Kinh Diệu Cát Tường Bồ-tát Thuyết Giảng Đại Trí Độ ♦ Quyển hạ

Lúc bấy giờ ngài Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất và bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà đại địa chấn động sáu cách như thế?"

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

"Do Ta thuyết giảng về phước điền không có tướng sai khác nên mới xuất hiện điềm lành này. Chư Phật thuở xưa cũng ở nơi đây thuyết giảng về tướng của phước điền như thế để làm lợi ích cho chúng sanh. Bấy giờ hết thảy thế giới cũng chấn động sáu cách."

Ngài Thu Lộ Tử thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Ngài Diệu Cát Tường thật chẳng thể nghĩ bàn.

Vì sao thế? Bởi pháp tướng do ngài thuyết giảng thật chẳng thể nghĩ bàn."

Đức Phật ngợi khen ngài Diệu Cát Tường:

"Như thị, như thị! Đúng như lời của Thu Lộ Tử, lời thuyết giảng của ông thật chẳng thể nghĩ bàn."

Ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Chẳng thể nghĩ bàn thì không thể nói, và nghĩ bàn cũng không thể nói. Tánh của nghĩ bàn và chẳng thể nghĩ bàn như thế đều không thể nói. Hết thảy tướng của âm thanh là không phải nghĩ bàn và cũng không phải chẳng thể nghĩ bàn."

Đức Phật hỏi rằng:

"Ông có vào Bất Tư Nghị Đẳng Trì chăng?"

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Dạ không, thưa Thế Tôn! Con chính là chẳng thể nghĩ bàn. Con không thấy có tâm mà có thể nghĩ bàn, thế thì làm sao có thể nói là vào Bất Tư Nghị Đẳng Trì? Lúc con sơ phát khởi Đạo tâm, con muốn nhập định này. Nhưng nay tư duy, con thật chẳng thấy có tướng của tâm để vào Đẳng Trì.

Ví như người học bắn tên, luyện tập lâu ngày thì sẽ giỏi. Về sau tuy chẳng chú tâm, nhưng do luyện tập lâu ngày nên đều bắn trúng đích. Con cũng lại như vậy. Khi mới tu học Bất Tư Nghị Đẳng Trì, con phải chú tâm vào một nơi. Sau khi luyện tập một thời gian dài, con mới thành tựu. Bây giờ con luôn ở trong định mà tâm chẳng khởi nghĩ tưởng."

Tôn giả Thu Lộ Tử nói với ngài Diệu Cát Tường rằng:

"Còn có loại định tịch diệt nào thù thắng vi diệu nữa chăng?"

Ngài Diệu Cát Tường nói rằng:

"Nếu thật sự có Bất Tư Nghị Đẳng Trì, thì ông có thể hỏi rằng, còn có loại định tịch diệt nào nữa chăng. Nhưng theo sự hiểu biết của tôi, Bất Tư Nghị Đẳng Trì còn chẳng thể nắm bắt. Thế thì làm sao ông có thể hỏi về định tịch diệt?"

Ngài Thu Lộ Tử thưa rằng:

"Vậy Bất Tư Nghị Đẳng Trì chẳng thể chứng đắc sao?"

Ngài Diệu Cát Tường nói rằng:

"Về Đẳng Trì nghĩ bàn thì có tướng để nắm bắt, nhưng Bất Tư Nghị Đẳng Trì thì không có tướng để nắm bắt. Hết thảy chúng sanh thật sự đều thành tựu Bất Tư Nghị Đẳng Trì.

Vì sao thế? Bởi tất cả tướng của tâm tức chẳng phải tâm, nên gọi là Bất Tư Nghị Đẳng Trì. Do đó, tướng của hết thảy chúng sanh và tướng của Bất Tư Nghị Đẳng Trì thì giống nhau không khác."

Đức Phật ngợi khen ngài Diệu Cát Tường:

"Lành thay, lành thay! Từ lâu ông đã gieo trồng căn lành và tu tịnh hành ở nơi chư Phật, nên mới có thể diễn nói Đẳng Trì sâu xa. Ông nay đã an trụ trong Trí Độ như thế."

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Nếu con nói rằng con an trụ trong Trí Độ, thì tức là có nghĩ tưởng và liền trụ nơi ngã tưởng. Nếu có nghĩ tưởng và trụ nơi ngã tưởng, Trí Độ liền có xứ sở.

