Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Quyển 2
[1]
Bốn Đế Tám Chính Đạo
Quán sát bằng trí tuệ
Phá tan ái luân hồi
Như gió thổi tung bụi
[2]
Ai thấy Bốn Thánh Đế
Tịch tĩnh nên quán sát
Diệt trừ phiền não chướng
Như mưa thấm ướt bụi
[3]
Tối thượng Tám Chính Đạo
Dấu Pháp Bốn Thánh Đế
Đạo này tên vô vi
Tuệ đăng chiếu ngu ám
[4]
Vi diệu Tám Chính Đạo
Diệu nghĩa Bốn Thánh Đế
Vô dục Pháp tối thượng
Minh nhãn khéo quán sát
[5]
Tuệ là báu thế gian
An lạc chứng vô vi
Ai biết thọ chính giáo
Vĩnh đoạn sinh già chết
[6]
Tất cả hành vô thường
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[7]
Tất cả hành là khổ
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[8]
Tất cả hành là không
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[9]
Tất cả pháp vô ngã
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[10]
Ta đã giảng dấu Đạo
Ái dục như tên bắn
Hãy nên tự khích lệ
Thọ trì lời Phật dạy
[11]
Ta đã giảng dấu Đạo
Nhổ gai ái kiên cố
Hãy nên tự khích lệ
Thọ trì lời Phật dạy
[12]
Đạo này là duy nhất
Thấy Chân được thanh tịnh
Dẫn đến diệt ách khổ
Phá tan chúng ma binh
[13]
Đạo này là duy nhất
Thấy Chân sẽ chứng Quả
Dẫn đến diệt ách khổ
Phá tan chúng ma binh
[14]
Đạo này không gì hơn
Tĩnh lặng như hồ sâu
Như Năng Nhân nhập định
Giữa chúng luôn giảng Đạo
[15]
Nhập Đạo thấy sinh tử
Đắc Đạo cứu giúp người
Vượt qua biển ái dục
Liễu sinh qua bờ kia
[16]
Cứu cánh Đạo thanh tịnh
Trừ sạch gốc sinh tử
Biện tài vô cùng tận
Thấy rõ tuyên giảng Đạo
[17]
[Chảy xiết đổ vào biển]
[Nước chảy sẽ nhanh đầy]
[Thuyết Đạo cho người trí]
Khéo đến uống cam lộ
[18]
Trước chưa nghe Pháp luân
Chuyển vì thương chúng sinh
Ai phụng sự tu hành
Kính lễ vượt ba cõi
[19]
Ba niệm mà niệm thiện
Ba niệm sẽ lìa ác
Từ niệm mà có hành
Diệt cấu là Chính Đoạn
[20]
Ba quán sẽ chuyển niệm
Tất đắc Đạo vô thượng
Đắc ba trừ ba kết
Tu vô lượng định niệm
[21]
Khéo trừ lậu ba cõi
Tu định chế phục ý
Trí tuệ sức tĩnh lự
Đã định nhiếp ngoại loạn
[22]
Thế gian pháp sinh diệt
Mỗi thứ đều vô biên
Giác ngộ được giải thoát
An vui vô cùng tận
[23]
Tích thiện được quả lành
Mọi nơi được tiếng thơm
Hành trì Tám Chính Đạo
Tu Đạo uống cam lộ
[1]
Buồng chín, chuối sẽ khô
Cỏ lau, trúc, cũng thế
Con la chết khi chửa
Con người chết bởi tham
[2]
Bởi vậy tham vô lợi
Phải biết từ si sinh
Vì tham, ngu hại hiền
Đầu cổ rơi xuống đất
[3]
Tham lợi tính bất thiện
Bhikṣu [bíc su] chớ có tham
Trú nơi nhiều thương luyến
Hy vọng người cúng dường
[4]
Tại gia cùng xuất gia
Nam nữ chúng ngu mê
Tham lợi lòng ganh ghét
Ta vì họ hàng phục
[5]
Kẻ ngu nghĩ cách ngu
Dục mạn ngày càng tăng
