Kinh Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai ♦ Quyển 8

"Này Khánh Hỷ! Mỗi loài trong 12 thể loại chúng sanh này cũng đều có đầy đủ 12 thứ điên đảo. Cũng như hoa đốm phát sanh khi ấn vào mắt, những điên đảo ấy hoàn toàn che khuất chân tâm minh tịnh nhiệm mầu viên mãn và thay vào đó là hư vọng loạn tưởng. Ông nay muốn tu chứng Đẳng Trì của Phật. Ông phải kiến lập ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến thì mới diệt trừ căn nguyên bổn nhân của loạn tưởng đó. Như việc làm sạch một cái hũ đã đựng qua mật ong độc, chúng ta phải dùng nước nóng trộn với tro đốt trong lư hương để tẩy trừ. Sau khi cái hũ đã rửa sạch thì mới có thể đựng cam lộ.

Ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến là những gì?

1. tu tập để diệt trừ nhân hỗ trợ
2. chân thật tu trì để cắt đứt mọi vi phạm đến chánh hành căn bổn
3. thực hành tinh tấn để đối trị với nghiệp hiện ra

Sao gọi là nhân hỗ trợ?

Này Khánh Hỷ! Hãy quán sát như sau: 12 thể loại chúng sanh trong thế gian không thể tự bảo toàn. Họ phải nương một trong bốn cách ăn để sinh sống. Đó là ăn từng chập [bằng miệng], ăn bằng xúc chạm, ăn bằng ý niệm, và ăn bằng thức. Cho nên Phật mới nói rằng, tất cả chúng sanh đều phải nhờ thức ăn để sinh sống.

Này Khánh Hỷ! Do vì hết thảy chúng sanh phải ăn mới có thể sống, nhưng nếu họ ăn phải chất độc thì sẽ tử vong. Những chúng sanh nào mong muốn vào Đẳng Trì thì phải tuyệt hẳn năm loại thực vật hăng nồng. Nếu ăn chín năm loại thực vật hăng nồng này thì sẽ phát sanh dâm dục, còn ăn sống thì sẽ gia tăng sân khuể.

Cho dù những người ăn năm loại thực vật hăng nồng mà có thể giảng giải 12 Phần Giáo đi nữa, nhưng do chư thiên và tiên nhân ở các thế giới trong mười phương rất ghét mùi xú uế của các loại thực vật đó nên họ đều sẽ xa lánh. Ngược lại thì những loài ngạ quỷ sẽ đến liếm và hôn môi của người đã ăn các loại thực vật đó. Kẻ kia sẽ luôn chung sống với quỷ, phước đức ngày càng suy hao và chỉ tăng trưởng những việc không lợi ích.

Khi những người tu tập Đẳng Trì ăn các loại thực vật đó, chư Bồ-tát, trời, tiên, và các thiện thần trong mười phương sẽ không đến bảo hộ. Trái lại, những đại lực ma vương sẽ thừa cơ hội đến ở trước họ, rồi hiện ra thân Phật và thuyết giảng tà pháp. Chúng sẽ phá hủy giới cấm và ca ngợi tham sân si. Sau khi mạng chung, họ sẽ tự động làm quyến thuộc của ma vương. Khi đã hưởng hết phước làm ma, họ sẽ đọa Địa ngục Vô Gián.

Này Khánh Hỷ! Những ai tu hành Đạo giác ngộ thì phải vĩnh viễn tuyệt hẳn năm loại thực vật hăng nồng.

Đây gọi là bước thứ nhất để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.

Sao gọi là chánh hành căn bổn?

Này Khánh Hỷ! Những chúng sanh nào muốn vào Đẳng Trì thì trước tiên phải nghiêm trì giới luật thanh tịnh. Họ phải vĩnh viễn đoạn tuyệt tâm dâm dục. Họ không được uống rượu hay ăn thịt. Họ có thể dùng thức ăn thanh tịnh khi đã được nấu và như thế sẽ không ăn sanh khí của rau quả.

Này Khánh Hỷ! Nếu ai tu hành nhưng chẳng đoạn trừ dâm dục và sát sanh mà vẫn có thể ra khỏi ba cõi thì quyết không có việc ấy.

Họ nên quán sát dâm dục tựa như rắn độc hoặc như gặp oán tặc. Họ hãy giữ thân không lay động bằng cách thọ trì bốn giới cấm hoặc tám giới cấm của bậc Thanh Văn, rồi sau đó hãy tu hành luật nghi thanh tịnh của Bồ-tát và giữ tâm không sanh khởi. Những ai thành tựu giới luật thì đời đời sẽ vĩnh viễn lìa khỏi nghiệp giết hại lẫn nhau ở thế gian. Những ai không trộm cắp thì sẽ không mắc nợ lẫn nhau và cũng không phải trả nợ đời trước.

Khi những người thanh tịnh tu tập Đẳng Trì như thế, dù với thân máu thịt từ cha mẹ sanh và không phải cần dùng thiên nhãn, họ tự nhiên vẫn có thể nhìn thấy các thế giới trong mười phương. Họ sẽ thấy Phật nghe Pháp và đích thân phụng trì thánh giáo. Họ đắc đại thần thông và du hành các thế giới trong mười phương. Họ nhớ biết việc đời trước rất rõ ràng và sẽ không gặp nguy hiểm.

Đây gọi là bước thứ nhì để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.

Sao gọi là nghiệp hiện ra?

Này Khánh Hỷ! Những vị thọ trì giới cấm thanh tịnh và lòng chẳng ham muốn dâm dục như thế, họ sẽ không có nhiều hữu lậu đối với sáu trần. Nhân bởi không có hữu lậu, họ có thể xoay ngược sự chú ý của các căn để trở về gốc. Do căn của họ chẳng duyên nơi các trần nên căn và trần sẽ không còn phối hợp với nhau nữa. Một khi xoay ngược dòng chảy thì các căn sẽ hợp thành một và sáu công dụng riêng rẽ sẽ ngừng.

Bấy giờ các quốc độ ở mười phương sẽ thanh tịnh trong suốt tựa như mặt trăng tỏa sáng lơ lửng trong báu lưu ly. Thân tâm của họ sẽ an nhiên, vi diệu viên mãn bình đẳng, và được an ổn quảng đại. Giữa lúc ấy, tất cả Như Lai đều sẽ hiện ra với thần lực bí mật viên mãn và thanh tịnh vi diệu. Người ấy liền đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Từ đó họ tu tập lần lần và tùy theo sự phát tâm tu hành nên sẽ được an lập vào những quả vị của bậc thánh.

Đây gọi là bước thứ ba để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.



Này Khánh Hỷ! Khi ái dục của thiện nam tử đó khô kiệt, các căn sẽ không còn phối hợp với trần cảnh và tập khí còn sót lại của họ sẽ không tiếp tục sanh khởi. Những chấp trước sẽ rỗng không, tâm ý sáng suốt, và chỉ còn trí tuệ tinh thuần. Tuệ tánh viên minh của họ oánh triệt các thế giới trong mười phương. Có được trí tuệ đó là do ái dục của họ đã khô cạn. Giai đoạn này gọi là Can Tuệ Địa. Mặc dù tập khí ái dục của họ mới vừa khô cạn nhưng họ vẫn chưa vào dòng Pháp thủy của Như Lai.

[1] Bấy giờ người ấy liền dùng tâm đó để vào dòng Trung Đạo và sự viên mãn vi diệu được mở bày. Từ sự nhiệm mầu viên mãn chân thật đó, một vi diệu chân thật khác lại hiện ra và họ có được một lòng tin nhiệm mầu thường trụ. Đến đây, tất cả vọng tưởng của họ đều diệt sạch chẳng sót và chỉ còn Trung Đạo chân thật. Giai đoạn này gọi là Tín Tâm.

