Kinh Pháp Diệt Tận
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại thành Hương Mao. Như Lai trong ba tháng nữa sẽ vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Lúc đó các vị Bhikṣu [bíc su], chư Bồ-tát, cùng vô số chúng sinh đến chỗ của Phật và họ cúi đầu đỉnh lễ sát đất. Thế Tôn tĩnh lặng. Ngài không nói một lời, ánh hào quang cũng không hiện.
Bấy giờ Hiền giả Khánh Hỷ đỉnh lễ và thưa với Phật rằng:
"Ở trước và sau cuối khi Thế Tôn thuyết Pháp, Như Lai luôn có uy quang hiển hách độc nhất. Nhưng nay giữa đại chúng, vầng hào quang ấy không xuất hiện nữa. Chắc hẳn, đây phải là do nhân duyên gì? Chúng con mong muốn được nghe nghĩa ý."
❖
Đức Phật vẫn lặng yên không trả lời.
Như thế cho đến khi thỉnh cầu đến ba lần, lúc ấy Đức Phật mới bảo ngài Khánh Hỷ:
"Sau khi Ta vào tịch diệt, lúc Pháp bắt đầu diệt mất ở trong đời ác năm trược, tà ma sẽ rất hưng thịnh. Ma quỷ sẽ giả làm Đạo Nhân để phá hoại Đạo của Ta. Chúng mặc quần áo của người thế tục, ưa thích y phục năm màu, mặc Pháp y sặc sỡ. Chúng uống rượu ăn thịt, giết hại chúng sinh, tham đắm mùi vị, không có lòng từ bi, và còn sân hận đố kỵ.
Lúc bấy giờ sẽ có các vị Ưng Chân, Độc Giác, và Bồ-tát. Họ tinh tấn tu đức và tôn kính hết thảy. Các ngài lấy nhân ái làm tông hướng, giáo hóa bình đẳng, thương mến người nghèo, lo lắng người già yếu, và giúp kẻ khốn cùng. Họ luôn khuyên bảo mọi người hộ trì Kinh tượng. Với tấm lòng hiền lành, các ngài làm mọi công đức, không làm hại người khác, luôn hy sinh giúp đỡ, không tự lợi, an nhẫn và hòa nhã.
Nếu có những vị như thế thì chúng ác ma Bhikṣu đều sinh lòng ganh ghét, phỉ báng bôi nhọ, xua đuổi trục xuất. Sau đó, do những ác ma này không tu Đạo lập đức nên chùa tháp bỏ hoang vắng, không người sửa sang, rồi sẽ bị hủy hoại. Chúng chỉ tham lam cất giữ tiền tài, không chịu phân phát, và không sử dụng vào việc để tạo phúc đức. Chúng sẽ mua bán nô tỳ để trồng trọt, đốt rừng, và giết hại chúng sinh; một chút lòng từ cũng chẳng có.
Sau đó, những nam nô sẽ thành Bhikṣu; những nữ tỳ sẽ thành Bhikṣuṇī [bíc su ni]. Chúng không có đức hạnh, dâm loạn ô uế, nam nữ không cách biệt. Chính những kẻ này sẽ làm Đạo suy yếu và phai mờ đi.
Hoặc có kẻ chạy trốn pháp luật. Chúng sẽ nương dựa vào Đạo của Ta và xin làm Đạo Nhân, nhưng không tu giới luật. Giữa tháng và cuối tháng tuy họ có tụng giới nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Do vì chán ghét và lười biếng nên họ chẳng còn muốn nghe nữa.
Chúng không muốn tụng toàn bộ chính văn mà chỉ tóm lược phần đầu và đoạn cuối. Chẳng bao lâu, việc học Kinh với tụng niệm cũng sẽ chấm dứt. Dẫu cho còn có người đọc tụng, nhưng họ không hiểu ý nghĩa của câu văn rồi miễn cưỡng cho đó là đúng. Họ lại không hỏi các bậc minh sư, cao ngạo cầu danh, và làm ra vẻ tao nhã vẻ vang để mong được người cúng dường.
❖
Khi chúng ma Tăng này mạng chung, thần thức của những kẻ ấy liền đọa Địa ngục Vô Gián. Bởi đã phạm năm tội ngỗ nghịch, nên chúng sẽ trải qua Hằng Hà sa kiếp để sinh làm ngạ quỷ và bàng sinh. Khi tội báo đã hết, lại sinh ra ở vùng biên địa--nơi không có Tam Bảo.
Khi Pháp sắp bị diệt, người nữ sẽ trở nên tinh tấn và luôn làm công đức. Ngược lại, người nam lười biếng và không quý trọng Pháp ngữ. Khi nhìn thấy những vị Đạo Nhân, họ xem như là phân đất và hoàn toàn chẳng có tín tâm.
