Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân

Là đệ tử của Phật thì ngày đêm phải luôn chí tâm tụng niệm tám điều giác ngộ của bậc đại nhân.

Điều Giác Ngộ Thứ Nhất:


Thế gian vô thường. Quốc gia nguy hiểm, mỏng manh. Bốn đại khổ, không. Năm uẩn không có ngã. Sanh diệt biến đổi, hư ngụy, vô chủ. Tâm là gốc của ác; thân là nơi chứa của tội. Hãy quán sát như thế thì dần dần sẽ xa rời sanh tử.

Điều Giác Ngộ Thứ Nhì:


Nhiều tham muốn sẽ khổ. Sanh tử nhọc nhằn là do khởi từ lòng tham muốn. Ít tham muốn và không tạo tác thì thân tâm tự tại.

Điều Giác Ngộ Thứ Ba:


Cái tâm này không bao giờ biết đủ và mãi luôn mong cầu. Cho nên nó làm cho tội ác tăng trưởng. Bồ-tát thì không như thế. Các ngài luôn có chánh niệm và biết đủ. Họ sống an nhàn giản dị là để tu Đạo. Việc làm duy nhất của họ là tu tập trí tuệ.

Điều Giác Ngộ Thứ Tư:


Lười biếng dẫn đến trụy lạc. Phải luôn tu hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục bốn loại ma, và ra khỏi ngục tù của năm uẩn.

Điều Giác Ngộ Thứ Năm:


Ngu si dẫn đến sanh tử. Vì lẽ đó nên Bồ-tát luôn ở trong chánh niệm cùng đa văn học rộng để trí tuệ tăng trưởng và thành tựu biện tài. Giáo hóa chúng sanh là niềm vui lớn nhất của các ngài.

Điều Giác Ngộ Thứ Sáu:


Bần cùng khốn khổ nảy sanh nhiều oán hận và kết duyên ác ngang trái. Bởi vậy nên Bồ-tát luôn thực hành bố thí. Họ cư xử oan gia và thân thuộc bình đẳng như nhau. Các ngài không ôm lòng tà ác hay căm ghét người xấu.

Điều Giác Ngộ Thứ Bảy:


Năm dục dẫn đến lỗi lầm và hoạn nạn. Cho dù là người tại gia thì cũng đừng bị dục lạc của thế gian làm nhiễm ô. Phải luôn tưởng nhớ đến ba y, bát sành, và Pháp khí. Phải lập chí nguyện xuất gia, thanh tịnh tu Đạo, sống tịnh hành cao thượng và từ bi với tất cả.

Điều Giác Ngộ Thứ Tám:


Sanh tử ví như ngọn lửa cháy phừng và chúng mang theo vô lượng khổ não. Hãy phát tâm Đại Thừa để rộng độ tất cả. Hãy nguyện vì chúng sanh mà thọ vô lượng khổ của họ và chỉ dẫn hết thảy đến niềm an lạc cứu cánh.



Đây là tám điều mà chư Phật, Bồ-tát và các bậc đại nhân đã giác ngộ. Các ngài tinh tấn hành Đạo, khởi lòng từ bi, siêng tu trí tuệ, và chèo thuyền Pháp thân đến bờ tịch diệt. Rồi sau đó lại trở về sanh tử để độ thoát chúng sanh. Các ngài dùng tám điều trên để khai đạo tất cả, khiến các chúng sanh tỉnh ngộ nỗi khổ của sanh tử, xa lìa năm dục, và tu tâm nơi thánh Đạo.

Nếu đệ tử nào của Phật trì tụng tám điều này thì ở trong niệm niệm, họ sẽ diệt vô lượng tội, thẳng tiến về Phật Đạo, và mau thành chánh giác. Họ vĩnh viễn sẽ đoạn trừ sanh tử và luôn sống an vui.

Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân


Dịch sang cổ văn: Pháp sư An Thế Cao ở Thế Kỷ 2
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 7/3/2012 ◊ Cập nhật: 26/4/2023
Đang dùng phương ngữ: BắcNam