[2] Từ tín tâm chân thật đó phát huy trí tuệ minh liễu. Mọi thứ đều viên thông và uẩn xứ giới không thể làm chướng ngại nữa. Như vậy cho đến việc xả thân thọ thân và tất cả tập khí trong vô số kiếp ở quá khứ cùng vị lai, đều hiện ra ở trước. Thiện nam tử đó đều có thể ghi nhớ và không hề quên sót. Giai đoạn này gọi là Niệm Tâm.

[3] Khi chỉ còn lại chân diệu viên mãn, tinh nguyên của chân thật đó bắt đầu chuyển hóa tập khí từ vô thỉ của họ để khai thông thành một tinh nguyên minh liễu. Duy chỉ với tinh nguyên minh liễu đó, họ sẽ tiến bước vào thanh tịnh chân thật. Giai đoạn này gọi là Tinh Tấn Tâm.

[4] Khi tinh nguyên minh liễu hiện tiền, tâm của họ hoạt động hoàn toàn bằng trí tuệ. Giai đoạn này gọi là Tuệ Tâm.

[5] Khi chấp trì trí minh đó, tâm của họ sẽ chu biến tịch tĩnh trạm nhiên và tịch diệu thường trụ. Giai đoạn này gọi là Định Tâm.

[6] Khi quang minh của định càng phát sáng, minh tánh của họ vào sâu trong định và chỉ có tiến chứ không thoái. Giai đoạn này gọi là Bất Thoái Tâm.

[7] Khi tâm tiến vào sâu thì càng được an nhiên, họ bảo trì và không để mất cảnh giới đó. Bấy giờ họ có thể giao tiếp với nguồn khí của chư Như Lai trong mười phương. Giai đoạn này gọi là Hộ Pháp Tâm.

[8] Khi thành tựu bảo trì giác minh, họ có thể dùng năng lực vi diệu để chuyển quang minh từ bi của chư Phật hướng vào bên trong nơi chư Phật an trụ. Đây ví như ánh sáng phản chiếu lẫn nhau giữa hai tấm gương và những hình ảnh vi diệu ở trong đó trùng trùng tương nhập. Giai đoạn này gọi là Hồi Hướng Tâm.

[9] Khi ánh sáng của tâm ẩn mật phản chiếu, họ được kiên định và thanh tịnh vi diệu vô thượng của chư Phật. Họ an trụ trong vô vi và không còn quên mất. Giai đoạn này gọi là Giới Tâm.

[10] Khi đã an trụ tự tại trong giới luật, họ có thể du hành khắp mười phương và tùy ý đến nơi muốn. Giai đoạn này gọi là Nguyện Tâm.



[1] Này Khánh Hỷ! Khi thiện nam tử đó đã dùng phương tiện chân chánh để vào mười cảnh giới của tâm, thì tâm tinh nguyên của họ sẽ phát huy rực rỡ. Công dụng ở mười cảnh giới của tâm tích hợp với nhau để thành tựu một tâm viên mãn. Giai đoạn này gọi là Phát Tâm Trụ.

[2] Từ ở trong cảnh giới của tâm đó sẽ phóng ra ánh sáng. Nó tựa như vàng ròng hiện ra ở trong lưu ly báu thanh tịnh. Hành giả nương vào cảnh giới vi diệu của tâm đó để tu chỉnh bản thân. Đây ví như việc san bằng đất đai. Giai đoạn này gọi là Trị Địa Trụ.

[3] Ở giai đoạn của tâm địa này, trí tuệ của họ tích hợp với nhau và mọi thứ đều được minh liễu. Họ có thể du hành khắp mười phương mà chẳng hề bị chướng ngại. Giai đoạn này gọi là Tu Hành Trụ.

[4] Khi ấy họ đi chung với chư Phật và cùng thọ nguồn khí của chư Phật. Như thân trung uẩn âm thầm tự tìm cha mẹ, hành giả vào nhà của Như Lai thì cũng vậy. Giai đoạn này gọi là Sanh Quý Trụ.

[5] Bây giờ họ đã vào nhà của Như Lai nên sẽ thừa hưởng đặc tánh của bậc giác ngộ. Đây ví như khi bào thai đã hình thành thì nhân tướng hiện ra không thiếu sót. Giai đoạn này gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ.

[6] Dung mạo của họ đồng như chư Phật và tâm tướng của họ cũng vậy. Giai đoạn này gọi là Chánh Tâm Trụ.

[7] Thân tâm của họ hợp thành và ngày càng tăng trưởng lợi ích. Giai đoạn này gọi là Bất Thoái Trụ.

[8] Thân của họ cùng một lúc có thể hiện ra đầy đủ mười tướng thần diệu. Giai đoạn này gọi là Đồng Chân Trụ.

[9] Một khi thân tướng hình thành đầy đủ, họ ra khỏi thai và làm con của Phật. Giai đoạn này gọi là Pháp Vương Tử Trụ.

[10] Khi đã thành nhân, họ ví như thái tử được đại vương ủy nhiệm việc nước. Rồi khi trưởng thành, thái tử được vua cha làm lễ quán đảnh. Giai đoạn này gọi là Quán Đảnh Trụ.



[1] Này Khánh Hỷ! Khi thiện nam tử đó đã trở thành con của Phật, họ đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai và tùy thuận chúng sanh khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là Hoan Hỷ Hành.

[2] Tiếp đến, họ khéo có thể lợi ích tất cả chúng sanh. Giai đoạn này gọi là Nhiêu Ích Hành.

[3] Trong tiến trình của giác ngộ chính mình và giác ngộ người khác, họ được khả năng không vi phạm hay kháng cự. Giai đoạn này gọi là Vô Sân Hận Hành.

[4] Cho đến hết ranh giới của vị lai, họ sanh ra giữa muôn loài chúng sanh với ba đời bình đẳng và thông đạt khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là Vô Tận Hành.

[5] Khi tất cả muôn loại Pháp môn hợp thành đồng nhất thì họ không còn sai lầm trong việc tu tập. Giai đoạn này gọi là Ly Si Loạn Hành.

[6] Ở trong sự đồng nhất hiện rõ những dị biệt, nhưng đối với mỗi tướng sai khác đó, họ đều thấy giống nhau. Giai đoạn này gọi là Thiện Hiện Hành.

[7] Như vậy cho đến số vi trần đầy khắp mười phương hư không và trong mỗi vi trần hiện ra các thế giới trong mười phương, nhưng họ chẳng thấy vi trần và thế giới hiện ra mà có sự chướng ngại nào. Giai đoạn này gọi là Vô Trước Hành.

[8] Họ quán sát muôn cảnh giới hiện tiền đều là Pháp đệ nhất Đến Bờ Kia. Giai đoạn này gọi là Tôn Trọng Hành.

[9] Khi tất cả viên dung như thế, họ có thể thành tựu quy tắc của chư Phật ở mười phương. Giai đoạn này gọi là Thiện Pháp Hành.

[10] Mỗi Pháp thực hành đều là thanh tịnh vô lậu, do bởi tánh bổn nhiên của chúng là một vô vi chân thật. Giai đoạn này gọi là Chân Thật Hành.



[1] Này Khánh Hỷ! Bây giờ thiện nam tử đó đã đầy đủ thần thông và thành tựu Phật sự, tâm họ thuần khiết tinh chân và rời xa những hoạn nạn. Tuy họ cứu độ chúng sanh nhưng diệt trừ tướng cứu độ chúng sanh. Họ xoay chuyển tâm vô vi để hướng đến con đường tịch diệt cho chúng sanh. Giai đoạn này gọi là Cứu Nhất Thiết Chúng Sanh Ly Chúng Sanh Tướng Hồi Hướng.

[2] Họ hoại trừ những gì đáng hoại trừ và rời xa những gì đáng rời xa. Giai đoạn này gọi là Bất Hoại Hồi Hướng.

[3] Bổn giác của họ trạm nhiên và bằng như sự giác ngộ của chư Phật. Giai đoạn này gọi là Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng.