Nếu nghĩ không trụ Trí Độ thì cũng là ngã tưởng, và cũng gọi là xứ sở. Lìa hai nơi này, con trụ mà chẳng có chỗ trụ, như chư Phật an trụ nơi cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của tịch diệt vậy. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn như thế gọi là an trụ Trí Độ.

Khi trụ ở Trí Độ, tất cả pháp đều vô tướng vô tác. Trí Độ chính là chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng thể nghĩ bàn chính là Pháp Giới. Pháp Giới chính là vô tướng. Vô tướng chính là chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng thể nghĩ bàn chính là Trí Độ. Trí Độ và Pháp Giới đều chẳng hai, không sai khác.

Chẳng hai và không sai khác chính là Pháp Giới. Pháp Giới chính là vô tướng. Vô tướng chính là cảnh giới Trí Độ. Cảnh giới Trí Độ chính là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn chính là cảnh giới không sanh không diệt. Cảnh giới không sanh không diệt chính là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn."

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Cảnh giới của Như Lai và cảnh giới của con chính là tướng chẳng hai. Những ai tu hành Trí Độ như thế sẽ chẳng cầu Đạo.

Vì sao thế? Bởi Đạo, tức lìa khỏi tướng, chính là Trí Độ.

Thưa Thế Tôn! Nếu ai biết ngã tướng mà không chấp trước, và vô tri vô chấp, thì đó là sự hiểu biết của Phật. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của vô tri vô chấp, tức là sự hiểu biết của Phật.

Vì sao thế? Bởi họ biết tánh bổn thể không có tướng. Thế thì làm sao có thể chuyển Pháp Giới?

Nếu ai biết bổn tánh là không hình thể và không chấp trước thì gọi là vô vật. Nếu chẳng có vật thì không xứ sở, không nương không trụ. Không nương không trụ chính là không sanh không diệt. Không sanh không diệt chính là công đức của hữu vi và vô vi.

Nếu ai biết như thế thì sẽ không tâm tưởng. Không tâm tưởng thì làm sao biết công đức của hữu vi và vô vi? Vô tri chính là chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng thể nghĩ bàn chính là sự hiểu biết của Phật; cũng không nắm giữ hay chẳng không nắm giữ; không thấy tướng của ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai; không nắm giữ sanh hay diệt, khởi sanh hay tạo tác, và đoạn diệt hay thường hằng. Ai biết như thế gọi là chánh trí, là trí chẳng thể nghĩ bàn. Trí tuệ ấy ví như hư không, chẳng đây chẳng kia, không có sự so sánh giữa tốt hay xấu, chẳng có tướng mạo, và không gì có thể sánh bằng."

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Nếu biết như vậy thì gọi là trí không thoái chuyển."

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Trí vô tác gọi là trí không thoái chuyển. Ví như thỏi vàng, trước tiên cần phải nung luyện thì mới biết tốt xấu. Nếu vàng chẳng nung luyện thì không ai có thể biết được phẩm chất của nó. Tướng của trí không thoái chuyển thì cũng lại như thế. Hành giả phải trải qua cảnh giới của vô niệm vô chấp, vô khởi vô tác. Khi họ an trụ bất động, không sanh không diệt, thì trí tuệ ấy mới hiện rõ."

Lúc bấy giờ Phật hỏi ngài Diệu Cát Tường:

"Khi chư Như Lai nói về trí tuệ của mình, ai có thể tin?"

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Trí tuệ như thế chẳng phải Pháp tịch diệt và cũng chẳng phải pháp sanh tử. Đó là tịch diệt hành, là vô động hành, không đoạn trừ và cũng chẳng không đoạn trừ tham dục, sân hận, và si mê.

Vì sao thế? Bởi trí tuệ như thế là vô tận, vô diệt, không rời sanh tử, cũng chẳng không rời sanh tử, không tu Đạo, và cũng chẳng không tu Đạo. Ai liễu giải như thế gọi là chánh tín."

Đức Phật ngợi khen ngài Diệu Cát Tường:

"Lành thay, lành thay! Như những gì ông nói là sự liễu giải thâm sâu của nghĩa này."

Lúc bấy giờ ngài Đại Ẩm Quang bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Nếu Chánh Pháp sâu xa như thế được nói ở vào đời vị lai, ai có thể tín giải và như thuyết tu hành?"