Phi Pháp tham lợi dưỡng
Tịch diệt không thể đến
[6]
Những ai khéo biết đủ
Bhikṣu chân Phật tử
Danh tiếng chẳng ham thích
An vui là người trí
[7]
Không chấp trước mọi thứ
Không nịnh hót nơi người
Không nương người sinh sống
Nên tự hành trì Pháp
[8]
Tự lợi còn chẳng ham
Huống nữa là tiếng tăm
Trăm vị như mỡ xe
Tu hành sẽ đắc Đạo
[9]
Bhikṣu tham lợi dưỡng
Sẽ không đắc Đẳng Trì
Tri túc luôn tịch tĩnh
Chỉ Quán tất thành tựu
[10]
Bhikṣu xa danh lợi
Biết đủ chẳng mong cầu
Chỉ mặc ba Pháp y
Tu hành được an vui
[11]
Bhikṣu ham danh lợi
Như phòng có rắn độc
Nằm ngồi ngủ sợ hãi
Đều do tham lợi dưỡng
[12]
Bhikṣu ham danh lợi
Vui sướng thật thấp hèn
Một Pháp nên quán sát
Trí kém khó giải thoát
[13]
Cẩn thận luôn y giới
Không tham bậc trí khen
Tịnh hành chính căn lực
Hãy nên tự tư duy
[14]
Ba Minh có đầy đủ
Giải thoát được vô lậu
Trí kém người si mê
Sẽ không nhớ biết gì
[15]
Đối với các ẩm thực
Thọ nhận từ người khác
Mà khởi sinh pháp ác
Ganh ghét do lợi dưỡng
[16]
Lợi dưỡng kết nhiều oán
Tuy mặc ba Pháp y
Chỉ mong thức ăn ngon
Không vâng lời Phật dạy
[17]
Phải biết lỗi lầm này
Lợi dưỡng rất đáng sợ
Trí kém chẳng nghĩ suy
Bhikṣu hãy xả tâm
[18]
Bhikṣu bậc xuất gia
Ba nghiệp phải điều phục
Lối sống phải chân chính
Tâm thiện luôn tư duy
[19]
Bệnh vi tế khó nhẫn
Lợi dưỡng rất khó lìa
Cúng dường tâm bất động
Trời rồng sẽ lễ bái
[1]
Chẳng oán mà sinh oán
Chẳng gây mà làm ác
Ngu mê chịu thống khổ
Hiện đời và hậu thế
[2]
Nghiệp ác trước tự làm
Sau đó hại người khác
Kẻ kia khởi tâm hại
Như chim sa vào lưới
[3]
Đánh người bị người đánh
Oán thù gặp oán thù
Mắng người bị người mắng
Phẫn nộ gặp phẫn nộ
[4]
Vì sao làm Đạo Nhân?
Chẳng biết Phật Chính Pháp
Sinh ra thọ mạng ngắn
Lìa oán lại kết oán
[5]
Chúng cùng hủy báng nhau
Ai nấy thốt lời sân
Tâm vui, nhẫn, bình đẳng
Nhẫn này không gì sánh
[6]
Xương gãy mà mạng chung
Ngựa bò chết tài mất
Đất nước sẽ loạn lạc
Tụ tập được trở lại
[7]
Các ông chẳng khởi ác
Pháp này xa lìa oán
Kia oán ai khéo nhẫn
Gọi đó là bậc trí
[8]
Nếu biết đó nói thắng
Ngu mê cầu khoái lạc
Hiện tại không khởi oán
Vị lai cũng chẳng hận
[9]
Chẳng thể oán báo oán
Mà sẽ được an vui
An nhẫn oán tự trừ
Đó là Pháp Như Lai
[10]
Nếu ai hủy mạ ta
Kia oán ta chẳng oán
Ý ai được an vui
Oán thù được dừng nghỉ
[11]
Nếu ai quen bạn lành
Cùng đi khắp thế gian
Oán ghét không lưu nhớ
Chuyên niệm cùng ý lành
[12]
Bạn lành nếu chẳng có
Tự đi không bạn lữ
Hãy xem khắp mọi nơi
Tu thiện không tạo ác
[13]
Tu học nếu không có
Bạn tốt Thiện Tri Thức
Giữ thiện tu một mình
Đừng cùng với kẻ ngu
[14]
Tu học siêng trì giới
Cần chi bạn đồng hành?
