Kinh Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai ♦ Quyển 6

[25] Bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Con nhớ thuở xưa vô số Hằng Hà sa kiếp, đương thời có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Quán Thế Âm. Và ở trước Đức Phật kia, con đã phát khởi Đạo tâm. Đức Phật kia đã dạy con vào Đẳng Trì qua sự tu hành của lắng nghe và tư duy.

Trước tiên con chuyển thính giác hướng vào trong để vào dòng thánh và như thế âm thanh bên ngoài sẽ tiêu vong. Một khi sự lắng nghe hướng vào trong và âm thanh đã lặng yên, cả hai tướng--tiếng động và yên tĩnh--đều hoàn toàn chẳng sanh. Và khi dần dần tăng tiến như thế, những gì con nghe và sự nhận biết của những gì đã nghe đều chấm dứt. Một khi sự lắng nghe đó chấm dứt thì không còn gì để trụ nương. Sự nhận biết và vật của nhận biết trở thành rỗng không. Khi làm cho rỗng không của nhận biết đạt đến viên mãn cực độ, thì sự rỗng không đó và những gì đã rỗng không đều tan biến. Khi sanh diệt diệt rồi, tịch diệt sẽ hiện tiền.

Hốt nhiên con siêu việt thế gian và xuất thế gian. Mọi thứ ở mười phương được chiếu sáng tròn đầy, và con được hai điều thù thắng.

1. Tâm con thăng lên để hợp nhất với bổn giác diệu tâm của chư Phật ở mười phương, và sức từ bi của con đồng nhất với chư Phật Như Lai.

2. Tâm con hạ xuống để hợp nhất với tất cả chúng sanh trong sáu đường ở khắp mười phương, và con có thể cảm nhận nỗi ưu bi và ước nguyện của các chúng sanh giống như của mình.

Thưa Thế Tôn! Do đã cúng dường Quán Thế Âm Như Lai và nhờ hồng ân của Như Lai kia đã truyền thọ cho con Kim Cang Đẳng Trì như huyễn qua sự tu hành của lắng nghe và tư duy, nên sức từ bi của con đồng nhất với chư Phật Như Lai. Do đó con có thể hiện ra 32 ứng thân để vào các quốc độ.

[1] Thưa Thế Tôn! Giả sử có những vị Bồ-tát nào đã vào Đẳng Trì, tu hành tăng tiến, và được vô lậu. Nếu họ muốn chứng đắc thắng giải hiện tiền viên mãn, con sẽ hiện ra thân Phật mà thuyết Pháp và chỉ dẫn họ đến giải thoát.

[2] Giả sử có những vị Hữu Học nào với tâm tịch tĩnh diệu minh. Nếu họ muốn chứng đắc thắng diệu hiện tiền viên mãn, con sẽ hiện ra thân Độc Giác mà thuyết Pháp và chỉ dẫn họ đến giải thoát.

[3] Giả sử có những vị Hữu Học nào đã đoạn trừ 12 Duyên Khởi và do nhân duyên đã đoạn nên được tánh thù thắng. Nếu họ muốn chứng đắc thắng diệu hiện tiền viên mãn, con sẽ hiện ra thân Duyên Giác mà thuyết Pháp và chỉ dẫn họ đến giải thoát.

[4] Giả sử có những vị Hữu Học nào đã được tâm không, khế hợp với Bốn Thánh Đế và đang tu Đạo để đạt đến tịch diệt. Nếu họ muốn chứng đắc thắng tánh hiện tiền viên mãn, con sẽ hiện ra thân Thanh Văn mà thuyết Pháp và chỉ dẫn họ đến giải thoát.

[5] Giả sử có những chúng sanh nào đã hiểu rõ lòng tham muốn, không còn vướng mắc ái dục của hồng trần, và muốn thân thanh tịnh, con sẽ hiện ra thân Phạm Vương mà thuyết Pháp và chỉ dẫn họ đến giải thoát.

[6] Giả sử có những chúng sanh nào muốn làm thiên chủ để thống lãnh chư thiên, con sẽ hiện ra thân Năng Thiên Đế mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[7] Giả sử có những chúng sanh nào muốn được thân tự tại để du hành khắp mười phương, con sẽ hiện ra thân Tự Tại Thiên mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[8] Giả sử có những chúng sanh nào muốn được thân tự tại để phi hành hư không, con sẽ hiện ra thân Đại Tự Tại Thiên mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[9] Giả sử có những chúng sanh nào thích thống lãnh quỷ thần để cứu hộ quốc thổ, con sẽ hiện ra thân thiên đại tướng quân mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[10] Giả sử có những chúng sanh nào thích thống lãnh thế giới để bảo hộ chúng sanh, con sẽ hiện ra thân của một trong Bốn Vị Thiên Vương mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[11] Giả sử có những chúng sanh nào thích sanh về thiên cung để sai khiến quỷ thần, con sẽ hiện ra thân thái tử của một trong Bốn Vị Thiên Vương mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[12] Giả sử có những chúng sanh nào thích làm vua ở nhân gian, con sẽ hiện ra thân vua mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[13] Giả sử có những chúng sanh nào thích làm chủ dòng tộc để người thế gian kính nể, con sẽ hiện ra thân trưởng giả mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[14] Giả sử có những chúng sanh nào thích đàm luận văn chương và sống đời trong sạch, con sẽ hiện ra thân cư sĩ mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[15] Giả sử có những chúng sanh nào thích quản lý quốc gia hoặc quyết định sự việc của tỉnh hay huyện, con sẽ hiện ra thân tể quan mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[16] Giả sử có những chúng sanh nào thích toán số và những kỳ thuật khác để bảo vệ cho cuộc sống chính mình, con sẽ hiện ra thân Phạm Chí mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[17] Giả sử có người nam nào thích học trở thành Bhikṣu [bíc su] và thọ trì các giới luật, con sẽ hiện ra thân Bhikṣu mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[18] Giả sử có người nữ nào thích học trở thành Bhikṣuṇī [bíc su ni] và gìn giữ các giới cấm, con sẽ hiện ra thân Bhikṣuṇī mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[19] Giả sử có người nam nào thích giữ Năm Giới, con sẽ hiện ra thân Thanh Tín Nam mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[20] Giả sử có người nữ nào thích giữ Năm Giới, con sẽ hiện ra thân Thanh Tín Nữ mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[21] Giả sử có người nữ nào thích quản lý hậu cung hoặc chuyện của gia tộc, con sẽ hiện ra thân vương hậu, công nương, hay đại phu nhân mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[22] Giả sử có những bé trai nào muốn giữ thân đồng tử vĩnh viễn, con sẽ hiện ra thân đồng nam mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[23] Giả sử có những bé gái nào muốn giữ thân trinh nữ vĩnh viễn và không muốn thân thể xâm phạm, con sẽ hiện ra thân đồng nữ mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[24] Giả sử có vị trời nào muốn thoát khỏi cảnh trời, con sẽ hiện ra thân trời mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[25] Giả sử có vị rồng nào muốn thoát khỏi loài rồng, con sẽ hiện ra thân rồng mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[26] Giả sử có quỷ tiệp tật nào muốn thoát khỏi loài quỷ tiệp tật, con sẽ hiện ra thân quỷ tiệp tật mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[27] Giả sử có tầm hương thần nào muốn thoát khỏi loài tầm hương thần, con sẽ hiện ra thân tầm hương thần mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[28] Giả sử có phi thiên nào muốn thoát khỏi loài phi thiên, con sẽ hiện ra thân phi thiên mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[29] Giả sử có nghi thần nào muốn thoát khỏi loài nghi thần, con sẽ hiện ra thân nghi thần mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[30] Giả sử có đại mãng xà nào muốn thoát khỏi loài đại mãng xà, con sẽ hiện ra thân đại mãng xà mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[31] Giả sử có những chúng sanh nào vẫn yêu thích làm người, con sẽ hiện ra thân người mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