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

"Trong đại hội hôm nay, nếu có những vị Bhikṣu [bíc su], Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào mà nghe được Kinh này, thì khi những người như thế nghe được Pháp này ở vào đời vị lai, họ chắn chắn có thể tín giải. Đối với Trí Độ sâu xa, họ sẽ có thể đọc tụng, tín giải thọ trì, và cũng phân biệt cùng diễn nói cho người khác.

Ví như có một trưởng giả do làm mất viên bảo châu nên đau buồn sầu khổ. Về sau nếu lượm lại được, ông ta sẽ vui mừng khôn xiết.

Cũng vậy, Đại Ẩm Quang! Những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, và Thanh Tín Nữ cũng lại như thế. Họ có tín tâm và yêu mến. Nếu chẳng nghe được Pháp này, họ sẽ sanh khổ não. Còn khi nghe được Pháp này, họ sẽ tín giải thọ trì, luôn thích đọc tụng, và vui mừng vô cùng. Phải biết những người ấy sẽ liền thấy Phật. Họ cũng thân cận và cúng dường chư Phật."

Phật bảo ngài Đại Ẩm Quang:

"Ví như cây hương biến ở trên trời Tam Thập Tam. Khi thấy cây nảy chồi, chư thiên nơi ấy đều rất vui mừng. Họ biết rằng cây đó không lâu tất sẽ nở hoa.

Nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào nghe được Trí Độ mà có thể sanh tín giải thì cũng lại như vậy. Người này không bao lâu nữa cũng sẽ nở hoa của tất cả Phật Pháp.

Ở vào đời vị lai, nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào nghe được Trí Độ mà tín giải, thọ trì đọc tụng, và tâm chẳng chìm đắm hay hối tiếc, thì phải biết người ấy đã lắng nghe và thọ trì Kinh này từ đại hội này. Ở xóm làng hay thành ấp, họ cũng có thể rộng thuyết giảng và truyền bá cho người khác. Phải biết người ấy tất được chư Phật hộ niệm.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đối với Trí Độ sâu xa như thế mà có thể yêu mến tín thọ và tâm chẳng hoài nghi, thì tức là họ đã từ lâu tu học và gieo trồng căn lành ở nơi chư Phật quá khứ. Ví như có người dùng tay xỏ những hạt châu. Lòng của người ấy sẽ vô cùng vui mừng khi hốt nhiên gặp được bảo châu trân quý. Phải biết người ấy chắc chắn đã từng thấy châu báu như thế.

Cho nên, Đại Ẩm Quang! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đang tu học các Pháp khác mà bỗng nhiên nghe được Trí Độ sâu xa và có thể sanh tâm hoan hỷ thì cũng lại như vậy. Phải biết đó là bởi người ấy đã từng nghe qua.

Nếu có chúng sanh nào nghe được Trí Độ sâu xa này mà tâm có thể tín thọ và vui mừng khôn xiết, thì những người như thế cũng đã từng thân cận vô số chư Phật, rồi nghe được Trí Độ từ chư Phật và đã tu học. Ví như có người trước đây đã đi qua một thôn làng hoặc thành ấp kia. Về sau, người ấy nghe có người khen ngợi thành kia có những viên uyển, đủ mọi ao suối, hoa quả cây cối, và nhân dân nam nữ đều rất đáng yêu. Khi nghe rồi, người ấy liền rất vui mừng. Người ấy còn yêu cầu họ nói thêm về thành đó, như là các viên uyển, quan cảnh được trang trí xinh đẹp, ao suối, những loại hoa khác nhau, nhiều loại trái cây ngon ngọt, và muôn thứ trân bảo vi diệu; tất cả rất đáng yêu. Sau khi nghe lại một lần nữa, người ấy càng thêm vui mừng khôn xiết. Những ai vui mừng như thế thì đều là bởi đã từng thấy qua.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghe được Trí Độ này mà tín tâm lắng nghe, có thể thọ trì, sanh tâm hoan hỷ, vui thích nghe mà chẳng nhàm chán, và còn khuyến thỉnh thuyết giảng, thì phải biết những người ấy đã từng nghe Trí Độ như thế từ ngài Diệu Cát Tường."