Như rồng thích vực sâu
Như voi thích rừng hoang
[1]
Quán hơi thở ra vào
Chú tâm tư duy kỹ
Thông suốt đầu đến cuối
Quán sát như Phật dạy
[2]
Đó là chiếu thế gian
Như mây tan trăng hiện
Đi đứng học tư duy
Nằm ngồi đừng quên lãng
[3]
Bhikṣu lập niệm này
Hiện đời và hậu thế
Thắng lợi mãi chẳng cùng
Vĩnh không đọa sinh tử
[4]
Nếu thấy thân an trụ
Sáu căn gìn giữ hộ
Bhikṣu luôn nhất tâm
Tự biết chứng tịch diệt
[5]
Đã có các niệm này
Tự mình luôn hành trì
Như vậy mà chẳng thể
Vĩnh không chế phục tâm
[6]
Ai tu Pháp căn bổn
Như thế vượt trần lao
Ý niệm mà khéo ngộ
Đắc định tâm an vui
[7]
Ý niệm mà khéo ngộ
Đắc định tâm an vui
Tùy thời tu các Pháp
Mới thoát sinh già chết
[8]
Bhikṣu ngộ ý niệm
Phải khiến niệm tương ứng
Sinh tử phiền não đoạn
Chứng đắc Đạo tịch diệt
[9]
Thường nên nghe diệu Pháp
Tự ngộ tâm ý mình
Ai giác làm thánh hiền
Sợ hãi vĩnh chẳng còn
[10]
Giác ngộ tâm tương ứng
Ngày đêm siêng tu học
Liễu giải Pháp cam lộ
Nhất định được vô lậu
[11]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Phật
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Phật
[12]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Pháp
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Pháp
[13]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Tăng
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Tăng
[14]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Phật
[15]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Pháp
[16]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Tăng
[17]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm giới
[18]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thí
[19]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thiên
[20]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thân
[21]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm tĩnh lự
[22]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm không giết
[23]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm không trộm
[24]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm không
[25]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm vô tướng
[26]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm vô nguyện
[27]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm xuất thế
[28]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm ý vui
[29]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm tịch diệt
[1]
Hãy nhớ tự tỉnh giác
Khi làm chớ hư vọng
Làm thiện tu hành an
Việc làm được chân thật
[2]
Người nên cầu phương tiện
Sẽ tự được tài bảo
Kia tự quán cũng thế
Ý nguyện liền đắc Quả
[3]
Nằm ngồi cầu phương tiện
Phát khởi tâm tinh tấn
Như thợ đúc vàng ròng
Tẩy trừ tâm cáu bẩn
Chẳng bị ám tối che
Vĩnh lìa già chết khổ
[4]
Chẳng đáng thẹn lại thẹn
Nên đáng thẹn không thẹn
Chẳng đáng sợ lại sợ
Nên đáng sợ không sợ
Kẻ đó sinh tà kiến
Khi chết đọa địa ngục
[5]
Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che
[6]
Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Dùng thiện để diệt trừ
Là chiếu sáng thế gian
[7]
Nếu ai lỡ làm ác
Tu thiện mà tiêu trừ
Thế gian do chấp ái
Thật nghĩa không hiểu rõ
[8]
Thiếu niên mà xuất gia
Cầu Phật Pháp vi diệu
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che
[9]
Hiện đời không não hại
Lúc chết chẳng âu lo
Kia thấy Đạo vô úy
Lìa khổ được an vui
[10]
Hiện đời không não hại
Khi chết chẳng ưu sầu
Kia thấy Đạo vô úy
Tối thắng trong thân quyến
[11]
Đoạn trừ pháp ô trược
Chỉ tu pháp tịnh hành
Xả ái được thanh tịnh
Lìa bỏ việc xấu ác
[12]
Trì giới luôn thanh tịnh
Thanh tịnh trưởng căn lành
Ba nghiệp luôn thanh tịnh
Thanh tịnh gọi xuất gia
[13]
Tâm ái dục là ruộng
Tham sân si là hạt
Ai bố thí độ đời
Phúc báo vô cùng tận
[14]
Ví như ruộng cằn cỗi
Sân hận càng lan xa
Cho nên lìa sân hận
Phúc báo vô cùng tận
[15]
Ví như ruộng cằn cỗi
Si mê càng lan xa
Cho nên lìa si mê
Phúc báo vô cùng tận
[16]
Ví như ruộng cằn cỗi
Kiêu mạn càng lan xa
Cho nên lìa kiêu mạn
Phúc báo vô cùng tận
[17]
Ví như ruộng cằn cỗi
Tham dục càng lan xa
Cho nên lìa tham dục
Phúc báo vô cùng tận
[18]
Ví như ruộng cằn cỗi
Yêu thương càng lan xa
Cho nên lìa yêu thương
Phúc báo vô cùng tận
[19]
Sáu thức tâm làm chủ
Ái nhiễm làm quyến thuộc
Vô nhiễm sẽ lìa ái
Nhiễm trước là ngu si
[20]
Xương cốt lấy làm thành
Máu thịt bao phủ lên
Sáu căn mở tung ra
Sáu giặc tung hoành khắp
[21]
Vướng duyên sẽ tăng khổ
Hãy quán các nhân duyên
Diệt trừ nhờ thánh hiền
Ngu bị ngoại trần nhiễm
[1]
Tâm tịnh có chính niệm
Dục lạc chẳng còn tham
Đã qua hố si mê
Như nhạn bỏ ao khô
[2]
Tâm kia đã xả bỏ
Bay lượn thăng hư không
Tu hành xuất thế gian
Phá tan chúng ma quân
[3]
Trẻ chẳng tu tịnh hành
Đến già không tích của
Si mê ham say ngủ
Lười biếng chẳng làm lành
[4]
Trẻ chẳng tu tịnh hành
Đến già không tích của
Như hạc ở ao khô
Cố giữ có ích gì?
[5]
Chớ khinh việc ác nhỏ
Cho rằng không tai họa
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Tội ác đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành
[6]
Chớ khinh việc thiện nhỏ
Cho rằng không phúc báo
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Phúc lành đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành
[7]
Ví như người qua sông
Thuyền bè buộc kiên cố
Kia qua thật chẳng qua
Thông tuệ mới qua bờ
[8]
Phật Thế Tôn đã qua
Bậc tịnh hành qua bờ
Bhikṣu vào hồ sâu
Thanh Văn buộc chặt bè
[9]
Suối này có lợi gì?
Nước luôn có tràn khắp
Nhổ ái trừ gốc rễ
Lại muốn hy vọng gì?
[10]
Thuyền phu chèo lái thuyền
Thợ cung chỉnh góc độ
Thợ mộc gọt đẽo gỗ
Bậc trí khéo điều thân
[11]
Ví như dòng suối sâu
Trong ngoài rất trong suốt
Nghe Pháp được thanh tịnh
Bậc trí sinh hoan hỷ
[12]
Ví như dòng suối sâu
Trong ngoài rất trong suốt
Bậc trí nghe diệu Pháp
Hoan hỷ vô cùng tận
[13]
Lòng nhẫn như đại địa
Bất động như hư không
Nghe Pháp dụ kim cang
Đắc Đạo thoát luân hồi
[1]
Ai khéo lựa nơi xứ
Lìa đường ác sinh thiên?
Ai khéo giảng Pháp nghĩa
Như khéo hái hoa xinh?