[32] Giả sử có những phi nhân nào--có hình tướng hay không hình tướng, có tưởng hay vô tưởng--muốn thoát khỏi loài phi nhân, con sẽ hiện ra thân phi nhân mà thuyết Pháp và khiến họ thành tựu.

Đây là 32 ứng thân vi diệu thanh tịnh để vào các quốc độ. Tất cả đều từ năng lực vi diệu vô tác của Đẳng Trì qua sự tu hành của lắng nghe và tư duy mà được thành tựu tự tại.

Thưa Thế Tôn! Lại với năng lực vi diệu vô tác của Kim Cang Đẳng Trì qua sự tu hành của lắng nghe và tư duy, con có thể cảm nhận giống như của mình về nỗi ưu bi và ước nguyện của tất cả chúng sanh trong sáu đường ở ba đời mười phương. Cho nên với sự kết hợp của thân và tâm, con có thể làm cho các chúng sanh được công đức của 14 loại vô úy.

1. Do con không nghe theo âm thanh, nhưng trái lại con quán sát âm thanh của người đó ở bên trong, nên con có thể nghe âm thanh của chúng sanh khổ não khắp mười phương và khiến họ liền được giải thoát.

2. Do con đã xoay ngược và hồi phục tri kiến của mình, giả sử có những chúng sanh nào rơi vào trong lửa lớn, con có thể làm cho lửa chẳng thể đốt cháy họ.

3. Do con đã xoay ngược và hồi phục tánh thấy nghe của mình, giả sử có những chúng sanh nào bị nước cuốn trôi, con có thể làm cho nước chẳng thể nhấn chìm họ.

4. Do con đã đoạn diệt vọng tưởng và không có tâm giết hại, giả sử có những chúng sanh nào lạc vào nước của quỷ, con có thể làm cho loài quỷ chẳng thể hại họ.

5. Do con đã thành tựu hợp nhất căn nghe với tánh giác của nghe, sáu căn hòa quyện và trở thành đồng nhất với căn nghe. Cho nên nếu có chúng sanh nào sắp bị hại, con có thể làm cho đao của người tấn công gãy từng đoạn. Binh khí của kẻ đó sẽ như chém vào nước, hoặc cũng như gió thổi vào tánh không dao động của ánh sáng.

6. Do tánh nghe của con xông ướp với diệu minh tinh nguyên nên nó chiếu sáng khắp Pháp Giới và phá tan đen tối của mọi nơi u ám. Cho dù có những chúng sanh nào ở gần cạnh quỷ tiệp tật, quỷ bạo ác, quỷ úng hình, quỷ hút tinh khí, hay quỷ xú uế thì mắt của chúng vẫn không thể nhìn thấy.

7. Do tánh của âm thanh tiêu tan hoàn toàn khi con chuyển ngược sự lắng nghe vào trong, nên con lìa hư vọng của các trần và có thể làm cho những chúng sanh đang chịu gông cùm xiềng xích không bị nó trói buộc.

8. Do âm thanh đã diệt mất và sự lắng nghe viên mãn, nên con được sức từ bi biến khắp và có thể làm cho những chúng sanh đang đi qua đường hiểm không bị giặc cướp bóc.

9. Do căn nghe của con hợp nhất với tánh giác của nghe, nên con lìa trần cấu và sắc tướng chẳng thể ức chế. Con có thể làm cho tất cả chúng sanh nhiều lòng dâm dục được rời xa tham dục.

10. Do âm thanh thuần nhất rỗng không và chẳng chút trần cấu nên căn và cảnh viên dung, không có sự đối đãi hoặc có gì để đối đãi. Con có thể làm cho tất cả chúng sanh sân hận lìa khỏi sân hận.

11. Do trần cảnh tiêu vong và chuyển thành quang minh, Pháp Giới cùng thân tâm của con tựa như lưu ly trong suốt và không bị ngăn ngại. Con có thể làm cho tất cả chúng sanh với căn tánh ngu độn và tâm bất thiện vĩnh viễn lìa si ám.

12. Do hình sắc dung hòa và trở về tánh giác của nghe, con chẳng rời Đạo Tràng mà có thể vào thế gian và không hủy hoại tướng của thế giới. Con có thể cúng dường khắp chư Phật Như Lai ở mười phương nhiều như vi trần và làm Pháp Vương Tử ở bên cạnh của mỗi Đức Phật. Những chúng sanh nào không có con cái và cầu mong một bé trai, con có thể làm cho họ sanh được một bé trai với phước đức trí tuệ.