Ngài Đại Ẩm Quang thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Vào đời vị lai, nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghe được Trí Độ sâu xa này, rồi tín thọ yêu mến, lắng nghe và thọ trì. Với tướng trạng như thế, phải biết người ấy cũng đã từng nghe qua và tu học ở chư Phật thuở quá khứ."

Ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Phật nói các pháp là vô tác vô tướng, là tịch diệt đệ nhất.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào mà có thể hiểu rõ nghĩa này như thế và thuyết giảng đúng như những gì đã nghe, họ sẽ được chư Như Lai khen ngợi. Lời họ nói chẳng trái nghịch với pháp tướng, và cũng chính là lời dạy của Phật. Đây cũng gọi là cháy sáng tướng của Trí Độ, và cũng gọi là cháy sáng đầy đủ Phật Pháp. Họ sẽ thông đạt thật tướng chẳng thể nghĩ bàn."

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Lúc hành Đạo Bồ-tát ở thuở xưa, ta đã gieo trồng các căn lành.

Những ai muốn trụ ở Địa không thoái chuyển thì hãy học Trí Độ.

Những ai muốn thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì hãy học Trí Độ.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn liễu giải tất cả pháp tướng và muốn biết hết thảy cảnh giới tâm của chúng sanh đều đồng nhau thì hãy học Trí Độ.

Này Diệu Cát Tường! Những ai muốn học tất cả Phật Pháp và thành tựu đầy đủ vô ngại thì hãy học Trí Độ.

Những ai muốn hiểu tướng hảo uy nghi và vô lượng Pháp thức của tất cả chư Phật khi thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì hãy học Trí Độ.

Những ai muốn biết hết thảy Pháp thức và các uy nghi của tất cả chư Phật trước khi thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì hãy học Trí Độ.

Vì sao thế? Bởi ở trong không pháp, họ chẳng thấy có chư Phật hay Bồ-tát.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào với tâm chẳng hoài nghi mà muốn biết các tướng như thế thì hãy học Trí Độ.

Vì sao thế? Bởi khi thực hành Trí Độ, họ chẳng thấy các pháp có sanh hay diệt, có tịnh hay cấu. Bởi vậy, các thiện nam tử và thiện nữ nhân hãy nên tu học Trí Độ như thế.

Những ai muốn biết hết thảy pháp đều chẳng có tướng của quá khứ, hiện tại, hay vị lai thì hãy tu học Trí Độ.

Vì sao thế? Bởi tánh và tướng của Pháp Giới đều chẳng có ba đời.

Những ai muốn biết hết thảy pháp đồng vào Pháp Giới và được tâm không ngăn ngại thì hãy tu học Trí Độ.

Những ai muốn được nghe ba lần chuyển Pháp Luân trong 12 tướng, và cũng muốn tự chứng biết mà chẳng chấp trước thì hãy tu học Trí Độ.

Những ai muốn được tâm từ rải khắp tất cả chúng sanh mà chẳng có giới hạn, và cũng không khởi niệm có tướng của chúng sanh thì hãy tu học Trí Độ.

Những ai muốn được chẳng khởi tranh luận với tất cả chúng sanh, và cũng lại chẳng nắm giữ tướng của không tranh luận thì hãy tu học Trí Độ.

Những ai muốn biết thị xứ phi xứ, Mười Lực, Bốn Không Sợ Hãi, an trụ trí tuệ của Phật, và được biện tài vô ngại thì hãy tu học Trí Độ."

Lúc bấy giờ ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Con quán sát Chánh Pháp là vô vi vô tướng, vô đắc vô lợi, vô sanh vô diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng người biết, chẳng người thấy, chẳng người tạo. Con không thấy Trí Độ và cũng không thấy cảnh giới của Trí Độ, không chứng biết hay chẳng phải không chứng biết. Con chẳng khởi phân biệt và chẳng hí luận. Hết thảy pháp là vô tận và lìa khỏi tận. Không pháp phàm phu, không Pháp Thanh Văn, không Pháp Độc Giác, và không Pháp của Phật; không chứng đắc hay chẳng phải không chứng đắc, không bỏ sanh tử, không chứng tịch diệt, không nghĩ bàn hay chẳng phải không nghĩ bàn, không làm hay chẳng phải không làm. Các pháp tướng như vậy, chẳng biết hành giả phải tu học Trí Độ như thế nào?"