[4] Khi tinh nguyên chân thật phát huy sáng rực, họ đứng cùng một nơi với chư Phật. Giai đoạn này gọi là Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng.

[5] Khi đi vào các thế giới và trở thành đồng với cảnh giới của chư Như Lai, họ trải nghiệm sự kết hợp cả hai mà chẳng bị ngăn ngại. Giai đoạn này gọi là Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng.

[6] Khi trở thành đồng với cảnh giới của chư Như Lai, họ đều sanh khởi nhân thanh tịnh ở trong mỗi tiến trình tu tập. Nương vào nhân đó, họ phát huy rực rỡ và hướng đến Đạo tịch diệt. Giai đoạn này gọi là Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng.

[7] Do căn lành đã thành lập nơi thật tướng, họ quán sát như vầy, 'Tất cả chúng sanh trong mười phương đều đồng bổn tánh với mình. Bây giờ tánh của ta thành tựu viên mãn và biết rằng không một chúng sanh nào mất chúng vĩnh viễn.' Giai đoạn này gọi là Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thiết Chúng Sanh Hồi Hướng.

[8] Mặc dù trải nghiệm một với hết thảy pháp, nhưng họ lìa tất cả tướng. Ý niệm về một với hết thảy pháp và lìa tất cả tướng, cả hai họ đều không chấp trước. Giai đoạn này gọi là Chân Như Tướng Hồi Hướng.

[9] Khi đạt đến Chân Như thật sự, họ không gặp bất cứ sự cản trở nào ở khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là Vô Phược Giải Thoát Hồi Hướng.

[10] Khi họ thành tựu viên mãn công đức của chân tánh, mọi giới hạn đến Pháp Giới đều diệt trừ. Giai đoạn này gọi là Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng.



Này Khánh Hỷ! Khi thiện nam tử đó đã hoàn toàn thanh tịnh tâm của mình qua 41 giai đoạn, họ tiếp đến cần thành tựu thêm bốn loại tu hành vi diệu viên mãn.

[1] Đến đây, họ dùng tâm của mình để tu hành và đang ở ranh giới đạt đến giác ngộ của Phật. Họ được ví như người dùi lửa và mong phát lửa để đốt miếng cây đang dùi. Giai đoạn này gọi là Noãn Địa.

[2] Họ lại dùng tâm của mình để tu hành, gần hoàn thành những gì mà Phật đã trải qua và sắp không còn lệ thuộc trên đất. Họ được ví như người đứng trên đỉnh núi cao, gần như toàn thân vào hư không và chỉ có một chút nhỏ ngăn ngại ở phía dưới. Giai đoạn này gọi là Đảnh Địa.

[3] Bây giờ tâm của họ và tâm của Phật đồng nhau. Họ khéo chứng đắc Trung Đạo. Họ được ví như người nhẫn nhịn những việc mà không thể ôm trọn, nhưng cũng chẳng thể bày tỏ. Giai đoạn này gọi là Nhẫn Địa.

[4] Khi mọi số lượng tiêu diệt, họ không còn phân biệt giữa mê với giác và Trung Đạo. Giai đoạn này gọi là Thế Gian Đệ Nhất Địa.



[1] Này Khánh Hỷ! Khi thiện nam tử đó ở trong đại giác mà khéo được thông đạt, họ giác ngộ như chư Như Lai và thông đạt tất cả cảnh giới của Phật. Giai đoạn này gọi là Hoan Hỷ Địa.

[2] Khi tánh dị biệt trở thành tương đồng và tánh tương đồng cũng diệt mất, giai đoạn này gọi là Ly Cấu Địa.

[3] Khi thanh tịnh đến tột cùng thì sáng rực phóng ra. Giai đoạn này gọi là Phát Quang Địa.

[4] Khi sáng rực đến tột độ thì tuệ giác viên mãn. Giai đoạn này gọi là Diễm Tuệ Địa.

[5] Khi họ hoàn toàn vượt qua tất cả những điểm tương đồng và dị biệt ở các giai đoạn trước, giai đoạn này gọi là Nan Thắng Địa.

[6] Khi tánh thanh tịnh của Chân Như vô vi hiển lộ sáng ngời, giai đoạn này gọi là Hiện Tiền Địa.

[7] Khi họ đến tận cùng ranh giới của Chân Như, giai đoạn này gọi là Viễn Hành Địa.

[8] Khi mọi thứ đều là một tâm Chân Như, giai đoạn này gọi là Bất Động Địa.

[9] Khi họ có thể phát khởi công dụng của Chân Như, giai đoạn này gọi là Thiện Tuệ Địa.

Này Khánh Hỷ! Đến đây, sự tu tập và công đức của những vị Bồ-tát ấy đã viên mãn. Cho nên, giai đoạn này cũng gọi là Tu Tập Vị.

[10] Khi bóng râm của mây từ nhiệm mầu che phủ biển tịch diệt, giai đoạn này gọi là Pháp Vân Địa.



Khi chư Như Lai xoay ngược hướng [để trở lại độ chúng sanh] và những vị Bồ-tát đó thuận hướng trên con đường tu tập, họ gặp gỡ ở ranh giới giác ngộ của Phật. Giai đoạn này gọi là Đẳng Giác.

Này Khánh Hỷ! Từ Can Tuệ Địa đến Đẳng Giác, họ được tuệ giác đó, là do làm khô kiệt vô minh ở trong tâm kim cang. Như vậy khi đã trải qua 12 giai đoạn, 7 quả vị đơn lập và 5 nhóm của mười quả vị, họ cuối cùng mới đạt đến Diệu Giác và thành Đạo vô thượng.

Ở mỗi giai đoạn, họ đều dùng tâm kim cang để quán sát như huyễn về mười loại thí dụ thâm sâu [: tất cả nghiệp như huyễn hóa; tất cả pháp như ảo ảnh; tất cả thân như trăng trong nước; tất cả diệu sắc như hoa đốm; tất cả diệu âm như tiếng dội trong sơn cốc; tất cả cõi Phật như thành tầm hương thần; tất cả Phật sự như chiêm bao; thân Phật như phản chiếu; báo thân như bóng hình; Pháp thân như biến hóa]. Với Tịch Chỉ [để diệt trừ vọng tưởng trong tâm] và dùng Diệu Quán của Như Lai, họ lần lần thứ tự vào sâu và thanh tịnh tu chứng.

Này Khánh Hỷ! Do bởi vị ấy đã dùng ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến như thế, nên họ khéo có thể thành tựu 55 quả vị chân thật trên con đường giác ngộ.

Người khởi quán tưởng này gọi là chánh quán. Nếu ai quán khác thì là tà quán."



Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử đang ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi bạch Phật rằng:

"[Bạch Thế Tôn!] Kinh này tên là gì? Con và chúng sanh phụng trì như thế nào?"

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Kinh này tên là Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai.

Cũng tên là Cứu Hộ Em Họ Khánh Hỷ và Độ Thoát Bhikṣuṇī [bíc su ni] Tánh ở Trong Đại Hội Này để Được Đạo Tâm Mà Vào Biển Chánh Biến Tri.

Cũng tên là Mật Nhân của Như Lai để Tu Chứng Liễu Nghĩa.

Cũng tên là Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương và Mười Phương Phật Mẫu Tổng Trì.

Cũng tên là Quán Đảnh Chương Cú và Cứu Cánh Kiên Cố Vạn Hành của Chư Bồ-tát. Ông hãy theo đó mà phụng trì."

Khi Phật nói lời ấy xong, ngài Khánh Hỷ cùng các đại chúng do nhờ được Như Lai khai thị mật ấn diệu nghĩa của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú và lại nghe được danh mục liễu nghĩa của Kinh này, nên lập tức giác ngộ phương pháp tu hành tĩnh lự để thăng tiến đến những quả vị của bậc thánh. Họ tăng tiến đến nghĩa lý vi diệu, tâm tư rỗng không và ngưng lại. Họ đoạn trừ sáu loại phiền não vi tế trong ba cõi đã ảnh hưởng đến tâm của người tu hành.