Khi Pháp sắp bị diệt mất, chư thiên khóc lóc, lũ lụt và hạn hán thất thường, ngũ cốc sẽ không còn chín. Bệnh dịch lây lan và giết đi vô số sinh mạng. Dân chúng lầm than, còn quan chức mưu toan tính lợi. Ai nấy đều không thuận theo Đạo lý, ưa thích nhiễu loạn. Kẻ xấu ác gia tăng nhiều như cát trong biển. Người thiện rất hiếm hoi, hầu như chỉ được một hoặc hai người.
Do kiếp sắp tận, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn. Thọ mạng của loài người lại giảm, 40 tuổi thì đầu bạc. Do người nam dâm dục quá độ, tinh dịch cạn kiệt nên phải chết sớm, hoặc chỉ sống đến 60 tuổi. Trong khi tuổi thọ của người nam giảm thì tuổi thọ của người nữ gia tăng đến 70, 80, 90, hoặc đến 100 tuổi.
Lúc bấy giờ, nước lớn sẽ hốt nhiên khởi lên và kéo dài đến vô hạn kỳ, nhưng người đời không tin mà lại xem là việc bình thường. Các loại chúng sinh hỗn tạp, không phân sang hèn quý tiện, chết đuối, chìm đắm nổi trôi, và bị cá rùa ăn nuốt.
❖
Khi ấy các vị Ưng Chân, Độc Giác, và Bồ-tát sẽ bị chúng ma xua đuổi, trục xuất và không còn tham dự trong chúng hội nữa. Giáo Pháp của Ba Thừa sẽ lánh vào nơi núi rừng phúc đức. Trong yên tĩnh, họ sẽ tìm được sự an vui, tuổi thọ thêm lâu dài. Bấy giờ chư thiên sẽ hộ vệ cho Nguyệt Quang Bồ-tát xuất thế. Các ngài lại gặp nhau và cùng chấn hưng Đạo của Ta.
52 năm sau đó, Kinh Cứu Cánh Kiên Cố [Đẳng Trì] ① và Kinh Phật Lập Đẳng Trì sẽ bị sửa đổi trước tiên rồi sau đó diệt mất. 12 Phần Giáo cũng từ từ biến mất và không bao giờ còn xuất hiện, văn tự cũng không còn thấy nữa. Pháp y của Đạo Nhân sẽ tự nhiên biến thành màu trắng.
Khi Pháp của Ta sắp diệt, nó sẽ như ngọn đèn dầu bừng sáng lên trong chốc lát rồi tắt mất. Khi Pháp của Ta đã diệt, thì nó cũng như ngọn đèn đã tắt. Từ đó về sau, thật khó mà nói chắc điều gì sẽ xảy ra.
Và như thế cho đến vài chục triệu năm sau, lúc Từ Thị Bồ-tát sắp hạ sinh ở thế gian để làm Phật, thiên hạ sẽ thái bình, độc khí tiêu trừ, mưa thấm nhuần điều hòa, ngũ cốc tươi tốt, cây cối to lớn. Loài người sẽ cao đến tám trượng và sống đến 84.000 tuổi. Chúng sinh được độ thoát nhiều không thể tính đếm kể."
❖
Lúc bấy giờ, Hiền giả Khánh Hỷ đỉnh lễ và bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì, và chúng con phụng trì như thế nào?"
Đức Phật bảo:
"Này Khánh Hỷ! Kinh này tên là Pháp Diệt Tận. Hãy lưu truyền rộng rãi, công đức có được sẽ nhiều vô lượng không thể tính kể."
Khi bốn chúng đệ tử nghe Kinh này xong, lòng buồn bã và thương xót thảm thiết. Tất cả đều phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Sau đó, họ đỉnh lễ Đức Phật, rồi cáo lui.
Kinh Pháp Diệt Tận
① Trong Luận Đại Trí Độ thường nhắc đến 般Bát 舟Chu 三Tam 昧Muội 「Phật Lập Đẳng Trì」 và 首Thủ 楞Lăng 嚴Nghiêm 經Kinh--cũng chính là 首Thủ 楞Lăng 嚴Nghiêm 三Tam 昧Muội 經Kinh 「Kinh Cứu Cánh Kiên Cố Đẳng Trì, gồm 2 quyển」 mà không phải 大Đại 佛Phật 頂Đảnh 首Thủ 楞Lăng 嚴Nghiêm 經Kinh 「10 quyển」. 首Thủ 楞Lăng 嚴Nghiêm 經Kinh được nhắc đến trong Kinh này, xác xuất lớn là Kinh Cứu Cánh Kiên Cố Đẳng Trì.
Dịch sang cổ văn: Tên người dịch đã thất lạc
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 24/4/2010 ◊ Cập nhật: 31/10/2023
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 24/4/2010 ◊ Cập nhật: 31/10/2023
☸ Cách đọc âm tiếng Phạn
Bhikṣu: bíc su
Bhikṣuṇī: bíc su ni