Khi ấy Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Nếu ai có thể biết các pháp tướng như vậy thì gọi là tu học Trí Độ.

Nếu đại Bồ-tát muốn học Tuệ Giác Tự Tại Đẳng Trì, là vì khi đắc Đẳng Trì này, họ có thể chiếu sáng tất cả Phật Pháp sâu xa, biết hết thảy danh hiệu của chư Phật, và cũng liễu đạt các thế giới của chư Phật mà chẳng bị chướng ngại, thì hãy tu học Trí Độ như lời thuyết giảng của Diệu Cát Tường."

Ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Tại sao gọi là Trí Độ?"

Đức Phật dạy:

"Trí Độ là vô biên, không ranh giới, chẳng danh tự, chẳng hình tướng, chẳng suy lường, chẳng nương tựa, chẳng phải hòn đảo, chẳng tội hay phước, chẳng sáng hay tối. Ví như Pháp Giới, Trí Độ chẳng có phân chia và cũng chẳng có giới hạn. Do đó gọi là Trí Độ và cũng gọi là hành xứ của đại Bồ-tát. Không phải hành xứ hoặc chẳng phải không hành xứ, thảy đều vào Nhất Thừa và gọi là phi hành xứ.

Vì sao thế? Bởi vô niệm vô tác vậy."

Ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Phải tu hành như thế nào mới có thể mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?"

Đức Phật dạy:

"Này Diệu Cát Tường! Những ai tu hành đúng như Trí Độ đã thuyết giảng thì sẽ mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lại có Nhất Hành Đẳng Trì. Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào tu tập Đẳng Trì này thì cũng mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác."

Ngài Diệu Cát Tường bạch rằng:

"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Nhất Hành Đẳng Trì?"

Đức Phật dạy:

"Pháp Giới đồng một tướng. Hãy chú tâm nơi Pháp Giới thì gọi là Nhất Hành Đẳng Trì.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn vào Nhất Hành Đẳng Trì thì trước tiên hãy nghe về Trí Độ và như thuyết tu học. Rồi sau đó họ sẽ có thể vào Nhất Hành Đẳng Trì và đồng như duyên của Pháp Giới: không thoái chuyển, không hoại diệt, không thể nghĩ bàn, không bị chướng ngại, và không có hình tướng.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn vào Nhất Hành Đẳng Trì thì hãy ở nơi vắng vẻ, xả bỏ các loạn ý, chẳng nắm giữ tướng mạo, và nhất tâm chuyên niệm danh hiệu của một vị Phật. Họ hãy ngồi ngay ngắn hướng về phương xứ của vị Phật đó. Nếu có thể niệm niệm tương tục nơi một Đức Phật thì liền ở trong niệm đó, họ có thể thấy chư Phật quá khứ, hiện tại, cùng vị lai.

Vì sao thế? Bởi công đức của niệm một Đức Phật là vô lượng vô biên, và cũng đồng như công đức của niệm vô lượng chư Phật hoặc tư duy về Phật Pháp chẳng thể nghĩ bàn--không chút sai khác. Họ đều sẽ giác ngộ Chân Như, thành Tối Chánh Giác, và đầy đủ vô lượng công đức cùng vô lượng biện tài. Những ai vào Nhất Hành Đẳng Trì như thế, họ sẽ biết Pháp Giới của Hằng sa chư Phật đều không có tướng sai khác.

Như Khánh Hỷ nhờ nghe Pháp của Phật nên đắc Niệm Tổng Trì và biện tài trí tuệ. Ở trong Thanh Văn, ông ấy là đa văn đệ nhất. Nhưng sự chứng đắc của ông ấy có số lượng và giới hạn. Nếu ai đắc Nhất Hành Đẳng Trì, họ đều biết rõ chắc chắn và phân biệt từng mỗi Pháp môn ở trong các Kinh mà chẳng bị chướng ngại. Với trí tuệ và biện tài, họ có thể thuyết giảng chúng suốt ngày lẫn đêm mà chẳng hề gián đoạn. Biện tài và đa văn của Khánh Hỷ mà so với người đắc Đẳng Trì này thì không bằng một phần của trăm ngàn.

Chư đại Bồ-tát nên nghĩ như vầy:

'Làm sao ta mới được công đức chẳng thể nghĩ bàn và vô lượng danh xưng của Nhất Hành Đẳng Trì?'"

