Kinh Tâm Yếu của Phổ Biến Trí Tạng Trí Độ

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần Đại thành Vương Xá, cùng với 100.000 vị đại Bhikṣu [bíc su] và 77.000 vị đại Bồ-tát. Chư Bồ-tát như là: Quán Thế Âm Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, Từ Thị Bồ-tát, và những vị khác như thế làm thượng thủ. Các ngài đều đắc Đẳng Trì, Tổng Trì, và trụ ở cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn.

Lúc bấy giờ Quán Tự Tại Đại Bồ-tát đang ngồi ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ của Thế Tôn, chắp tay hướng Phật, rồi cung kính cúi mình, chiêm ngưỡng tôn nhan, và thưa rằng:

"Thưa Thế Tôn! Con muốn ở trong Pháp hội này tuyên thuyết Phổ Biến Trí Tạng của chư Bồ-tát, là tâm của Trí Độ. Kính mong Thế Tôn cho phép con nói Pháp bí yếu của chư Bồ-tát."

Khi ấy Thế Tôn dùng tiếng Phạn âm vi diệu mà bảo Quán Tự Tại Đại Bồ-tát rằng:

"Lành thay, lành thay, bậc đầy đủ lòng đại bi! Ông hãy nói và làm vòm ánh sáng rộng lớn cho các chúng sanh."

Khi biết được Phật hứa khả và hộ niệm của Phật, Quán Tự Tại Đại Bồ-tát nhập Tuệ Quang Đẳng Trì Chánh Thọ. Lúc đã nhập định này và do sức Đẳng Trì, ngài tu hành Trí Độ sâu xa và soi thấy tự tánh của năm uẩn đều không.

Khi đã hiểu rõ tự tánh của năm uẩn đều không, ngài từ Đẳng Trì an tường mà dậy, rồi bảo Tuệ mạng Thu Lộ Tử rằng:

"Thiện nam tử! Bồ-tát có tâm của Trí Độ, tên là Phổ Biến Trí Tạng. Ông nay lắng nghe và khéo tư duy. Ta sẽ phân biệt và giảng giải cho ông."

Khi nói lời ấy xong, Tuệ mạng Thu Lộ Tử thưa với Quán Tự Tại Đại Bồ-tát rằng:

"Dạ vâng, thưa bậc thanh tịnh quảng đại! Kính mong hãy nói. Nay chính là lúc.



Quán Tự Tại Bồ-tát liền bảo ngài Thu Lộ Tử rằng:

"Chư đại Bồ-tát nên học như vầy:

Tánh của sắc là không; tánh của không là sắc. Sắc chẳng khác không; không chẳng khác sắc. Sắc tức là không; không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.

Tánh của thức là không; tánh của không là thức. Thức chẳng khác không; không chẳng khác thức. Thức tức là không; không tức là thức.

Thu Lộ Tử! Các pháp đều không tướng: không sanh không diệt, không tịnh không uế, không tăng không giảm. Cho nên trong không: không có sắc, không có thọ tưởng hành thức; không có mắt tai mũi lưỡi thân ý; không có sắc thanh hương vị xúc pháp; không có thức của mắt, cho đến không có thức của ý; không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có Khổ Tập Diệt Đạo; không có trí tuệ và cũng không có chứng đắc.

Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ-tát y theo Trí Độ và được tâm không ngăn ngại. Do không ngăn ngại, nên không có sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, và đạt tới Cứu Cánh Tịch Diệt.

Chư Phật ba đời đều y theo Trí Độ, nên đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Phải biết Trí Độ là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú; có thể diệt trừ hết thảy khổ, chân thật bất hư.

Cho nên Trí Độ Tâm Chú đã được tuyên nói."

Chú thuyết như vầy:

|| gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā ||

|| ga te, ga te, ba ra ga te, ba ra sâm ga te, bô đi, sờ qua ha ||

Lúc Phật thuyết Kinh này xong, các vị Bhikṣu cùng chư Bồ-tát, tất cả trời, người, phi thiên, tầm hương thần, và những loài hữu tình khác trong thế gian, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Kinh Tâm Yếu của Phổ Biến Trí Tạng Trí Độ


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Pháp Nguyệt (653-743)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 29/8/2013 ◊ Cập nhật: 26/4/2023

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Đang dùng phương ngữ: BắcNam