Bấy giờ Tôn giả Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:

"Thế Tôn là bậc đại uy đức. Với âm thanh từ bi không ngăn ngại, Ngài đã khéo khai thị cho chúng sanh về sự vi tế của si mê trầm luân. Nhờ đó, thân tâm của con hôm nay an nhiên và được lợi ích lớn lao.

"Bạch Thế Tôn! Nếu diệu minh chân tâm thanh tịnh nhiệm mầu này xưa nay vốn viên mãn cùng khắp, như vậy cho đến cỏ cây đất đai và loài sâu bọ đều có bổn nguyên Chân Như. Đó chính là thể tánh chân thật để thành Phật của chư Như Lai. Vậy thì tại sao lại có địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, phi thiên, nhân gian, và thiên thượng?

Bạch Thế Tôn! Những cõi giới ấy là xưa nay tự có, hay là chúng do tập khí hư vọng sanh khởi của chúng sanh mà có?

Bạch Thế Tôn! Như trường hợp của Bhikṣuṇī Bảo Liên Hương, là người trì giới Bồ-tát nhưng lại lén lút hành dâm, rồi sau đó vọng ngữ mà bảo rằng hành dâm không có nghiệp báo, bởi vì nó không liên quan đến việc giết hại hay trộm cắp. Khi vừa dứt lời thì nữ căn của cô ta phun ra lửa hừng hực. Mỗi đốt xương của cô ta đều bị lửa dữ lan đến đốt cháy, rồi sau đó cô ta đọa Địa ngục Vô Gián.

Ngoài ra còn có vua Lưu Ly và Bhikṣu [bíc su] Thiện Tinh. Vua Lưu Ly tru diệt dòng họ Địa Tối Thắng, và Bhikṣu Thiện Tinh vọng thuyết về không của tất cả pháp. Hai người đó cũng rơi vào Địa ngục Vô Gián đương lúc còn sống.

Những địa ngục này có nơi cố định chăng? Hay là chúng tự nhiên hình thành tùy theo nghiệp tạo của từng người và mỗi người phải tự lãnh thọ? Kính mong Như Lai đại từ mà khai thị cho các đệ tử trẻ non nớt, và cũng làm cho tất cả chúng sanh trì giới khi nghe về nghĩa quyết định thì sẽ hoan hỷ đội mang lời dạy trên đỉnh đầu của họ, cẩn thận gìn giữ thanh tịnh và không vi phạm."



Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

"Lành thay! Câu hỏi này sẽ làm cho các chúng sanh không rơi vào tà kiến. Ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông.

Này Khánh Hỷ! Bổn tánh của hết thảy chúng sanh đích thật là thanh tịnh chân thật. Nhân bởi cái thấy sai lầm của họ mà có tập khí hư vọng sanh ra. Nhân đó phân chia làm nội phần và ngoại phần.

Này Khánh Hỷ! Nội phần tức là phần bên trong của chúng sanh. Nhân bởi những sự ái nhiễm mà phát khởi tình cảm hư vọng. Do tình cảm tích tụ chẳng dừng nên nó có thể sanh ra ái thủy.

Vì vậy, khi chúng sanh nghĩ về thức ăn ngon thì nước miếng chảy ra từ trong miệng của họ. Khi nhớ về người quá cố thương yêu hoặc căm hận thì họ rưng rưng nước mắt. Khi tham cầu tài bảo thì lòng họ ước ao mong mỏi. Khi gặp ai với toàn thân tươi sáng thì lòng họ say đắm. Khi nghĩ đến chuyện dâm dục thì nam căn hay nữ căn của họ sẽ tự động tiết ra nước nhờn.

Này Khánh Hỷ! Mặc dù các tình cảm có sai khác nhưng việc tiết ra nước hoặc giữ lại trong thân thì giống nhau. Tánh của ẩm ướt không bốc lên mà nó tự nhiên rơi xuống. Đây gọi là nội phần.

Này Khánh Hỷ! Ngoại phần tức là phần bên ngoài của chúng sanh. Nhân bởi những sự khát ngưỡng mà phát huy tịnh tưởng hướng thượng. Do tịnh tưởng tích tụ chẳng dừng nên nó có thể sanh ra thắng khí.

Vì vậy, khi chúng sanh thọ trì giới cấm thì toàn thân của họ sẽ nhẹ nhàng và thanh thản. Khi trì chú bắt ấn thì tâm của họ sẽ hùng dũng và kiên định. Khi trong lòng muốn sanh lên trời thì họ sẽ nằm mơ thấy mình đang bay. Khi tâm nhớ về cõi Phật thì cảnh giới của thánh hiền sẽ bí mật hiện ra. Khi phụng sự Thiện Tri Thức thì họ sẽ không luyến tiếc thân mạng của chính mình.

Này Khánh Hỷ! Mặc dù các tịnh tưởng có sai khác nhưng việc khinh an thì giống nhau. Tánh của bay lướt không chìm xuống mà nó tự nhiên siêu việt. Đây gọi là ngoại phần.

Này Khánh Hỷ! Tất cả chúng sanh trên thế gian đều bị cuốn theo vòng sanh tử không ngừng. Lúc còn sống, họ cuốn theo tập tánh thuận. Lúc chết đi, họ cuốn theo muôn dòng nghiệp. Vào lúc lâm chung và khi hơi nóng vẫn còn trong thân thể, tất cả thiện ác đã làm đều xuất hiện cùng một lúc. Tử nghịch sanh thuận và hai tập tánh này giao tiếp lẫn nhau.

Nếu những chúng sanh nào với tịnh tưởng chiếm toàn bộ thì họ lập tức bay lên và chắc chắn sẽ sanh vào cõi trời. Giữa trạng thái của tâm bay lên, nếu có cả phước đức lẫn trí tuệ và đã phát nguyện thanh tịnh, tâm của họ sẽ tự nhiên khai thông. Họ sẽ thấy chư Phật ở trong tất cả tịnh độ khắp mười phương và vãng sanh tùy theo ý nguyện.

Nếu những chúng sanh nào với tịnh tưởng chiếm đa phần và tình cảm chiếm thiểu số, họ vẫn bay lên nhẹ nhàng nhưng không xa. Họ có thể sẽ trở thành phi hành tiên nhân, đại lực quỷ vương, quỷ tiệp tật bay giữa không, hay quỷ bạo ác đi trên đất. Những loại chúng sanh này du hành ở trời Tứ Thiên Vương mà không bị trở ngại. Trong ấy nếu có chúng sanh nào phát nguyện lành và khởi tâm lành, họ sẽ hộ trì Pháp của Ta. Hoặc họ hộ trì giới cấm và đi theo bảo vệ những người giữ giới. Hoặc họ hộ trì thần chú và đi theo bảo vệ những người trì chú. Hoặc họ hộ trì tĩnh lự và đi theo bảo vệ những người tu định. Các chúng sanh đó sẽ trở thành những đệ tử thân tín và ngồi ở dưới tòa của Như Lai.

Nếu những chúng sanh nào với tịnh tưởng và tình cảm bằng nhau, họ sẽ không bay lên mà cũng chẳng rơi xuống. Họ sẽ sanh ở nhân gian. Tịnh tưởng càng sáng suốt thì họ sẽ càng thông minh; tình cảm càng u ám thì họ sẽ càng ngu độn.

Nếu những chúng sanh nào với tình cảm chiếm đa phần và tịnh tưởng chiếm thiểu số, họ sẽ thác vào loài bàng sanh. Nếu tình cảm thâm trọng thì họ sẽ trở thành thú vật lông lá. Nếu tình cảm khinh bạc thì họ sẽ trở thành chim muông có cánh.