[2]
Học nhân khéo lựa nơi
Lìa đường ác sinh thiên
Khéo giảng diệu Pháp nghĩa
Khéo hái hoa công đức
[3]
Hủy rừng chặt sạch cây
Bởi rừng sinh sợ hãi
Khi rừng đã diệt rồi
Bhikṣu đắc tịch diệt
[4]
Đốn rừng chẳng bứng rễ
Bởi rừng sinh sợ hãi
Một tí mà chưa đoạn
Khiến ý sinh buộc ràng
[5]
Đốn rừng chẳng bứng rễ
Bởi rừng sinh sợ hãi
Tâm siết rất khó lìa
Như nghé thương luyến mẹ
[6]
Hãy tự lìa thương luyến
Khô như ao sen thu
Tâm lặng thọ chính giáo
Phật nói tịch diệt vui
[7]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp mà chẳng thơm
Lời hoa mỹ cũng thế
Không có lợi ích gì
[8]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp lại ngát thơm
Lời dịu êm cũng thế
Tất được phúc lợi lành
[9]
Ví như ong hút mật
Không tổn hoa sắc hương
Chỉ lấy vị rồi đi
Như Bhikṣu vào làng
[10]
Đừng phạm làm điều ác
Chớ nhìn việc không nên
Chỉ xem thân nghiệp mình
Là chính hay bất chính
[11]
Ví như ở mương ruộng
Gần cạnh nơi đại lộ
Trong đó mọc hoa sen
Thơm khiết rất đáng yêu
[12]
Có sinh ắt phải chết
Phàm phu ưa nơi đó
Bậc trí quyết thoát ra
Đó là đệ tử Phật
[13]
Lấy nhiều hoa xinh đẹp
Kết thành vòng trang sức
Ai rộng tích thiện căn
Đời sau sinh chốn lành
[14]
Như hoa lài diệu hoa
Thanh tịnh như hoa sen
Nếu trừ tham sân si
Bhikṣu tịnh ngát thơm
[15]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Do ngủ bị nước trôi
Thoáng chốc tử thần dắt
[16]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Ý dục không biết chán
Luôn bị khổ vây khốn
[17]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Chưa được chân tài bảo
Mãi bị khổ vây khốn
[18]
Nếu chẳng thấy tử thần
Tuệ chiếu như tịnh hoa
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[19]
Nếu đoạn tham sân si
Như bỏ rễ hoa độc
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[20]
Tham dục nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[21]
Sân hận nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[22]
Si mê nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[23]
Như người kết vòng hoa
Khoái ý tham vô bờ
Hiện đời chẳng trừ độc
Ba nghiệp luôn siết trói
[24]
Quán thân như sành gốm
Huyễn hóa như ảo ảnh
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sinh tử
[25]
Thấy thân như bọt nước
Biết đó là huyễn hóa
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sinh tử
[26]
Ngã mạn nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[27]
Nghi ngờ nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[28]
Ái dục nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[29]
Phiền não nếu chẳng có
Tất được quả báo thiện
Bhikṣu qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[1]
Ví như cưỡi ngựa thuần
Tùy ý đến nơi muốn
Tín giới và tinh tấn
Định tuệ sẽ đầy đủ
[2]
Đắc Pháp Đệ Nhất Nghĩa
Lợi ích vô cùng tận
Nhất tâm hành hòa nhẫn
Thoát miễn khổ luân hồi
[3]
Nhẫn hòa tâm sẽ định
Khéo đoạn các khổ não
Từ đó được trụ định
Như ngựa đã thuần phục
[4]
Đoạn sân được vô lậu
Như ngựa đã thuần phục
Bỏ ác đến bình thản
Sau thọ vui cõi trời
[5]
Tinh tấn giữa buông lung
Giác ngộ giữa ngủ say
Như ngựa đã thuần phục
Bỏ ác làm thánh hiền
[6]