13. Do sáu căn viên thông với nhau và đồng thời chiếu sáng trùm khắp các thế giới trong mười phương, tâm con trở thành như một tấm gương tròn to lớn và phản chiếu tánh không của Như Lai tạng. Con phụng sự mười phương Như Lai nhiều như số vi trần và lãnh thọ Pháp môn bí mật của chư Phật mà chẳng hề quên mất. Những chúng sanh nào không có con cái ở khắp Pháp Giới và cầu mong một bé gái, con có thể làm cho họ sanh được một bé gái với tướng mạo đoan chánh, đầy đủ phước đức, tánh nết nhu hòa, và mọi người thương mến.

14. Ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này có một tỷ mặt trời và mặt trăng, với các vị Pháp Vương Tử bằng số lượng của số cát trong 62 sông Hằng, hiện đang trụ ở thế gian để tu hành Phật Pháp, làm mô phạm cho cho trời người, và giáo hóa chúng sanh. Các ngài tùy thuận chúng sanh với trí tuệ phương tiện của mình và mỗi vị đều chẳng giống nhau. Do con đã chứng đắc viên thông qua bổn căn, nên căn tai phát huy nhiệm mầu như một cánh cổng. Sau đó thân tâm của con trở nên vi diệu, bao hàm vạn vật, và trùm khắp Pháp Giới. Vì vậy những chúng sanh nào thọ trì danh hiệu của con, con có thể làm cho họ được phước đức như người thọ trì danh hiệu của các vị Pháp Vương Tử bằng số lượng của số cát trong 62 sông Hằng. Phước đức của hai người ấy bằng nhau không khác.

Thưa Thế Tôn! Do sự tu tập của con đã đạt đến viên thông chân thật, nên phước đức của một danh hiệu con bằng phước đức của tất cả danh hiệu kia--không chút sai khác.

Và như thế, con có thể làm cho chúng sanh được công đức từ uy lực của 14 loại vô úy.

Lại nữa, thưa Thế Tôn! Do con chứng đắc viên thông và tu chứng Đạo vô thượng như thế, con lại khéo có thể đạt được bốn diệu đức chẳng thể nghĩ bàn của vô tác.

1. Do con giác ngộ điều vi diệu trong vi diệu ở nơi tâm của lắng nghe, và một khi sự lắng nghe hòa quyện vào tâm tinh nguyên của con, thì sự lắng nghe của con đối với thấy, ngửi, nếm, chạm, và biết trở thành không thể phân biệt với nhau. Toàn bộ sáu công năng viên dung hợp nhất để trở thành một bảo giác thanh tịnh. Cho nên, con có thể hiện ra nhiều loại thân hình vi diệu và có thể tuyên thuyết vô biên thần chú bí mật. Hoặc con hiện ra với 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, và như vậy cho đến 108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu, hay 84.000 đầu kiên cố bất hoại. Hoặc con hiện ra với 2 tay, 4 tay, 6 tay, 8 tay, 10 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 20 tay, 24 tay, và như vậy cho đến 108 tay, 1.000 tay, 10.000 tay, hay 84.000 tay đang bắt ấn. Trong những bàn tay của con hoặc có 2 mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, và như vậy cho đến 108 mắt, 1.000 mắt, 10.000 mắt, hay 84.000 mắt thanh tịnh báu. Hoặc hiện ra với từ bi, uy nghiêm, và định tuệ ở trong những thân hình đó, con có thể cứu hộ chúng sanh và làm cho họ được đại tự tại.

2. Do sự tu hành của lắng nghe và tư duy, con thoát ra khỏi sáu trần. Ví như âm thanh bị bức tường làm chướng ngại, nhưng giờ đây con không còn bị sáu trần làm chướng ngại nữa. Bởi vậy mà con có năng lực nhiệm mầu để hiện ra nhiều loại thân hình và tụng nhiều loại thần chú. Vì những thân hình cùng với thần chú đó có thể ban điều không sợ hãi cho các chúng sanh, cho nên hữu tình ở khắp vi trần quốc độ trong mười phương đều gọi con là bậc thí vô úy.

3. Do đạt đến viên thông từ sự tu tập căn bổn vi diệu, nên căn tai của con được thanh tịnh. Vì thế khi du hành qua bất kỳ thế giới nào, con đều làm cho chúng sanh có thể xả bỏ trân bảo và chẳng tiếc thân mạng để cầu mong con hãy thương xót cho họ.

4. Do chứng ngộ cứu cánh và chứng đắc Phật tâm, con có thể dùng muôn loại trân bảo để cúng dường mười phương Như Lai, và cũng như bố thí cho chúng sanh trong sáu đường ở khắp Pháp Giới. Những ai cầu mong có vợ sẽ được vợ, cầu mong con cái sẽ được con cái, cầu mong Đẳng Trì sẽ được Đẳng Trì, cầu mong trường thọ sẽ được trường thọ, và như vậy cho đến cầu mong đại tịch diệt sẽ được đại tịch diệt.

Phật hỏi về viên thông. Từ cánh cổng của căn tai mà con đắc Viên Chiếu Đẳng Trì. Khi tâm duyên nơi cảnh vắng lặng nên con được tự tại. Rồi nhân bởi vào dòng chảy của bậc giác ngộ mà con đắc Đẳng Trì. Đây là phương pháp đệ nhất.

Thưa Thế Tôn! Thuở xưa Quán Thế Âm Như Lai đã ngợi khen con khéo dùng Pháp môn này để chứng đắc viên thông. Bấy giờ ở giữa đại chúng, Đức Phật kia đã thọ ký và đặt tên cho con là Quán Thế Âm. Do con có thể nghe thấu khắp mười phương với minh liễu viên dung, cho nên danh hiệu Quán Thế Âm của con cũng được biết khắp các thế giới trong mười phương."

Bấy giờ ở trên tòa sư tử, Thế Tôn đồng một lúc phóng ra quang minh báu từ hai tay, hai chân, và trên trán. Ánh sáng đó chiếu rất xa để rót vào đỉnh đầu chư Như Lai cùng những vị Pháp Vương Tử Bồ-tát và số lượng đó nhiều như vi trần trong mười phương. Chư Như Lai kia cũng đồng một lúc phóng ra quang minh báu từ hai tay, hai chân, và trên trán. Những ánh sáng đó nhiều như vi trần từ khắp mười phương đến để rót vào đỉnh đầu của Đức Phật cùng chư đại Bồ-tát và những vị Ưng Chân ở trong đại hội. Khắp rừng cây và ao hồ đều vang Pháp âm. Các luồng ánh sáng hòa quyện như những dây tơ của lưới giăng báu.