Nếu những chúng sanh nào với tình cảm chiếm bảy phần và tịnh tưởng chiếm ba phần, họ sẽ chìm xuống thủy luân. Họ sẽ sanh làm ngạ quỷ ở ranh giới của hỏa luân, phải hứng chịu khí lửa dữ, luôn bị đốt cháy, và còn bị nước sôi tổn hại thân mình. Suốt trăm ngàn kiếp, họ không có gì để ăn và cũng chẳng có gì để uống.

Nếu những chúng sanh nào với tình cảm chiếm chín phần và tịnh tưởng chiếm một phần, họ sẽ rơi xuyên qua hỏa luân. Họ sẽ sanh ra ở giữa ranh giới của hỏa luân và phong luân. Nếu tình cảm khinh bạc thì họ sẽ rơi vào địa ngục khổ bức có gián đoạn. Nếu tình cảm thâm trọng thì họ sẽ rơi vào Địa ngục Vô Gián.

Nếu những chúng sanh nào với tình cảm chiếm toàn bộ thì họ lập tức chìm xuống Địa ngục Vô Gián. Giữa trạng thái của tâm chìm xuống, nếu từng có hủy báng Đại Thừa, hủy hoại giới cấm của Phật, vọng ngữ thuyết pháp, hành vi hư ngụy vì tham lam cúng dường từ những thí chủ thành tín, lạm dụng lòng cung kính của người khác, hoặc tạo năm tội ngỗ nghịch hay vi phạm mười giới nghiêm trọng, thì họ lần lượt sẽ sanh vào những Địa ngục Vô Gián ở các thế giới trong mười phương.

Mặc dù chúng sanh thọ báo ứng là tùy theo nghiệp ác đã tự chiêu cảm, nhưng họ sẽ chia sẻ số phận ở cùng một nơi với những kẻ đã gây tạo nghiệp giống nhau.



Này Khánh Hỷ! Những báo ứng đó đều là nghiệp tự chiêu cảm của mỗi chúng sanh kia. Họ tạo mười nhân tập khí nên sẽ thọ sáu quả báo.

Này Khánh Hỷ! Mười nhân đó là những gì?

1. Tập khí của dâm dục phát khởi cọ xát nên dẫn đến sự giao hợp. Do sự cọ xát chẳng ngừng như thế nên người ấy mới có một cảm giác của lửa cháy hừng hực phát động từ bên trong. Đây ví như hơi ấm xuất hiện khi có người chà hai bàn tay với nhau.

Do tập khí của dâm dục bộc phát lửa của thói quen giao hợp nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là giường sắt, trụ đồng, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự hành dâm và gọi chúng là lửa dục. Chư Bồ-tát xa lánh dâm dục như là sợ rơi hầm lửa.

2. Tập khí của tham muốn phát khởi thu hút nên dẫn đến sự tính toán. Do sự thu hút chẳng ngừng như thế nên người ấy mới có một cảm giác của hàn băng lạnh buốt phát động từ bên trong. Đây ví như hơi lạnh phát sanh khi có người dùng miệng hút luồng gió thật mạnh.

Do tập khí của tham muốn và thói quen tính toán cùng xâm lấn lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là tiếng chạm của răng, tiếng run của lưỡi, tiếng rên rỉ, thân xác đóng băng và rạn nứt như hình của hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự đa cầu và gọi chúng là nước tham. Chư Bồ-tát xa lánh tham muốn như là sợ vào biển khí độc.

3. Tập khí của ngã mạn cùng xâm lấn với nhau nên phát khởi ỷ lại. Do sự buông thả chẳng ngừng như thế nên người ấy mới có một cảm giác của làn sóng cuồn cuộn. Đây ví như việc chảy nước miếng khi có người nếm lưỡi của chính mình.

Do tập khí của ngã mạn và thói quen kiêu căng cùng khuấy động lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc, đồng nung rưới thân, ép uống nước đồng, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự ngã mạn và gọi chúng là uống nước si mê. Chư Bồ-tát xa lánh kiêu mạn như là sợ bị chết đuối ở biển.

4. Tập khí của sân hận cùng xung đột với nhau nên phát khởi ngang ngược. Do sự kết tập của trái nghịch chẳng ngừng như thế nên người ấy mới có một cảm giác nơi trái tim nóng bỏng như đang bộc phát ra lửa và hỏa khí của nó trở thành như kim loại. Cho nên kẻ nổi nóng mới cảm giác như vào núi đao, dàm bọc sắt, cây cối kiếm, bánh xe kiếm, rìu, búa, cây thương, và cái cưa. Đây ví như có người ôm giữ oán thù cho đến khi sát khí bộc phát.

Do tập khí của sân hận và thói quen nóng giận cùng công kích lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là cắt, xẻo, chém, chặt, đâm, đập, đánh, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự sân khuể và gọi chúng là đao kiếm bén. Chư Bồ-tát xa lánh sân hận như là sợ bị hành quyết.

5. Tập khí của dối trá cùng dụ dỗ với nhau nên phát khởi lừa phỉnh. Do sự dẫn dắt khởi sanh chẳng ngừng như thế nên người ấy mới có một cảm giác như bị sợi dây quấn siết vào khúc gỗ. Đây ví như việc ngâm nước cánh đồng thì cỏ cây sẽ sanh trưởng.

Do tập khí của dối trá và thói quen lừa phỉnh cùng kéo dài lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là gông cùm xiềng xích, roi quất gậy đánh, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự gian ngụy và gọi chúng là giặc gièm pha. Chư Bồ-tát xa lánh dối trá như là sợ gặp bầy sói.

6. Tập khí của lừa dối cùng gạt gẫm với nhau nên phát khởi gian xảo. Do sự vu khống điêu ngoa chẳng ngừng và cõi lòng tràn đầy gian dối như thế nên người ấy mới có một cảm giác như bị che lấp bởi bụi bặm, phân, nước tiểu, và những thứ ô uế bất tịnh. Đây ví như bụi tung bay theo gió và khiến chẳng một ai thấy gì.

Do tập khí của lừa dối và thói quen gian xảo cùng gia tăng lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là chìm đắm, hất lên, ném vứt, rớt xuống, nổi trôi, nát tan, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự lừa dối và gọi chúng là cướp bóc giết hại. Chư Bồ-tát xa lánh lừa dối như là sợ giẫm rắn hổ mang.

7. Tập khí của oán thù cùng hiềm khích với nhau nên phát khởi căm hận. Do đó người ấy mới có một cảm giác như bị ném đá vỡ đầu, nhốt ở nhà tù, giam trên lồng xe, bị bỏ trong hũ, bị đánh trong bao. Đây ví như kẻ bí mật hiểm độc ôm giữ và nuôi dưỡng tà ác.

Do tập khí của oán thù và thói quen căm hận cùng ăn nuốt lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là ném, quăng, bắt giữ, túm lấy, đâm, bắn, vứt, vồ, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự oán thù và gọi chúng là quỷ tàn hại. Chư Bồ-tát xa lánh oán thù như là sợ uống rượu độc.

8. Tập khí của tà kiến cùng giao tiếp với nhau, như là cái thấy sai lệch về ngã, cái thấy sai lệch về giới cấm, và cho đến cái thấy sai lệch về nghiệp, nên đã phát khởi chống đối và sanh ra tương phản. Do đó người ấy mới có một cảm giác như bị quan thần của vua chúa đối chứng về sổ sách. Đây ví như người đi bộ phải gặp những kẻ đi ngược hướng ở trên đường.

Do tập khí của tà kiến và thói quen chống đối cùng giao tiếp lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là chất vấn, tra tấn, khảo xét, khui ra, và dò hỏi để vạch trần rõ ràng. Các đồng tử gìn giữ sổ bộ thiện ác sẽ đối chứng với lời ngụy biện của kẻ bị tra khảo. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự tà kiến và gọi chúng là hố bẫy. Chư Bồ-tát xa lánh chấp trước của cái thấy lệch lạc hư vọng như là sợ đứng ở rìa hố nước độc.