Nếu ai biết hổ thẹn
Trí tuệ sẽ thành tựu
Đó là cầu hướng thượng
Ví như cưỡi ngựa thuần
[7]
Như ngựa nếu thuần phục
Mới để cho vua cưỡi
Khéo điều làm hiền nhân
Mới được lời thành tín
[8]
Dẫu ai giỏi huấn luyện
Như khéo huấn luyện ngựa
Lại khéo huấn luyện voi
Đâu bằng điều phục mình
[9]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới đến nơi an lành
[10]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới diệt mọi khổ ách
[11]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới đến Đạo tịch diệt
[12]
Hãy luôn tự điều phục
Cũng như dừng ngựa chạy
Ai khéo tự cấm chế
Độ thoát mọi khổ não
[13]
Như ngựa cho vua cưỡi
Nơi kia sinh hy hữu
Bhikṣu khéo điều phục
Giải thoát mọi khổ ách
[14]
Chỉ ai tự điều phục
Thiện ý như ngựa thuần
Cũng như voi chúa lớn
Tự điều là tối thượng
[15]
Như vua cưỡi ngựa khôn
Hiếm có ở trong nước
Bhikṣu khéo điều phục
Khéo đoạn siết trói buộc
[16]
Chỉ ai tự điều phục
Thiện này không gì sánh
Cũng như voi chúa hiền
Ý niệm qua bờ kia
[17]
Tự làm, tự hộ vệ
Tự nương, cầu tự độ
Cho nên hãy cẩn thận
Như buôn bán ngựa khôn
[1]
Trừ sân lìa ngã mạn
Lánh xa các phiền não
Chẳng nhiễm nơi danh sắc
Oan gia chẳng kết giao
[2]
Sân đoạn nằm ngủ yên
Khuể diệt không ưu sầu
Phẫn nộ là căn độc
Trừ độc sinh cam lộ
Hiền thánh khéo trừ sạch
[3]
Sân hận lòng ai khởi
Làm các nghiệp chẳng lành
Nếu sau sân được trừ
Trí tuệ dần dần tăng
[4]
Chẳng thẹn chẳng xấu hổ
Lại ưa khởi sân hận
Bị sân siết trói buộc
Như tối mất đèn sáng
[5]
Lực kia chẳng phải lực
Ai lấy sân làm lực
Sân là pháp mục nát
Chẳng biết lành được khen
[6]
Phẫn nộ gần binh đao
Nhu hòa gần an tường
An nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn
[7]
Phẫn nộ người khinh chê
Ai sân nên học nhẫn
An nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn
[8]
Chẳng kể ta hay người
Phải sợ tham sân si
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước
[9]
Lợi mình và lợi người
Vì họ ta khuyên bảo
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước
[10]
Lợi mình và lợi người
Vì họ ta khuyên bảo
Ngu cho ta vô lực
Quán pháp cũng như thế
[11]
Trí nhẫn thắng ngu si
Kẻ ngu nói lời ác
Muốn luôn chiến thắng họ
Chỉ nên giữ im lặng
[12]
Luôn học lời bậc trí
Không cùng kẻ ngu học
Khéo nhẫn lời cấu trược
Mới gọi nhẫn cao nhất
[13]
Ai sân không nên nói
Chỗ đông hay vắng người
Ai hận khởi lửa sân
Mãi không tự thức tỉnh
[14]
Nói thật chẳng sân hận
Kẻ xin nhớ bố thí
Ba nghiệp có định xứ
Tự nhiên ở thiên cung
[15]
Ý dừng sao có sân?
Tự kiểm dưỡng tuệ mạng
Đẳng trí định giải thoát
Biết đã chẳng còn sân
[16]
Những ai mà làm ác
Phẫn nộ khởi sinh oán
Nếu sân mà chẳng khởi
Tức là chiến thắng họ
[17]
An nhẫn thắng sân hận
Thiện đức thắng tà ác
Bậc trí khéo bố thí
Chí thành thắng lừa dối
[18]
Không sân cũng không hại
Hằng nhớ hành chân thật
Kẻ ngu tự khởi sân
Oán thù luôn còn mãi
[19]
Sân hận tự kiềm chế
Như dừng xe chạy nhanh
Là người lái xe giỏi
Bỏ tối tiến vào sáng
❖
Đạo Nhân, Chính Đạo, với Lợi Dưỡng
Oán Hận, Tư Duy, và Thanh Tịnh
Nước Dụ, Hoa Dụ, cùng Ngựa Dụ
Cộng chung Sân Hận là mười phẩm
[1]
Tự thành Tối Chính Giác
Không nhiễm tất cả pháp