Khi ấy toàn thể đại chúng thấy được việc chưa từng có và tất cả đều đắc Kim Cang Đẳng Trì. Tiếp đến, trời mưa hoa sen trăm báu với màu xanh, vàng, đỏ, trắng và chúng xen kẽ rơi xuống. Hư không khắp mười phương trở thành màu sắc của bảy báu. Sông núi đất đai của Thế giới Kham Nhẫn đồng thời biến mất. Duy chỉ thấy mười phương vi trần quốc độ hợp thành một thế giới và tiếng ca vịnh thanh tịnh tự nhiên trỗi lên.



Bấy giờ Như Lai bảo Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử:

"Ông nay hãy quán sát những gì vừa nói của 25 vị thánh, gồm có chư đại Bồ-tát và các vị Ưng Chân đã đạt đến bậc Vô Học, về phương pháp mà họ bước lên Chánh Đạo lúc tối sơ. Ai nấy đều nói rằng phương pháp tu tập để đạt đến viên thông của mình là đệ nhất. Tuy những phương pháp đã nói ở trước và sau có sai khác, nhưng sự thật thì không có cái nào là ưu việt hay hạ liệt. Nhưng bây giờ Ta muốn chỉ dạy Khánh Hỷ đạt đến khai ngộ, thế thì phương pháp nào trong 25 vị thánh là phù hợp với căn cơ của ông ấy? Và sau khi Ta diệt độ, phương pháp nào sẽ dẫn chúng sanh của thế giới này vào Bồ-tát Thừa để cầu Đạo vô thượng? Môn phương tiện nào sẽ giúp họ dễ được thành tựu?"

Khi đã lãnh thọ thánh chỉ từ bi của Như Lai, Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi nương uy thần của Phật và nói kệ đáp rằng:

"Tánh của biển giác lắng trong viên
Viên mãn lắng trong giác nguyên diệu
Nhận biết vừa khởi cảnh hiện ra
Khi cảnh thành lập bổn giác vong

Rồi từ mê vọng có hư không
Thế giới thành lập nương hư không
Vọng tưởng cô đọng thành quốc độ
Do bởi tri giác có chúng sanh

Hư không sanh ra trong đại giác
Như một bọt nước nổi trên biển
Vi trần thế giới và hữu lậu
Đều nương hư không mà sanh ra
Bọt nổ hư không còn chẳng có
Hà huống lại có ba cõi sao?

Trở về nguồn cội tánh chẳng hai
Cánh cổng phương tiện có nhiều lối
Thánh trí không gì mà chẳng thông
Thuận nghịch đều là môn phương tiện
Sơ phát Đạo tâm vào Đẳng Trì
Người mau kẻ chậm chẳng đồng nhau

Sắc kết hợp tưởng thành trần lao
Tinh yếu của chúng chẳng thông suốt
Nếu mà dùng thứ không minh triệt
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [2]

Ngôn ngữ kết tạp nhiều âm thanh
Để thành danh từ và câu nghĩa
Nhưng chúng không thể gồm tất cả
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [1]

Mùi hương vào mũi mới ngửi biết
Lìa hương và mũi, ngửi vốn không
Do bởi khứu giác chẳng thường tại
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [3]

Vị nếm chẳng phải tánh bổn giác
Vị nếm chỉ có khi nếm gì
Do bởi vị giác chẳng thường tại
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [4]

Cảm nhận xúc chạm khi sờ vào
Không vật xúc chạm làm sao biết
Tánh chạm và rời chẳng cố định
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [5]

Pháp được gọi là, trần ở trong
Là trần thì tất phải có chỗ
Năng quán sở quán chẳng biến khắp
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [6]

Mặc dù căn mắt thấy rõ ràng
Nhưng chỉ thấy trước chẳng thấy sau
Bốn hướng một lúc chỉ thấy nửa
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [7]

Hít vào thở ra qua lỗ mũi
Nhưng giữa lúc nghỉ không hơi thở
Bởi có gián đoạn chẳng liên tiếp
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [8]

Nếu không có gì lưỡi chẳng biết
Nhân bởi nếm vật sanh vị giác
Nhận biết chẳng còn khi vị hết
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [9]

Thân và xúc trần có tương đồng
Do chúng chẳng phải viên giác quán
Ranh giới, số lượng, chẳng luôn gặp
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [10]

Căn ý tạp loạn với suy tư
Trạm nhiên minh liễu mãi chẳng thấy
Không thể thoát khỏi tưởng và niệm
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [11]

Quán thức của mắt gồm ba phần
Suy xét căn bổn vô hình tướng
Tự thể nó vốn chẳng cố định
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [12]

Nếu thức của tai biết cùng khắp
Là sức nhân lớn ở đời trước
Tâm người mới tu chẳng thể vào
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [13]

Quán tưởng sống mũi là phương tiện
Nhằm chỉ nhiếp tâm trụ một chỗ
Tâm có chỗ trụ khi trụ thành
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [14]

Thuyết Pháp qua tiếng của văn từ
Khai ngộ những ai đã thành tựu
Danh cú chẳng phải là vô lậu
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [15]

Trì giới duy chỉ kiềm giữ thân
Phi thân không chỗ để kiềm giữ
Vốn chẳng áp dụng cho tất cả
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [16]

Thần thông dựa vào nhân đời trước
Liên quan gì với phân biệt pháp?
Ý niệm không thể lìa khỏi vật
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [17]

Nếu như quán sát tánh của đất
Rắn chắc ngăn ngại chẳng xuyên thông
Hữu vi không phải tánh của thánh
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [19]

Nếu như quán sát tánh của nước
Tưởng niệm như thế chẳng chân thật
Đó không phải là chân giác quán
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [20]

Nếu như quán sát tánh của lửa
Nhàm dục chẳng phải chân xuất ly
Không phải phương tiện cho sơ căn
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [18]

Nếu như quán sát tánh của gió
Chuyển động tĩnh mịch tức đối nhau
Có đối chẳng phải vô thượng giác
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [21]

Nếu như quán sát tánh của không
Hôn muội hỗn độn vốn phi giác
Vô giác tức khác với thượng giác
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [22]

Nếu như quán sát tánh của thức
Nhưng thức chẳng phải là thường trụ
Nó cũng ở tâm nên hư vọng
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [23]