9. Tập khí của đổ lỗi cùng gia tăng với nhau nên phát khởi vu khống. Do đó người ấy mới có một cảm giác như bị núi ép, đá ép, cối nghiền, hoặc cày bừa. Đây ví như kẻ giặc gièm pha bức bách oan uổng người lương thiện.

Do tập khí của đổ lỗi và thói quen vu khống cùng bài trừ lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là đàn áp, đè, nện, ép, đá, kiệt quệ, cân đo, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự căm oán báng bổ và gọi chúng là cọp dữ. Chư Bồ-tát xa lánh đổ lỗi oan uổng như là sợ trúng sét đánh.

10. Tập khí của tranh tụng cùng bùng nổ với nhau nên phát khởi che giấu. Do đó người ấy mới có một cảm giác như bị gương soi đuốc chiếu và không thể ẩn tàng hình bóng ở giữa ban ngày.

Do tập khí của tranh tụng và thói quen che giấu cùng phơi bày lẫn nhau nên mới có những trải nghiệm ở địa ngục, như là ác hữu, gương nghiệp, hỏa châu, vạch trần nghiệp xưa, đối chứng, và những việc tương tự. Bởi vậy tất cả Như Lai trong mười phương đều tận mắt thấy rõ kết quả của sự che giấu và gọi chúng là giặc ẩn núp. Chư Bồ-tát xa lánh che giấu như là sợ phải đội núi cao mà đi qua biển cả.

Này Khánh Hỷ! Sáu quả báo đó là những gì? Tất cả chúng sanh tạo nghiệp là do sáu thức, và ác báo chiêu cảm cũng do từ sáu căn. Sao gọi là ác báo do từ sáu căn mà ra?

1. Báo ứng xấu của cái thấy chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của mắt ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được lửa dữ tràn khắp các thế giới trong mười phương. Khi chết, thần thức của họ sẽ bay lên nhưng sau đó thì rơi xuống, rồi cưỡi khói mà vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là nếu có ánh sáng để nhìn, họ sẽ thấy khắp đủ mọi vật ác độc nên sanh ra vô lượng sợ hãi.


- Hai là nếu chỉ toàn đen tối, im bặt và không thấy gì, họ sẽ sanh ra vô lượng kinh hoàng.


Lửa dữ mà người ấy đã thấy có thể làm cho thức của tai bị quá tải nên sẽ tràn ngập tiếng nước sôi và đồng nung ở trong vạc. Thức của mũi có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập mùi khói đen và ngọn lửa màu tím. Thức của lưỡi có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập vị cháo của viên sắt nóng. Thức của thân có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập xúc chạm của tro nóng và than hồng. Thức của ý có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập nhận biết của những ngọn lửa phun ra và đám tia lửa bắn nổ trong không khí.

2. Báo ứng xấu của nghe tiếng chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của tai ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được tiếng gầm của những cơn sóng lớn làm ngập đất trời. Khi chết, thần thức của họ sẽ chìm xuống, rồi cưỡi sóng mà vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là nếu có thể nghe, họ sẽ nghe đủ mọi tiếng ầm ĩ nên khiến tinh thần bị rối loạn.


- Hai là nếu chẳng thể nghe và im bặt không một âm thanh thì sẽ khiến hồn phách của họ chìm vào u ám.


Tiếng gầm của những cơn sóng lớn mà người ấy đã nghe có thể làm cho thức của tai bị quá tải nên sẽ tràn ngập tiếng trách mắng và cật vấn. Thức của mắt có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập cảnh tượng của sấm sét gào hống cùng với khí độc mịt mù. Thức của mũi có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập mùi tanh hôi của nước đầm lầy với các loài trùng độc tràn khắp thân thể. Thức của lưỡi có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập vị của máu mủ và muôn loại tạp uế. Thức của thân có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập xúc chạm của phân với nước tiểu từ thú vật và quỷ. Thức của ý có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập nhận biết của điện chớp và mưa đá tồi phá tan nát tâm phách.

3. Báo ứng xấu của ngửi mùi chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của mũi ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được khí độc mịt mù ở gần hay xa. Khi chết, thần thức của họ sẽ từ dưới đất vọt lên, nhưng rồi phải rơi vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là nếu lỗ mũi khai thông, họ sẽ hít vào khí độc nên khiến cho tâm rối loạn.


- Hai là nếu lỗ mũi bế tắc, họ sẽ ngộp thở và xỉu trên đất.


Khí độc mà người ấy đã ngửi có thể làm cho thức của mũi bị quá tải và cảm giác như đang bị chất vấn lý lịch. Thức của mắt có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập cảnh tượng của lửa và đuốc. Thức của tai có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập tiếng kêu la của tội nhân chìm đắm ở trong chảo nước sôi. Thức của lưỡi có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập vị nếm của cá ươn tanh hôi. Thức của thân có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập xúc chạm của rạch mổ với nát nhừ để làm thành một núi thịt lớn với trăm ngàn con mắt và có vô lượng loài trùng táp ăn. Thức của ý có thể bị quá tải nên sẽ tràn ngập nhận biết của tro và hơi độc cùng với cát đá bay vút bắn nát thân thể.

4. Báo ứng xấu của nếm vị chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của lưỡi ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được một tấm lưới sắt nóng cháy hừng hực phủ trùm thế giới. Khi chết, thần thức của họ sẽ rơi vào trong lưới với đầu bị lộn ngược và treo ở đó cho đến khi rơi vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là làn khí hút vào miệng sẽ kết thành hàn băng và làm cho thân thể đông cứng lạnh rét.


- Hai là làn khí nhổ ra sẽ bừng lên thành lửa dữ và đốt cháy đến tận xương tủy.


Khi thức của lưỡi trải nghiệm những việc như thế, người ấy cảm giác như bị ép vâng theo và nhẫn chịu. Thức của mắt có thể sẽ trải nghiệm về cảnh tượng của kim loại nóng và đá nóng. Thức của tai có thể sẽ trải nghiệm nghe tiếng binh khí nhọn bén. Thức của mũi có thể sẽ trải nghiệm về lỗ mũi của họ trở thành như một cái lồng sắt khổng lồ che trùm cả quốc gia. Thức của thân có thể sẽ trải nghiệm như bị cung tên và nỏ bắn thủng. Thức của ý có thể sẽ trải nghiệm như bị những viên sắt nóng từ trên không rơi xuống.

5. Báo ứng xấu của xúc chạm chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của thân ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được những hòn núi to lớn xích lại ở bốn phía và không có lối nào để thoát ra. Khi chết, thần thức của họ sẽ cảm nhận được một thành sắt lớn với rắn lửa, chó lửa, cọp, sói, và sư tử. Các ngục tốt đầu trâu và quỷ bạo ác đầu ngựa cầm cây thương trong tay và xua đuổi tội nhân hướng tới cổng thành để vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là nếu tội nhân vẫn còn cảm nhận được xúc chạm, họ sẽ cảm giác thân thể của mình bị những hòn núi ép cho đến khi máu ào ra từ xương thịt nát tan.


- Hai là nếu tội nhân không còn cảm nhận được xúc chạm, đao với kiếm sẽ đâm vào thân và làm cho tim gan rạch đứt.


Khi thức của thân trải nghiệm những việc như thế, người ấy cảm giác như bị đánh, bị nện, bị đâm, và bị bắn. Thức của mắt có thể sẽ trải nghiệm về cảnh tượng của thiêu đốt nóng bỏng. Thức của tai có thể sẽ trải nghiệm nghe tiếng kêu la của tội nhân trên đường đi đến chỗ xét án và lao ngục. Thức của mũi có thể sẽ trải nghiệm bị nghẹt ở trong bao hoặc khó thở do bị trói. Thức của lưỡi có thể sẽ trải nghiệm như bị cày, bị kẹp, bị chém, và bị cắt. Thức của ý có thể sẽ trải nghiệm rơi xuống, tung lên, bị chiên, hoặc bị nướng.

