già bệnh chết của vô thường này. Bấy lâu, tôi mãi tìm nơi trường sanh, nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy. Nếu tôi có thể khiến anh chứng đắc, tôi đã tự chứng đắc cho mình trước và cũng giúp anh chứng đắc rồi."
Nhiều người ở thế gian cũng như kẻ đầu hói kia, đã tự mình chịu khổ nhọc mà chẳng thể chữa khỏi vậy.
Thuở xưa có hai con quỷ hút tinh khí đồng sở hữu chung một cái rương, một cây gậy, và một đôi guốc. Chúng luôn gây lộn với nhau về những vật này và ai cũng muốn chiếm làm của riêng. Suốt ngày hai con quỷ cứ tranh cãi không ngừng mà chẳng thể giải quyết.
Khi ấy có một người đi ngang thấy thế nên mới hỏi rằng:
"Có gì đặc biệt với cái rương, cây gậy, và đôi guốc này mà các ngươi cãi cọ quyết liệt dữ vậy?"
Hai con quỷ trả lời:
"Cái rương này của chúng tôi có thể hiện ra tất cả vật dụng cần thiết, như là y phục, ẩm thực, và giường nệm. Cây gậy này có thể hàng phục oán địch và chẳng ai dám chống cự. Ai mang đôi guốc này thì sẽ có thể phi hành không ngăn ngại."
Nghe xong, người đó lập tức bảo hai con quỷ rằng:
"Hãy đứng ra xa một tí. Ta sẽ phân chia công bằng cho các ngươi."
Hai con quỷ nghe theo và liền xích ra xa. Lúc đó người kia liền ôm rương, nắm gậy, và mang guốc mà bay đi. Hai con quỷ sững sờ và chẳng được cái gì.
Người kia bảo chúng rằng:
"Những thứ mà các ngươi giành giật, ta lấy đi rồi. Bây giờ các ngươi không cần phải tranh nữa."
Quỷ hút tinh khí dụ cho chúng ma và ngoại đạo. Cái rương dụ như sự bố thí mọi vật dụng cần thiết cho trời người trong năm đường. Tĩnh lự được sánh như cây gậy, có thể hàng phục oán ma và giặc phiền não. Trì giới được ví như đôi guốc, có thể đưa hữu tình sanh vào cõi trời hay nhân gian.
Sự tranh giành cái rương giữa chúng ma và ngoại đạo thì dụ cho những ai cưỡng cầu quả báo trong việc làm hữu lậu--cuối cùng rồi cũng chẳng được gì. Nếu ai có thể tu hành việc lành, bố thí, trì giới, và tĩnh lự, họ sẽ xa lìa khổ ách và đắc Đạo Quả.
Kinh Bách Dụ ♦ Hết quyển 2
Soạn tập: Tôn giả Chúng Quân
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Đức Tiến (?-502)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 26/11/2012 ◊ Cập nhật: 26/4/2023
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Đức Tiến (?-502)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 26/11/2012 ◊ Cập nhật: 26/4/2023