Tất cả các hành là vô thường
Tánh niệm bổn nguyên có sanh diệt
Muốn dùng nhân quả vượt nhân quả
Làm sao mà dễ chứng viên thông? [24]

Con nay kính cẩn thưa Thế Tôn
Đức Phật thị hiện tại Kham Nhẫn
Truyền dạy chân Pháp ở cõi này
Thanh tịnh chính là ở lắng nghe [25]

Những ai muốn đắc môn Đẳng Trì
Chắc chắn lắng nghe dễ vào nhất
Lìa khỏi khổ ách được giải thoát
Lành thay diệu Pháp Quán Thế Âm

Ở trong số kiếp Hằng Hà sa
Vào số cõi Phật như vi trần
Ngài được thần lực đại tự tại
Ban thí vô úy cho chúng sanh

Âm thanh vi diệu Quán Thế Âm
Như tiếng hải triều thanh tịnh âm
Cứu hộ chúng sanh đến bình an
Giúp vượt thế gian chứng thường trụ

Con nay thưa với Như Lai rằng
Như Quán Thế Âm đã thuyết giảng
Ví như có người tâm tĩnh lặng
Nghe tiếng trống đánh khắp mười phương
Mười phương đồng thời nghe rõ ràng
Do đó căn tai thật viên dung

Mắt chẳng thấy xuyên vật ngăn ngại
Miệng mũi giới hạn cũng như thế
Thân cần xúc chạm mới cảm nhận
Tâm niệm rối ren không đầu mối

Dù bị tường ngăn tiếng vẫn nghe
Âm thanh gần xa đều nghe cả
Năm căn khác kia sao bằng tai
Là căn viên thông chân thật nhất

Tĩnh động là tánh của âm thanh
Tai nghe có tiếng hoặc tĩnh lặng
Mặc dù không tiếng bảo chẳng nghe
Nhưng thật tánh nghe chẳng gián đoạn

Không tiếng nó chẳng bị diệt mất
Có tiếng nó cũng không khởi sanh
Hoàn toàn vượt khỏi sanh và diệt
Nên nó chân thật là thường hằng

Dù khi ý dừng trong giấc mơ
Thế nhưng tánh nghe chẳng tạm đình
Thính giác của tai vượt suy tư
Thân tâm các căn chẳng thể sánh

Nay vì hữu tình cõi Kham Nhẫn
Con giải thích rõ về lắng nghe
Chúng sanh mê muội tánh của nghe
Chạy theo âm thanh nên lưu chuyển

Cho dù Khánh Hỷ trí nhớ dai
Cũng không thoát miễn rơi niệm tà
Khánh Hỷ nếu chẳng theo dòng chảy
Ngược dòng làm sao bị vọng mê?

Đại đức Khánh Hỷ hãy lắng nghe
Tôi nương thần lực của Đức Phật
Tuyên giảng cho ngài, kim cang vương
Như huyễn chân thật chẳng nghĩ bàn
Nó là Đẳng Trì mẹ chư Phật

Đại đức dù nghe vi trần Phật
Hết thảy vi diệu bí mật môn
Dục lậu nếu như chẳng trừ trước
Tu bồi học vấn thành lỗi lầm
Thọ trì muôn Pháp từ chư Phật
Sao không lắng nghe, nghe của mình?

Bảo nghe chẳng phải tự nhiên có
Nhân bởi âm thanh có danh tự
Xoay ngược lắng nghe thoát khỏi thanh
Vậy năng giải thoát gọi là gì?

Chỉ cần một căn về nguồn cội
Tất cả sáu căn liền giải thoát
Những gì thấy nghe như huyễn che
Ba cõi như hoa giữa hư không
Xoay ngược lắng nghe căn vô ngại
Trần cảnh tiêu trừ giác viên tịnh

Thanh tịnh tột cùng sáng thông suốt
Tịch tĩnh chiếu soi khắp hư không
Quán sát muôn sự trên thế gian
Tựa như những việc ở trong mơ
Mātaṅga [ma tân ga] nữ cũng trong mơ
Vậy ai có thể bắt giữ ông?

Như nhà múa rối ở thế gian
Khéo làm huyễn hóa hình nam nữ
Mặc dù thấy chúng có di chuyển
Nhưng phải kéo dây để dao động
Khi cơ quan ngừng về lặng yên
Các huyễn trở thành vô bổn tánh

Sáu căn chúng ta cũng như vậy
Chúng vốn từ một tinh nguyên minh
Rồi được phân thành sáu chức năng
Một căn dừng nghỉ quay trở về
Sáu căn đều sẽ mất công năng
Trần cấu theo niệm liền tiêu tan
Chuyển thành viên minh tịnh nhiệm mầu

Ai còn trần lao cần phải học
Ai hiểu tột cùng tức Như Lai

Đại đức Khánh Hỷ và đại chúng
Hãy chuyển cơ quan nghe điên đảo
Xoay ngược lắng nghe nghe tự tánh
Khi tánh đạt đến Đạo vô thượng
Như thế mới là chân viên thông

Đây là cánh cổng mà chư Phật
Nhiều như vi trần đến tịch diệt
Chư Phật Như Lai ở quá khứ
Tu Pháp môn này được thành tựu

Hiện tại vô lượng chư Bồ-tát
Mỗi vị cũng vào viên giác minh
Những ai tu hành ở vị lai
Hãy nên y theo Pháp như thế

Qua phương pháp này con cũng chứng
Chẳng riêng một mình Quán Thế Âm
Thành tựu như Phật chư Thế Tôn

Phật đã hỏi con phương tiện nào
Cứu hộ chúng sanh thời Mạt Pháp
Những vị phát tâm lìa thế gian
Dễ dàng thành tựu Đạo tịch diệt
Pháp môn Quán Âm là tối thượng

Tất cả phương tiện tu tập khác
Đều cần uy thần của Phật giúp
Tỉnh ngộ thế sự xả trần lao
Nhưng không phải Pháp tu học thường
Căn lành sâu cạn đồng thuyết Pháp

Con nay đảnh lễ Phật Pháp tạng
Những vị vô lậu chẳng nghĩ bàn
Chúng sanh tương lai nguyện gia bị
Với phương pháp này không hoài nghi

Đây là phương tiện dễ thành tựu
Rất hợp để dạy cho Khánh Hỷ
Cùng chúng trầm luân thời Mạt Pháp
Chỉ cần tu tập căn tai này
Viên thông siêu việt các môn khác
Đó là con đường đến chân tâm"

Khi ngài Khánh Hỷ và các đại chúng nghe được lời khai thị sâu xa, thân tâm của họ an nhiên minh liễu. Quán sát về giác ngộ và đại tịch diệt của Phật, họ được ví như có người phải đi xa vì công việc. Mặc dù chưa có thể quay về, nhưng người ấy biết rất rõ con đường trở về nhà của mình.