Đức Phật dạy:

"Đại Bồ-tát hãy niệm Nhất Hành Đẳng Trì và luôn chuyên cần tinh tấn mà chẳng lười biếng. Tu học theo thứ tự từng bước như thế, họ sẽ có thể vào được Nhất Hành Đẳng Trì và có công đức chẳng thể nghĩ bàn như là một sự chứng minh. Chỉ trừ những kẻ hủy báng Chánh Pháp, chẳng tin nghiệp ác, và có tội chướng thâm trọng thì chẳng thể vào Đẳng Trì này.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Ví như có người được bảo châu và người ấy đưa cho người thợ kim hoàn xem."

Người thợ kim hoàn nói rằng:

"Đây là trân bảo vô giá."

Người ấy liền căn dặn người thợ kim hoàn rằng:

"Ông hãy chà bóng nó. Đừng để nó mất ánh sáng và phai màu sắc."

Sau khi được người thợ kim hoàn chà bóng, châu sắc quang minh của nó ánh triệt từ trong ra ngoài.

Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào tùy thời tu học Nhất Hành Đẳng Trì để được công đức chẳng thể nghĩ bàn và vô lượng danh xưng, họ sẽ biết các pháp tướng và minh đạt vô ngại; công đức tăng trưởng của họ thì cũng lại như vậy.

Này Diệu Cát Tường! Ví như ánh sáng của vầng mặt trời chiếu khắp mà chẳng có suy giảm. Tương tự như vậy, nếu ai đắc Nhất Hành Đẳng Trì thì sẽ có thể đầy đủ tất cả công đức mà chẳng có thiếu hụt. Họ chiếu sáng Phật Pháp ví như ánh sáng của vầng mặt trời.

Này Diệu Cát Tường! Pháp của Ta thuyết giảng đều là một vị: vị lìa xa, vị giải thoát, và vị tịch diệt.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào đắc Nhất Hành Đẳng Trì này, thì những điều họ thuyết giảng cũng là một vị: vị lìa xa, vị giải thoát, và vị tịch diệt. Lời họ nói tùy thuận Chánh Pháp và chẳng có nhầm lẫn.

Này Diệu Cát Tường! Nếu đại Bồ-tát nào đắc Nhất Hành Đẳng Trì này thì đều sẽ trọn đủ các Pháp Trợ Đạo và mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lại nữa, Diệu Cát Tường! Nếu ai chẳng thấy Pháp Giới có tướng phân biệt hay một tướng, họ sẽ mau được tướng chẳng thể nghĩ bàn của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Những ai biết rằng ở trong Đạo này cũng không có sự chứng đắc của Phật Đạo, thì sẽ mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Những ai có thể nhẫn chịu, không sanh kinh sợ, cũng chẳng hoài nghi, và tin rằng hết thảy pháp đều là Phật Pháp, thì sẽ mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác."

Ngài Diệu Cát Tường bạch rằng:

"Bạch Thế Tôn! Nếu ai với nhân như thế thì sẽ mau được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?"

Đức Phật dạy:

"Chứng đắc của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chẳng phải dùng nhân mà được và cũng chẳng phải không dùng nhân mà được.

Vì sao thế? Bởi cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn thì chẳng phải dùng nhân mà được và cũng chẳng phải không dùng nhân mà được.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào nghe được lời nói đây mà chẳng sanh tâm lười biếng, thì phải biết người ấy đã từng gieo trồng những căn lành ở trước chư Phật.

Cho nên, nếu có những vị Bhikṣu hoặc Bhikṣuṇī nào nghe được lời thuyết giảng về Trí Độ sâu xa này mà chẳng sanh tâm sợ hãi, thì tức là đã theo Phật xuất gia.

Nếu Thanh Tín Nam hoặc Thanh Tín Nữ nào nghe được lời thuyết giảng về Trí Độ sâu xa này mà chẳng sanh tâm sợ hãi, thì tức là đã thành tựu nơi quy y chân thật.

Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào chẳng tu tập Trí Độ sâu xa, thì tức là chẳng tu học Phật Thừa. Hãy lấy đại địa làm thí dụ, tất cả dược thảo và cây cối đều nương nơi đất mà sanh trưởng.