6. Báo ứng xấu của suy tư chiêu cảm và dẫn dắt quả ác. Nghiệp từ thức của ý ảnh hưởng với những thức kia. Khi sắp mạng chung, trước tiên họ có thể sẽ cảm nhận được một cuồng phong thổi tan nát quốc thổ. Khi chết, thần thức của họ cảm nhận như bị thổi lên không trung, rồi cuốn xoay theo gió và rơi vào Địa ngục Vô Gián.

Lúc đó một trong hai điều có thể sẽ xảy ra:

- Một là nếu bất giác, sự u mê cực độ của họ sẽ dẫn đến hoang mang và họ sẽ bỏ chạy không ngừng.


- Hai là nếu chẳng mê, họ sẽ cảm giác vô lượng khổ bức của bị chiên với thiêu đốt, và nỗi thống khổ thật chẳng thể nhẫn chịu.


Khi thức của ý trải nghiệm những việc như thế, người ấy cảm giác như bị giam cầm. Thức của mắt có thể sẽ trải nghiệm về cảnh tượng của tra hỏi và đối chứng. Thức của tai có thể sẽ trải nghiệm nghe tiếng va chạm của những tảng đá lớn, hoặc băng, sương, hơi nước, hay bụi che lấp âm thanh. Thức của mũi có thể sẽ trải nghiệm mùi bốc cháy dữ dội của xe cộ, thuyền bè, hay xe tù. Thức của lưỡi có thể sẽ trải nghiệm như bị kêu la gào thét, hối lỗi, và khóc than. Thức của thân có thể sẽ trải nghiệm về thân xác lớn ra hay thu nhỏ, hoặc trải qua muôn lần sống chết trong một ngày với khuôn mặt bị nằm ép xuống.

Này Khánh Hỷ! Đây gọi là mười nhân với sáu quả của địa ngục, và đều là do chúng sanh si mê hư vọng tạo ra.

Nếu sáu thức của chúng sanh nào tạo nghiệp ác cùng một lúc, họ sẽ vào Địa ngục Vô Gián và chịu vô lượng khổ ách cho đến vô lượng kiếp. Còn như tạo nghiệp ác riêng rẽ ở thời điểm khác nhau bởi các căn với trần cảnh của chúng, họ sẽ vào một trong tám địa ngục lạnh.

Nếu chúng sanh nào phạm sát sanh, trộm cắp, và tà dâm qua thân ngữ ý, người ấy sẽ vào một trong 18 địa ngục. Tuy nhiên, nếu chỉ phạm hai trong ba nghiệp, như là sát sanh và trộm cắp, người ấy sẽ vào một trong 36 địa ngục. Còn như chỉ phạm một trong ba nghiệp, người ấy sẽ vào một trong 108 địa ngục.

Đây đều là do mỗi chúng sanh tự làm tự tạo, nhưng nếu nghiệp của họ tương đồng với những chúng sanh khác, tất cả họ sẽ vào địa ngục giống nhau ở trong thế giới đó. Những địa ngục này là do vọng tưởng phát sanh chứ chẳng phải vốn sẵn có.



Lại nữa, Khánh Hỷ! Khi những chúng sanh ấy đã trải qua các kiếp lửa để trả nợ của những tội đã tạo--như là tội phá giới luật và uy nghi, phạm giới Bồ-tát, hủy báng lời dạy của Phật về tịch diệt, và những nghiệp hỗn tạp khác--sau đó họ sẽ thọ thân hình của quỷ.

Nếu ở bổn nhân do tham vật mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp một vật nào đó rồi thành hình. Đây gọi là quỷ quái vật.

Nếu do tham sắc mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp gió rồi thành hình. Đây gọi là quỷ hạn hán.

Nếu do tham và mê hoặc mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp động vật rồi thành hình. Đây gọi là quỷ nhập động vật.

Nếu do tham và sân hận mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp loài trùng rồi thành hình. Đây gọi là quỷ ngải độc.

Nếu do tham và hồi ức mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp loài suy yếu rồi thành hình. Đây gọi là quỷ ôn dịch.

Nếu do tham và kiêu ngạo mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp luồng khí rồi thành hình. Đây gọi là quỷ đói.

Nếu do tham và lừa dối mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp u ám rồi thành hình. Đây gọi là quỷ ác mộng.

Nếu do tham và dùng trí khôn mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp tinh khí rồi thành hình. Đây gọi là quỷ yêu tinh.

Nếu do tham và vì thành công ích kỷ mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp chú thuật rồi thành hình. Đây gọi là quỷ sai sử.

Nếu do tham và lập bè đảng mà phạm tội, khi nghiệp tội của kẻ ấy đã hết, họ sẽ gặp loài người rồi thành hình. Đây gọi là quỷ đưa tin.

Này Khánh Hỷ! Những chúng sanh kia đều do bởi tình cảm chiếm toàn bộ mà trụy lạc. Một khi lửa nghiệp đã cháy hết thì sẽ thăng lên làm quỷ. Đây đều là do nghiệp vọng tưởng của chính họ chiêu cảm và dẫn dắt. Nếu giác ngộ thì với viên minh nhiệm mầu, họ sẽ biết rằng những báo ứng này vốn không chỗ có.



Lại nữa, Khánh Hỷ! Khi đã hết nghiệp làm quỷ, tình cảm và tịnh tưởng của những chúng sanh ấy đều sẽ trở thành rỗng không. Sau đó họ sẽ đến thế gian để đích thân đối mặt với chủ nợ nguyên gốc và thác vào loài bàng sanh để trả nợ đời trước.

Khi vật tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ quái vật sẽ sanh làm chim cú ở thế gian.

Khi gió tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ hạn hán sẽ sanh làm muôn loại động vật khác lạ để báo hiệu điềm xấu ở thế gian.

Khi động vật chết và quả báo đã hết, đa phần quỷ nhập động vật sẽ sanh làm loài cáo ở thế gian.

Khi ngải độc chết và quả báo đã hết, đa phần quỷ ngải độc sẽ sanh làm động vật độc hại ở thế gian.

Khi loài suy yếu chết và quả báo đã hết, đa phần quỷ ôn dịch sẽ sanh làm ký sinh trùng ở thế gian.

Khi luồng khí tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ đói sẽ sanh làm động vật bị con người ăn ở thế gian.

Khi u ám tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ ác mộng sẽ sanh làm động vật phục vụ loài người hoặc làm vật liệu cho quần áo ở thế gian.

Khi tinh khí tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ yêu tinh sẽ sanh làm giống chim di cư ở thế gian.

Khi ánh sáng của người mà quỷ theo phục dịch tiêu tan và quả báo đã hết, đa phần quỷ sai sử sẽ sanh làm muôn loài động vật báo hiệu điềm tốt ở thế gian.

Khi người mà quỷ đưa tin chết mất và quả báo đã hết, đa phần quỷ đưa tin sẽ sanh làm thú cưng ở thế gian.

Này Khánh Hỷ! Khi lửa nghiệp mà đã làm cho những chúng sanh kia trở thành khô héo, họ thác vào loài bàng sanh để trả nợ đời trước. Đây cũng đều là do nghiệp vọng tưởng của chính họ chiêu cảm và dẫn dắt. Nếu giác ngộ thì họ sẽ biết rằng những vọng duyên ấy vốn không chỗ có.

Như lời của ông đã nói trước đây về Bhikṣuṇī Bảo Liên Hương, vua Lưu Ly, và Bhikṣu Thiện Tinh. Họ tạo nghiệp ác như thế là do tự mình gây ra, chứ chẳng phải từ trời rơi xuống, cũng chẳng từ đất vọt ra, và cũng chẳng do người khác áp đặt. Tự mình chiêu cảm si mê thì phải tự lãnh thọ. Thế nhưng tất cả chúng đều là hư vọng phù du ở trong tâm giác ngộ và chỉ là vọng tưởng ngưng đọng kết tụ.