Toàn thể đại chúng trong đại hội--thiên long bát bộ, những vị Hữu Học ở Nhị Thừa, cùng tất cả sơ phát tâm Bồ-tát--tổng số lượng nhiều như số cát của mười sông Hằng, họ đều chứng đắc bổn tâm, xa rời trần cấu, và được Pháp nhãn thanh tịnh. Khi vừa nghe xong những bài kệ, Bhikṣuṇī Tánh trở thành bậc Ưng Chân. Vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.



Bấy giờ ở giữa đại chúng, ngài Khánh Hỷ chỉnh y phục, rồi chắp tay và đảnh lễ. Ngài vừa buồn vừa vui khi thấy dấu vết của tâm mình rất rõ ràng.

Vì muốn làm lợi ích cho các chúng sanh ở vị lai, ngài cúi đầu và thưa với Phật rằng:

"Thưa đại bi Thế Tôn! Con bây giờ đã hiểu Pháp môn để thành Phật. Ở trong phương pháp đó, con có thể tu hành mà chẳng khởi hoài nghi. Con thường nghe Như Lai nói rằng, Bồ-tát phát tâm độ người trước khi tự mình đã qua bờ kia, còn Như Lai thì tự mình đã giác ngộ viên mãn và có thể ứng hiện ở thế gian để giác ngộ kẻ khác. Tuy vẫn chưa qua bờ kia, nhưng con nguyện độ hết thảy chúng sanh ở vào thời Mạt Pháp.

Thưa Thế Tôn! Những chúng sanh ở thời đó sẽ dần dần xa cách Phật, còn tà sư giảng pháp thì nhiều như cát sông Hằng. Giả như các chúng sanh ở thời ấy muốn nhiếp tâm mình để vào Đẳng Trì, thì họ phải làm sao an lập Đạo Tràng, rời xa những việc của ma, và được Đạo tâm không thoái chuyển?"

Lúc bấy giờ Thế Tôn ở giữa đại chúng mà ngợi khen Tôn giả Khánh Hỷ rằng:

"Lành thay, lành thay! Ông đã hỏi làm sao an lập Đạo Tràng để cứu hộ chúng sanh chìm đắm ở vào thời Mạt Pháp. Ông nay hãy lắng nghe. Ta sẽ thuyết giảng cho ông."

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đáp rằng:

"Dạ vâng, chúng con xin y giáo phụng hành."

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

"Khi Ta tuyên giảng Luật Tạng, ông thường nghe Ta nói về ba nghĩa quyết định trong sự tu hành. Đó là muốn nhiếp tâm thì phải trì giới, nhân giới sanh định, và nhân định phát tuệ. Đây gọi là Ba Môn Học Vô Lậu.

Này Khánh Hỷ! Vì sao Ta gọi trì giới là để nhiếp tâm?

Nếu các chúng sanh ở sáu đường trong tất cả thế giới mà chẳng khởi tâm dâm dục thì họ sẽ không chuyển theo vòng sanh tử tương tục. Ông tu tập Đẳng Trì nhằm để ra khỏi trần lao, nhưng nếu tâm dâm chưa trừ thì ông chẳng thể ra khỏi trần lao. Cho dù có người thông minh tài trí và hiện tiền có thể vào tĩnh lự, nhưng nếu không đoạn trừ dâm dục thì chắc chắn sẽ rơi vào cảnh ma. Hạng thượng phẩm sẽ làm ma vương; hạng trung phẩm sẽ làm ma dân; hạng hạ phẩm sẽ làm ma nữ. Chúng ma kia cũng có đồ đảng và ai nấy đều bảo rằng mình đã thành Đạo vô thượng.

Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ xuất hiện đầy rẫy chúng ma dân này ở thế gian. Tuy chúng làm toàn việc dâm dục nhưng tỏ ra vẻ Thiện Tri Thức. Chúng ma sẽ làm cho các hữu tình rơi xuống hố tà kiến của ái dục và khiến họ lạc mất con đường giác ngộ.

Khi ông dạy người tu tập Đẳng Trì, thì trước tiên hãy dạy họ đoạn trừ tâm dâm dục. Đây là giáo hối minh bạch quyết định thứ nhất về thanh tịnh mà chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.

Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai tu hành tĩnh lự mà nếu không trừ bỏ dâm dục thì như nấu cát đá mà mong nó biến thành cơm vậy. Dù trải qua trăm ngàn kiếp thì cũng chỉ gọi là cát nóng mà thôi.

Vì sao thế? Bởi nó vốn chẳng phải là gạo mà chỉ là cát và đá.

Nếu ông cầu diệu Quả của Phật mà thân vẫn còn dâm dục, cho dù được một chút khai ngộ vi diệu nhưng sự hiểu biết đó đều là từ gốc của dâm. Nếu căn bổn của sự hiểu biết là dâm dục, ông sẽ luân chuyển trong ba đường ác và chắc chắn không thể ra khỏi. Thế thì ông làm sao tìm ra con đường để tu chứng Đạo tịch diệt của Như Lai?

Ông phải đoạn trừ những đầu mối khởi dâm dục từ thân lẫn tâm, và cho đến ý nghĩ diệt trừ cũng đoạn nốt. Chỉ như vậy thì đối với sự giác ngộ của Phật mới có hy vọng.

Những gì Ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.



Này Khánh Hỷ! Nếu các chúng sanh ở sáu đường trong tất cả thế giới mà chẳng khởi tâm giết hại thì họ sẽ không chuyển theo vòng sanh tử tương tục. Ông tu tập Đẳng Trì nhằm để ra khỏi trần lao, nhưng nếu tâm sát chưa trừ thì ông chẳng thể ra khỏi trần lao. Cho dù có người thông minh tài trí và hiện tiền có thể vào tĩnh lự, nhưng nếu không đoạn trừ giết chóc thì chắc chắn sẽ rơi vào cõi giới của quỷ thần. Hạng thượng phẩm sẽ làm đại lực quỷ vương; hạng trung phẩm sẽ làm quỷ tiệp tật bay trên không hoặc làm thủ lãnh của loài quỷ; hạng hạ phẩm sẽ làm quỷ bạo ác đi trên đất. Chúng quỷ thần kia cũng có đồ đảng và ai nấy đều bảo rằng mình đã thành Đạo vô thượng.

Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ xuất hiện đầy rẫy chúng quỷ thần này ở thế gian. Chúng bảo rằng ăn thịt sẽ không cản trở con đường giác ngộ.

Này Khánh Hỷ! Ta cho phép các vị Bhikṣu ăn năm loại tịnh nhục. Những loại thịt đó đều do thần lực của Ta biến hóa ra và chúng vốn chẳng có mạng căn.

Vì lòng đại bi cho những vị muốn tu hành thanh tịnh nhưng phải sống ở vùng đầm lầy ẩm ướt hoặc nơi cát đá mà rau cỏ chẳng thể sanh trưởng, nên Ta đã dùng thần lực gia hộ. Giả danh gọi chúng là thịt để cho các ông được mùi vị đó. Thế thì sau khi Như Lai diệt độ, làm sao những ai ăn thịt chúng sanh mà có thể gọi là đệ tử của Năng Nhân ư?

Các ông phải biết rằng, cho dù những kẻ ăn thịt này được chút khai ngộ trong khi tu tập Đẳng Trì, nhưng chúng đều là quỷ chúa bạo ác. Sau khi hết báo thân, chúng chắc chắn sẽ chìm đắm trong biển khổ của sanh tử. Chúng không phải là đệ tử của Phật. Những kẻ như thế sẽ tàn sát và ăn nuốt lẫn nhau. Vậy thì làm sao những kẻ đó có thể ra khỏi ba cõi chứ?

Khi ông dạy người tu tập Đẳng Trì, thì hãy dạy họ đoạn trừ tâm giết hại. Đây là giáo hối minh bạch quyết định thứ nhì về thanh tịnh mà chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.

Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai tu hành tĩnh lự mà nếu không trừ bỏ giết hại thì tựa như có người tự bịt tai của mình, rồi hô lớn tiếng và mong người khác chẳng nghe vậy. Đây gọi là muốn che giấu chứng cứ rành rành.

Khi đi trên con đường nhỏ, chư Bồ-tát và những vị Bhikṣu thanh tịnh còn không giẫm chân lên cỏ, huống nữa là lấy tay nhổ chúng. Làm sao có thể gọi là từ bi mà lại ăn thịt uống máu của các chúng sanh chứ?

Nếu các vị Bhikṣu không mặc tơ lụa từ phương đông, dù là thô hay mịn; cũng như không mang giày da, áo lông cừu, hay sản phẩm làm bằng lông của các loài chim ở quốc gia này; cũng như không dùng sữa, sữa đặc, hay bơ tinh chế, thì các vị Bhikṣu như thế thật đã thoát khỏi thế giới. Khi đã trả xong nợ của những đời trước, họ sẽ không còn lưu chuyển ở ba cõi.

Vì sao thế? Bởi sử dụng một phần của loài hữu tình nào đó thì sẽ có nghiệp duyên với chúng. Đây ví như con người do ăn trăm loại hạt sanh sôi từ đất nên chân của họ chẳng lìa khỏi mặt đất vậy. Những ai không ăn thịt hoặc không khoác lên đồ vật làm từ thân thể của các chúng sanh, và cho đến thân tâm chẳng nghĩ ăn hay mặc những sản phẩm làm từ động vật, thì Ta nói rằng họ là người giải thoát chân thật.

Những gì Ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.



Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu các chúng sanh ở sáu đường trong tất cả thế giới mà chẳng khởi tâm trộm cắp thì họ sẽ không chuyển theo vòng sanh tử tương tục. Ông tu tập Đẳng Trì nhằm để ra khỏi trần lao, nhưng nếu tâm trộm cắp chưa trừ thì ông chẳng thể ra khỏi trần lao. Cho dù có người thông minh tài trí và hiện tiền có thể vào tĩnh lự, nhưng nếu không đoạn trừ trộm cắp thì chắc chắn sẽ rơi vào tà đạo. Hạng thượng phẩm sẽ làm yêu tinh hút tinh khí; hạng trung phẩm sẽ làm yêu ma quỷ quái; hạng hạ phẩm sẽ làm người bị ma quỷ nhập. Chúng yêu tà kia cũng có đồ đảng và ai nấy đều bảo rằng mình đã thành Đạo vô thượng.

Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ xuất hiện đầy rẫy chúng yêu tà này ở thế gian. Chúng giấu giếm gian dối nhưng tỏ ra vẻ Thiện Tri Thức, và ai nấy đều bảo rằng mình đã đắc Pháp của bậc thượng nhân. Chúng mê hoặc những kẻ vô tri và khủng bố tinh thần người khác. Bất cứ nơi nào mà chúng đi qua, gia đình đó sẽ suy hao và ly tán.

Ta dạy các vị Bhikṣu hãy tùy mỗi phương xứ mà đi khất thực là để xả bỏ lòng tham của mình và giúp thành tựu tuệ giác. Các vị Bhikṣu không tự mình nấu thức ăn. Họ sống như thế đến trọn đời và du hành trong ba cõi. Nơi nào họ đã đi qua một lần thì sẽ không trở lại. Làm sao kẻ cướp giả mặc y phục của Ta để tự lợi, buôn bán trong Pháp của Như Lai, và tạo đủ mọi nghiệp ác mà có thể gọi là Phật Pháp chứ? Họ hủy báng người xuất gia và nói rằng những vị Bhikṣu đã thọ giới Cụ Túc đi theo Đạo Nhị Thừa. Và như thế họ khiến cho vô lượng chúng sanh ngờ vực và mê lầm, rồi chính họ sẽ đọa Địa ngục Vô Gián.