Này Diệu Cát Tường! Đại Bồ-tát thì cũng lại như vậy. Tất cả thiện căn đều nương Trí Độ mà được tăng trưởng, và Trí Độ cũng khiến cho sự chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không bị trái nghịch."

Lúc bấy giờ ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Trong xóm làng và thành ấp của châu Thắng Kim, chúng con sẽ ở nơi nào để diễn nói Trí Độ sâu xa như thế?"

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Giả sử có ai nghe được Trí Độ ở trong đại hội này và đều phát thệ nguyện rằng:

"Vào đời vị lai, con sẽ luôn được tương ứng với Trí Độ và từ Trí Độ mà được tín giải. Trong đời vị lai, con cũng sẽ có thể nghe được Kinh này."

Ông phải biết người ấy chẳng phải đến từ căn lành nhỏ bé. Khi được nghe Trí Độ, họ có thể kham thọ và sanh tâm hoan hỷ.

Này Diệu Cát Tường! Nếu lại có người nghe được Trí Độ từ ông, thì nên nói như thế này:

'Ở trong Trí Độ không có Pháp Thanh Văn, Pháp Độc Giác, Pháp của Phật, và cũng không có pháp phàm phu hay những pháp sanh diệt.'"

Ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào đến hỏi con rằng:

'Như Lai thuyết giảng Trí Độ như thế nào?'

Con sẽ đáp rằng:

'Hết thảy mọi pháp chẳng có tướng tranh luận, thế thì làm sao Như Lai thuyết giảng Trí Độ?

Vì sao thế? Bởi không thấy có pháp để có thể cùng với pháp tranh luận, và cũng không có tâm thức của chúng sanh mà có thể biết.'

Lại nữa, Thế Tôn! Con sẽ lại thuyết giảng về thật tế cứu cánh.

Vì sao thế? Bởi tất cả pháp tướng đồng vào thật tế. Đạo Ưng Chân không phải là Pháp thù thắng đặc biệt.

Vì sao thế? Bởi Pháp của Ưng Chân và pháp phàm phu chẳng phải giống nhau hay khác nhau.

Lại nữa, Thế Tôn! Lời thuyết Pháp như thế thì không có chúng sanh đã được, hiện được, hay sẽ được tịch diệt.

Vì sao thế? Bởi chúng sanh không có tướng nhất định."

Ngài Diệu Cát Tường thưa rằng:

"Nếu có ai muốn nghe Trí Độ, con sẽ nói như vầy:

'Người nghe Trí Độ không khởi niệm, không chấp trước, không nghe, và không nắm bắt. Hãy không có chỗ phân biệt như người huyễn hóa.'

Ai nói như thế là chân thật thuyết Pháp. Cho nên người nghe chớ khởi hai tướng. Họ hãy tu học Phật Pháp mà chẳng bỏ các kiến giải. Họ chẳng nắm giữ Phật Pháp và cũng chẳng xả bỏ pháp phàm phu.

Vì sao thế? Bởi Phật và phàm phu, cả hai tướng đều là không, chẳng thể nắm giữ hay xả bỏ.

Nếu có ai hỏi con về Trí Độ, con sẽ nói an ủi như thế và kiến lập như thế. Thiện nam tử và thiện nữ nhân nên hỏi như thế, an trụ như thế với tâm không thoái chuyển hay chìm đắm. Họ nên diễn nói pháp tướng tùy thuận với Trí Độ."

Lúc bấy giờ Thế Tôn ngợi khen ngài Diệu Cát Tường:

"Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn thấy chư Phật thì nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai muốn thân cận chư Phật và như Pháp cúng dường thì nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai muốn nói rằng Như Lai là Thế Tôn của họ thì nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai muốn nói rằng Như Lai chẳng phải là Thế Tôn của họ thì cũng nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai muốn thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai chẳng muốn thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì cũng nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai muốn thành tựu tất cả Đẳng Trì thì nên tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai chẳng muốn thành tựu tất cả Đẳng Trì thì cũng nên tu học Trí Độ như thế.

Vì sao thế? Bởi Vô Nguyện Đẳng Trì không có tướng sai khác và cũng do hết thảy pháp đều chẳng có sanh diệt.

Nếu ai muốn biết tất cả pháp đều là giả danh, thì hãy tu học Trí Độ như thế.