Lại nữa, Khánh Hỷ! Khi đã thác vào loài bàng sanh để trả nợ đời trước, nếu sự báo đền ở trong đời đó vượt hơn nợ nần cần phải trả, thì những chúng sanh kia có thể sẽ được trở lại làm người. Tính lại số nợ còn thiếu ở những nơi khác, giả như đương lúc được thân người mà có cả lực lẫn phước đức, họ sẽ được giữ lại thân người, bởi vì đó là sự đền bù cho việc trả dư nợ. Còn như kẻ chẳng có phước, họ sẽ thác trở lại vào loài bàng sanh để trực tiếp trả cho những khoản nợ khác.

Này Khánh Hỷ! Phải biết rằng họ có thể dùng tiền tài, vật chất, hoặc sức lực để làm cho khoản nợ ở đời trước tự động đình chỉ. Tuy nhiên nếu giữa lúc ấy mà lại giết hại sanh mạng của kẻ khác, hoặc ăn thịt chúng sanh, thì như vậy cho đến trải qua số kiếp nhiều như vi trần, họ sẽ hỗ tương giết hại hoặc ăn thịt lẫn nhau. Đây ví như sự lăn chuyển của bánh xe. Nó hỗ tương làm cho bánh xe lên cao rồi hạ xuống mà không chút tạm ngưng. Và như thế, bánh xe luân hồi sẽ không thể ngừng nghỉ, trừ phi họ thực hành Pháp tu Chỉ hoặc gặp Phật xuất hiện ở thế gian.

Ông nay nên biết rằng, những ai đã luân chuyển làm chim cú để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng ngu si và ngoan cố ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm động vật báo hiệu điềm xấu để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng dị tật ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm loài cáo để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng thấp kém ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm động vật độc hại để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng hung dữ ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm ký sinh trùng để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng đầy tớ ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm động vật bị con người ăn để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng yếu ớt ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm động vật phục vụ loài người hoặc làm vật liệu cho quần áo để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng lao dịch ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm giống chim di cư để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng văn nhã ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm động vật báo hiệu điềm tốt để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng thông minh ở nhân gian.

Những ai đã luân chuyển làm thú cưng để trả nợ đời trước, khi được hoàn phục thân người thì họ sẽ sanh vào hạng thành đạt ở nhân gian.

Này Khánh Hỷ! Một khi các chúng sanh đó đã trả xong nợ ở đời trước thì sẽ hoàn phục thân người. Đây đều là do bởi nghiệp tính toán điên đảo từ vô thỉ mà họ cùng nhau sanh ra và hỗ tương tàn sát. Nếu như chẳng gặp Như Lai hoặc không nghe Chánh Pháp, họ sẽ luân chuyển theo các pháp ở trong trần lao. Loài hữu tình như thế thật quả đáng thương.



Này Khánh Hỷ! Lại có những người trong nhân gian tu định nhưng không đi theo con đường chánh giác. Trái lại, họ tu tập dựa vào vọng niệm để tồn giữ ý tưởng và kiên cố tu luyện thân thể. Họ sống trong rừng núi hẻo lánh mà nhân loại không thể đến. Họ thuộc một trong mười loại tiên nhân dưới đây.

[1] Này Khánh Hỷ! Có những chúng sanh kiên cố tu luyện ăn kiêng mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Địa Hành Tiên.

[2] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện dược thảo mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Phi Hành Tiên.

[3] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện kim thạch mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Du Hành Tiên.

[4] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện khí tinh ở trong lúc chuyển động hay dừng nghỉ mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Không Hành Tiên.

[5] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện chuyển hóa nước miếng mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Thiên Hành Tiên.

[6] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện hít vào tinh sắc nhật nguyệt mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Thông Hành Tiên.

[7] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện chú thuật và giới cấm mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Đạo Hành Tiên.

[8] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện tư niệm mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Chiếu Hành Tiên.

[9] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện nội khí giao hội mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Tinh Hành Tiên.

[10] Có những chúng sanh kiên cố tu luyện biến hóa mà chẳng hề thôi nghỉ. Khi thành tựu phép tu luyện như thế, họ trở thành Tuyệt Hành Tiên.

Này Khánh Hỷ! Tất cả họ đều là những người tu tâm, nhưng lại không đi theo con đường chánh giác. Ngược lại, họ mong cầu bí mật trường thọ, và họ có thể sống đến ngàn vạn năm. Họ sống ẩn trong núi sâu hoặc ở trên hoang đảo giữa đại dương và dứt tuyệt liên lạc với loài người. Thế nhưng họ cũng phải chịu luân hồi vì vọng tưởng lưu chuyển. Do chẳng tu tập Đẳng Trì và khi quả báo từ sự tu tập chấm dứt, họ cũng trở lại sa vào các đường.



[1] Này Khánh Hỷ! Có những người ở thế gian không cầu mong sống mãi, và họ vẫn chưa có thể lìa bỏ ân ái của phu thê. Nếu tâm của họ không chạy theo tư tưởng tà dâm, họ sẽ phát huy một ánh sáng trong suốt. Sau khi mạng chung, họ thăng lên ở gần mặt trời mặt trăng. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Tứ Thiên Vương.

[2] Có những người chỉ có một chút dâm dục trong cuộc sống vợ chồng, và họ vẫn chưa hoàn toàn sống thanh tịnh. Sau khi mạng chung, họ thăng lên khỏi mặt trời mặt trăng và trú ở đỉnh núi Diệu Cao. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Tam Thập Tam.

[3] Có những người thỉnh thoảng mới khởi chút ít dâm dục và khi việc đã xong thì không còn nghĩ đến nữa. Lúc họ còn sống ở nhân gian, tĩnh lặng chiếm đa phần và dao động chiếm thiểu số. Sau khi mạng chung, họ an trụ an nhiên trong hư không. Ở nơi đây, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng chẳng thể rọi đến. Thân của những vị thiên nhân này tự có quang minh. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Thiện Thời.

[4] Có những người luôn luôn tĩnh lặng, chỉ trừ những lúc họ không thể cưỡng lại sự tìm đến của xúc chạm. Sau khi mạng chung, họ thăng lên ở nơi rất tinh vi, và không tiếp cận với cõi trời hay nhân gian ở dưới. Cho dù ba tai họa của kiếp hoại có xảy ra thì cũng chẳng thể đến được. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Hỷ Túc.

[5] Có những người tuy không có tâm dâm dục nhưng sẽ đáp ứng với người cùng chăn gối của họ. Đối với việc hành dâm thì họ sánh như vị nếm khi nhai bạch lạp. Sau khi mạng chung, họ sẽ sanh lên cõi biến hóa. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Nhạo Biến Hóa.

[6] Có những người chẳng có ý nghĩ nhiễm ô của thế gian. Tuy việc làm của họ dường như không khác với phàm phu, nhưng tâm của họ siêu việt đối với những sự giao tiếp. Sau khi mạng chung, họ có thể vượt hơn các cõi khác, gồm cả trời Nhạo Biến Hóa. Loài hữu tình như thế gọi là chư thiên ở trời Tha Hóa Tự Tại.

Này Khánh Hỷ! Mặc dù sáu loại chư thiên như thế đã vượt khỏi hành động thể chất, nhưng tinh thần của họ thì vẫn còn giao tiếp. Do đó các tầng trời ấy gọi là cõi dục."

Kinh Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai ♦ Hết quyển 8


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Cực Lượng ở Thế Kỷ 7-8
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 5/8/2016 ◊ Cập nhật: 23/7/2024

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣuṇī: bíc su ni
Bhikṣu: bíc su
Đang dùng phương ngữ: BắcNam