Vô Úy, Nhất Thiết Trí
Tự ngộ không thầy dạy
[2]
Tự thành Tối Chính Giác
Không nhiễm pháp thế gian
Vô Úy, Nhất Thiết Trí
Tự ngộ không thầy dạy
[3]
Thiện Thệ không ai hơn
Thị hiện thành Chính Đạo
Như Lai Thiên Nhân Tôn
Trí lực đều viên mãn
[4]
Ta là Phật Thế Tôn
Lậu tận đoạn tuyệt dâm
Chư thiên và thế nhân
Tất cả đều cung kính
[5]
Tự ngộ không thầy dạy
Một mình không bạn lữ
Nhất tâm tu Chính Pháp
Phật Đạo tự nhiên thông
[6]
Tự mình thắng phiền não
Thế gian chẳng ai hơn
Thông suốt trí vô ngại
Dẫn kẻ mê vào Đạo
[7]
Nay đến thành Lộc Dã
Muốn đánh trống cam lộ
Sẽ chuyển diệu Pháp luân
Mà chưa ai từng chuyển
[8]
Người trí không cùng ngu
Tùy duyên mà hóa độ
Giảng Đạo tịnh vô cấu
Tịch diệt không gì hơn
[9]
Dũng mãnh sư tử hống
Như Lai giảng Chính Pháp
Pháp thuyết và nghĩa thuyết
Bậc giác mãi an vui
[10]
Dũng mãnh tâm chuyên chú
Xuất gia ngày đêm tu
Chư thiên thường hộ vệ
Chư Phật ngợi tán dương
[11]
Chư thiên và thế gian
Tán thán Chính Đẳng Giác
Nhanh tu mà tự giác
Tối hậu lìa bào thai
[12]
Chư Phật ở quá khứ
Cùng với ở vị lai
Hiện tại Chính Đẳng Giác
Diệt trừ khổ chúng sinh
[13]
Một lòng tôn trọng Pháp
Đã kính ai đang kính
Nếu ai sẽ cung kính
Đó là Phật Pháp yếu
[14]
Nếu muốn tự cầu Pháp
Chính thân tối đệ nhất
Kính tin nơi Chính Pháp
Tư duy Kinh giới Phật
[15]
Những ai không tin Phật
Họ như kẻ mù lòa
Sẽ đọa ba đường ác
Ví như có thương gia
Gặp phải quỷ bạo ác
[16]
Thuyền trưởng khéo lái thuyền
Tinh tấn làm kiều lương
Người bị dòng tộc vây
Ai thoát là trượng phu
[17]
Như Lai không ai bằng
Ái tận không vết tích
Giải thoát tâm vô lậu
Ân tuệ trời và người
[18]
Tư duy hai quán hành
Khéo quán hai nhàn tĩnh
Trừ tối hơn thần tiên
Khéo chứng được tự tại
[19]
Như người đứng đỉnh núi
Thấy khắp người trong thôn
Quán sát Pháp như vậy
Ví như lên lầu cao
[20]
Nếu ai luôn quán sát
Phiền não mãi chẳng sinh
Rưới mưa Pháp cam lộ
Liên tục chẳng tận cùng
[1]
Đa văn khéo hành thiện
Làm lành chẳng phiền não
Tu hành diệt nghiệp chướng
Đắc diệu Quả Đạo Nhân
[2]
Ngu mê chẳng hay biết
Khéo hành Pháp bất tử
Khéo giải ai biết Pháp
Bệnh trừ như lá chuối
[3]
Ví như nhà che kín
Tối om chẳng thấy gì
Tuy có đủ màu sắc
Có mắt nhưng không thấy
[4]
Ví như có một người
Tài trí với học rộng
Chẳng nghe tất chẳng biết
Pháp lành và pháp ác
[5]
Ví như cầm đuốc sáng
Tất thấy mọi sắc tướng
Nghe rồi khéo biết rõ
Hướng đi của thiện ác
[6]
Tuy xưng là đa văn
Giới cấm không đầy đủ
Bị pháp luật truy nã
Tu học có khiếm khuyết
[7]
Hành giả kém hiểu biết
Dẫu giới trì đầy đủ
Cũng được pháp luật khen
Nhưng tu học có khuyết
[8]
Tu học kém hiểu biết
Trì giới không trọn vẹn
Hiện đời cùng vị lai
Thọ khổ bổn nguyện tan
[9]
Đa văn vững tu hành
Trì Pháp làm bức tường
Tinh tấn hủy khó leo
Từ đó giới tuệ thành
[10]
Đa văn khéo phụng Pháp
Trí tuệ luôn định ý
Như tử ma hoàng kim
Ai nào có thể chê
[11]
Tài trí là đa văn
Trì giới tất đầy đủ
Cả hai được ngợi khen
Tu học được lậu tận
[12]
Đa văn như gương báu
Soi pháp không thừa sót
Soi mình và soi người
Cả hai sinh hoan hỷ
[13]
Đa văn như chuỗi ngọc
Trang nghiêm nơi thân mình
Hữu tình sinh hoan hỷ
Yêu mến vô cùng tận