Nếu ai với tâm không thoái chuyển và không chìm đắm, muốn biết hết thảy chúng sanh tu Đạo mà chẳng cầu tướng của Đạo, thì hãy tu học Trí Độ như thế.

Vì sao thế? Bởi tất cả pháp đều là tướng của Đạo.

Nếu ai với tâm không thoái chuyển và không chìm đắm, muốn biết tướng hành và chẳng hành của hết thảy chúng sanh, thì hãy tu học Trí Độ như thế--chẳng hành tức là Đạo; Đạo tức là Pháp Giới; Pháp Giới tức là thật tế.

Nếu ai muốn biết tất cả thần thông biến hóa của Như Lai đều chẳng có tướng, chẳng bị chướng ngại, và cũng chẳng có phương xứ, thì hãy tu học Trí Độ như thế."

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Nếu có những vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào không muốn đọa đường ác, họ nên học bốn câu kệ của Trí Độ, rồi thọ trì đọc tụng, và tùy thuận thật tướng mà giải thích cho người khác. Phải biết rằng thiện nam tử và thiện nữ nhân như thế sẽ nhất định đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và trụ ở cõi Phật.

Nếu ai nghe Trí Độ như thế mà chẳng kinh chẳng sợ và tâm sanh tín giải, thì phải biết những người ấy đã được Phật ấn khả với pháp ấn Đại Thừa, là sở hành của Phật.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào tu học pháp ấn này thì sẽ siêu việt đường ác và không vào Đạo của Thanh Văn hay Độc Giác--do bởi Pháp này siêu việt vậy."

Lúc bấy giờ vì để cúng dường Trí Độ, chư Như Lai, và ngài Diệu Cát Tường, Năng Thiên Đế ở trời Tam Thập Tam mang các diệu hoa cõi trời, như là hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen trắng, hoa vi diệu âm, và những loài hoa khác, cũng như hương đàn cõi trời và những loại hương bột khác, cùng với muôn loại vàng báu, và trỗi âm nhạc cõi trời.

Khi đã rải lên những phẩm vật để làm cúng dường như thế xong, thiên đế nguyện rằng:

"Con nguyện sẽ luôn nghe pháp ấn của Trí Độ."

Năng Thiên Đế lại nguyện rằng:

"Xin nguyện cho các thiện nam tử và thiện nữ nhân ở châu Thắng Kim sẽ luôn nghe được Phật Pháp quyết định ở trong Kinh này, cũng như đều làm cho họ tín giải, thọ trì đọc tụng, diễn nói cho người khác, và như thế sẽ được hết thảy chư thiên hộ vệ."

Lúc ấy Phật bảo Năng Thiên Đế:

"Này Kauśika [câu si ca]! Như thị, như thị! Các thiện nam tử và thiện nữ nhân đó nhất định sẽ được tuệ giác của chư Phật."

Ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào thọ trì như thế, họ sẽ được lợi ích to lớn và có vô lượng công đức."

Lúc bấy giờ do thần lực của Phật, khắp đại địa đều chấn động sáu cách. Khi ấy Đức Phật mỉm cười và phóng đại quang minh chiếu khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Tiếp đến ngài Diệu Cát Tường thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Đây chính là tướng mà Như Lai ấn chứng Trí Độ."

Đức Phật bảo:

"Như thị, như thị, Diệu Cát Tường! Sau khi thuyết giảng Trí Độ thì đều có điềm lành này xuất hiện, là để ấn chứng Trí Độ, khiến người thọ trì và cũng làm cho không một ai có thể tán thán hay hủy báng Trí Độ.

Vì sao thế? Bởi pháp ấn vô tướng thì chẳng thể tán thán hay hủy báng. Với pháp ấn này, Ta nay khiến cho các thiên ma chẳng thể thừa cơ trục lợi."

Lúc Phật nói lời ấy xong, chư đại Bồ-tát cùng bốn chúng đệ tử, khi nghe thuyết giảng về Trí Độ, họ hoan hỷ phụng hành.

Kinh Diệu Cát Tường Bồ-tát Thuyết Giảng Đại Trí Độ ♦ Hết quyển hạ


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Hoằng Thanh ở Thế Kỷ 5-6
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 22/11/2015 ◊ Cập nhật: 31/10/2023

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Bhikṣuṇī: bíc su ni
Kauśika: câu si ca
Đang dùng phương ngữ: BắcNam