Sau khi Ta diệt độ, nếu có những vị Bhikṣu nào phát tâm kiên định tuyệt đối để tu tập Đẳng Trì, thì có thể trước hình tượng của Như Lai mà thắp một ngọn đèn ở trên thân, hoặc đốt một ngón tay, hay thiêu một miếng hương ở trên thân. Ta nói người này cùng một lúc sẽ trả hết nợ từ vô thỉ. Vị ấy sẽ có thể chào vĩnh biệt thế gian và vĩnh viễn thoát khỏi các lậu. Tuy chưa có thể lập tức hiểu làm sao tiến bước trên con đường giác ngộ vô thượng, nhưng vị ấy đã lập quyết tâm nơi Pháp. Nếu ai chẳng chịu xả chút thân nho nhỏ đó để làm nhân, và cho dù đã thành tựu vô vi thì chắc chắn cũng sẽ sanh trở lại làm người để trả nợ đời trước. Đây giống như việc Ta phải ăn lúa mạch dành cho ngựa vậy--không chút sai khác.

Khi ông dạy người tu tập Đẳng Trì, thì hãy dạy họ đoạn trừ tâm trộm cắp. Đây là giáo hối minh bạch quyết định thứ ba về thanh tịnh mà chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.

Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai tu hành tĩnh lự mà nếu không trừ bỏ trộm cắp thì tựa như có người muốn rót đầy nước cho một cái ly bị lủng lỗ. Cho dù trải qua số kiếp nhiều như vi trần thì cũng không bao giờ đầy ly.

Nếu những vị Bhikṣu nào không cất giữ vật gì ngoại trừ Pháp y và bình bát; vị ấy bố thí phần thức ăn thừa từ khất thực cho chúng sanh đang đói; vị ấy có thể chắp tay đảnh lễ mọi người ở giữa đại chúng; vị ấy có thể xem như xưng tán dù bị người đánh đập hay mắng chửi; vị ấy thật sự có thể xả bỏ thân tâm và chia sẻ xương máu thịt của mình với chúng sanh; vị ấy không bao giờ mang lời dạy chẳng liễu nghĩa của Như Lai để truyền dạy sai lầm cho người sơ học--Ta ấn chứng cho vị ấy sẽ đắc Đẳng Trì chân thật.

Những gì Ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.



Này Khánh Hỷ! Mặc dù có những chúng sanh ở trong sáu đường đã hoàn toàn lìa khỏi ba nghiệp--sát sanh, trộm cắp, và dâm dục, nhưng nếu phạm đại vọng ngữ thì Đẳng Trì của họ sẽ không được thanh tịnh, sẽ bị ma tình ái hoặc ma tà kiến mê hoặc, và sẽ đánh mất hạt giống để thành Phật. Họ sẽ nói rằng mình đã đắc nhưng thật chưa đắc, rằng mình đã chứng nhưng thật chưa chứng.

Hoặc vì muốn cho người đời tôn mình là đệ nhất, họ ở trước mọi người mà nói rằng nay họ đã đắc Quả Dự Lưu, Quả Nhất Lai, Quả Bất Hoàn, Đạo Ưng Chân, Đạo Độc Giác, hoặc một Địa nào đó trong Mười Địa, hay một quả vị nào đó trước Mười Địa của Bồ-tát. Và vì tham cúng dường, họ khuyến khích mọi người lễ lạy và sám hối ở trước mình. Những kẻ đó hoàn toàn chẳng tin Pháp, tiêu diệt hạt giống để thành Phật, và họ được ví như cây cọ đã bị người lấy dao chặt đứt. Phật dự ký những kẻ này sẽ vĩnh viễn hủy diệt căn lành và sẽ không hồi phục tri kiến. Họ sẽ trầm luân trong biển của ba thống khổ và sẽ không thành tựu Đẳng Trì.

Sau khi Ta diệt độ, Như Lai sắc lệnh cho chư Bồ-tát và những vị Ưng Chân hãy ứng thân sanh ra vào thời Mạt Pháp với đủ mọi thân hình để độ các chúng sanh trong luân hồi. Hoặc các ngài sẽ hiện ra hình tướng của Đạo Nhân, cư sĩ bạch y, vua chúa, tể quan, đồng nam, đồng nữ, và như vậy cho đến dâm nữ, quả phụ, kẻ lừa đảo, đạo tặc, kẻ làm nghề mổ giết, hay kẻ buôn bán gian lận. Các ngài sẽ trở thành đồng sự với những hạng người trên, nhưng luôn xưng tán Phật Thừa và khiến thân tâm của họ vào Đẳng Trì. Tuy nhiên, các ngài sẽ không bao giờ tùy tiện nói với người sơ học và tiết lộ mật nhân của Phật, rằng mình đích thật là một vị Bồ-tát hoặc là bậc Ưng Chân--chỉ duy trừ bí mật phó chúc ở vào lúc cuối đời. Còn những ai giả mạo chứng Quả tức là đang mê hoặc và não loạn chúng sanh với đại vọng ngữ.

Khi ông dạy người tu tập Đẳng Trì, thì hãy dạy họ đoạn trừ đại vọng ngữ. Đây là giáo hối minh bạch quyết định thứ tư về thanh tịnh mà chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.

Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai không trừ bỏ đại vọng ngữ thì tựa như có người lấy phân để nặn thành hình của một miếng hương đàn, rồi mong nó tỏa ra mùi thơm. Thật không có việc ấy!

Ta dạy các vị Bhikṣu, rằng trực tâm là Đạo Tràng và phải hoàn toàn không chút hư ngụy của mọi hành vi trong bốn uy nghi. Tại sao có người lại tự xưng rằng mình đã đắc Pháp của bậc thượng nhân chứ? Việc đó thì giống như có kẻ bần cùng mạo xưng là đế vương; ắt sẽ phải tự chuốc cái chết. Huống chi lại có kẻ mạo xưng là Pháp Vương?

Nếu lúc khởi đầu không chân thật thì kết quả sẽ chuốc lấy quanh co. Những ai cầu Phật Đạo như thế thì như người muốn tự cắn rốn của mình. Có ai mong việc đó sẽ thành tựu chăng? Nếu tâm của các vị Bhikṣu ngay thẳng như sợi dây đàn và hoàn toàn chân thật vào Đẳng Trì thì vĩnh viễn sẽ không gặp những việc ma. Ta ấn chứng người ấy sẽ thành tựu tri giác vô thượng của Bồ-tát.

Những gì Ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.

Kinh Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai ♦ Hết quyển 6


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Cực Lượng ở Thế Kỷ 7-8
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 5/8/2016 ◊ Cập nhật: 2/9/2024

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Bhikṣuṇī: bíc su ni
Mātaṅga: ma tân ga
Đang dùng phương ngữ: BắcNam