[14]
Những ai tự ca mình
Ngợi khen nói danh đức
Đó đều vì tham dục
Nhưng mình chẳng hay biết
[15]
Nghe Pháp biết Kinh giới
Trừ nghi thấy chân lý
Do nghe lìa pháp ác
Đi đến nơi bất tử
[16]
Bên trong không ai biết
Bên ngoài không ai thấy
Trong chẳng thấy kết quả
Liền theo tiếng mà trụ
[17]
Bên trong đã biết rõ
Bên ngoài không ai thấy
Cả hai đều đã thành
Liền theo tiếng mà trụ
[18]
Bên trong đã biết rõ
Bên ngoài cũng thấy suốt
Người kia có trí tuệ
Chẳng theo tiếng mà trụ
[19]
Thức của tai nghe nhiều
Thức của mắt thấy nhiều
Thấy nghe chẳng kiên cố
Không tin nơi nghĩa lý
[20]
Trí sâu khéo thuyết lành
Nghe biết định ý lành
Kia chẳng dùng trí định
Nhanh thành kẻ buông lung
[21]
Hiền thánh yêu thích Pháp
Việc làm lời tương ứng
Dùng nhẫn tư duy không
Tâm ý tất kiên cố
[1]
Luôn nói lời tốt lành
Đạo Nhân khi đứng ngồi
Nhất tâm tu định ý
Lòng dục cầu ngừng nghỉ
[2]
Bất luận đi nằm ngồi
Một mình không buông lung
Hãy tự hàng phục tâm
Lòng vui chốn núi rừng
[3]
Nghìn nghìn vạn quân địch
Một người thắng tất cả
Chẳng bằng tự hàng tâm
Đó là thắng cao nhất
[4]
Thắng mình là tối thượng
Như tâm chúng sinh kia
Tự hàng làm Đại Sĩ
Tu hành sẽ viên thành
[5]
Chẳng trời tầm hương thần
Chẳng ma hay Phạm Thiên
Là cao quý tối thắng
Bằng trí tuệ Bhikṣu
[6]
Trước hãy tự chân chính
Rồi sau dạy người khác
Nếu ai tự chân chính
Mới gọi là thượng nhân
[7]
Trước hãy tự chân chính
Rồi sau dạy người khác
Nếu ai tự chân chính
Chẳng mạo nhận bậc trí
[8]
Hãy tự mình tu chứng
Tùy duyên dạy bảo người
Tự mình đã điều phục
Mới có thể dạy người
[9]
Hãy luôn tự tu chứng
Khiến người sinh tín giải
Tự ta tâm chuyên nhất
Tu học của bậc trí
[10]
Vì mình hoặc vì người
Phần nhiều chẳng thành tựu
Nếu bậc Hữu Học kia
Chân chính rồi dạy người
[11]
Thân còn Đạo sẽ còn
Pháp ác sao dung chứa?
Tự mình được điều phục
Bậc trí nói nghĩa này
[12]
Tự tâm mình làm thầy
Không theo người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Có được chân trí tuệ
[13]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Có được lợi lạc lành
[14]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Trí tuệ thầy trời người
[15]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Sống lâu hưởng phúc trời
[16]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Tối thắng trong thân tộc
[17]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Không sầu giữa não phiền
[18]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Đoạn trừ mọi trói buộc
[19]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Phá tan mọi đường ác
[20]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Luôn làm bậc chân sư
[21]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Giải thoát mọi khổ đau
[22]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Nhanh chứng Đạo tịch diệt
Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Hết quyển 2
Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 19/10/2014 ◊ Cập nhật: 26/4/2023
Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 19/10/2014 ◊ Cập nhật: 26/4/2023
☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
Bhikṣu: bíc su