Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá, cùng với 62.000 vị đại Bhikṣu [bíc su], 80 ức vị đại Bồ-tát, và 60 ức trăm ngàn Thanh Tín Sĩ từ nước Thiện Thắng.

Sau khi an cư mùa hạ kết thúc, lúc gần vào tịch diệt, Thế Tôn nhập Như Pháp Đẳng Trì. Sau khi đã nhập định, bấy giờ khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều treo trang nghiêm cờ hiệu với lọng che bằng lụa. Những bình hương báu được bày ra và trong ấy có đựng nhiều loại hương dùng để thoa. Rải ở khắp mọi nơi là những đóa hoa sen ngàn cánh.

Bấy giờ ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này, có 100.000 ức thiên chúng, các vị Đại Phạm Thiên Vương, và cùng với 100.000 ức quyến thuộc của họ đồng đi đến chỗ của Phật. Lúc đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Ngài, chắp tay hướng Phật, rồi đứng qua một bên.

Khi ấy lại có 100.000 ức thiên tử từ các cõi trời Tịnh Cư, Tự Tại Thiên Vương, Đại Tự Tại Thiên Vương, long vương, tiệp tật vương, phi thiên vương, kim sí điểu vương, nghi thần vương, đại mãng xà vương, và cùng với 100.000 ức quyến thuộc của họ đồng đi đến chỗ của Phật. Lúc đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Ngài, chắp tay hướng Phật, rồi đứng qua một bên.

Khi ấy lại có chư đại uy đức đại Bồ-tát nhiều như cát sông hằng ở khắp mười phương cùng đi đến chỗ của Phật. Lúc đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Ngài, chắp tay hướng Phật, rồi đứng qua một bên.

Bấy giờ ở Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này, cho đến bao gồm cả chư thiên ở trời Sắc Cứu Cánh cũng đều đến hội họp; số lượng đại chúng đầy kín và đến nỗi không còn chỗ trống nào.

Khi ấy lại có các vị đại uy lực khác, như là trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà cũng đều đến hội họp.

Lúc đó Thế Tôn với chánh niệm hiện tiền và từ Đẳng Trì dậy. Ngài quán toàn thể đại chúng và há miệng duỗi thân như sư tử chúa đến ba lần như thế.

Lúc bấy giờ từ ở khuôn mặt, Thế Tôn hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Sau khi Như Lai đã hiện thần thông, Ngài lại quán đại chúng.

Khi ấy tất cả đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay đảnh lễ, rồi đứng im lặng.



Lúc bấy giờ Phật bảo Từ Thị Đại Bồ-tát:

"Này Vô Năng Thắng! Chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ vào tịch diệt. Đương lúc Ta còn tại thế, đối với các Pháp mà ông có điều nghi vấn muốn hỏi thì nay chính là lúc. Chớ để sau khi Phật diệt độ mà sanh lòng hối tiếc."

Lúc bấy giờ Từ Thị Đại Bồ-tát thưa với Phật rằng:

"Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Ngài khéo biết chính là lúc. Đối với tất cả pháp, chư Phật Như Lai thảy đều thông triệt. Kính mong hãy tuyên nói, hầu sẽ khiến con mắt Pháp trụ lâu ở thế gian."

Khi ấy trong đại hội có Đại Tự Tại Thiên Tử và 80 ức thiên chúng từ các cõi trời Tịnh Cư, cùng với quyến thuộc vây quanh, họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Pháp môn Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì này đã từng được chư Phật Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri ở vào thuở quá khứ tuyên giảng. Kính mong Thế Tôn nay cũng diễn nói điều lợi ích an vui mà nó sẽ mang lại cho vô lượng trời người, và cũng hầu khiến cho Phật Pháp trụ lâu dài ở thế gian."

Khi đó Thế Tôn lặng yên hứa khả. Khi đã biết Phật hứa khả, Đại Tự Tại Thiên Tử vui mừng hớn hở, chắp tay đảnh lễ, rồi đứng qua một bên.



Lúc bấy giờ Phật bảo Từ Thị Đại Bồ-tát:

"Này Vô Năng Thắng! Pháp môn Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì này chẳng phải riêng một mình Ta nói, mà vô lượng chư Phật quá khứ, hiện tại, cùng vị lai ở các thế giới trong mười phương cũng luôn thuyết giảng.

Nếu có chúng sanh nào đối với lời Phật dạy mà nói rằng đó chẳng phải lời Phật dạy, cùng phỉ báng Pháp và Tăng, thì những kẻ phỉ báng ấy sẽ đọa đường ác để chịu khổ ở địa ngục."

Lúc bấy giờ Phật bảo Từ Thị Đại Bồ-tát:

"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào phát khởi Đạo tâm, thọ trì đọc tụng, và lại thuyết giảng cho người khác Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì này, thì phải biết người ấy sẽ không đọa đường ác."

Lúc bấy giờ Phật lại bảo Từ Thị Đại Bồ-tát:

"Này Vô Năng Thắng! Kể từ khi ở đêm Ta thành Phật cho đến thời gian sắp vào Vô Dư Y Tịch Diệt, có điều gì lãng quên mà khởi sanh nghiệp ác ở việc làm, lời dạy, ý niệm, và điều tư duy qua thân ngữ ý của Phật chăng?"

Từ Thị Bồ-tát thưa rằng:

"Dạ không, thưa Thế Tôn!"

Đức Phật bảo:

"Này Từ Thị! Đúng như lời ông nói. Kể từ khi Ta thành Phật cho đến tịch diệt, những gì Ta nói ở quãng thời gian đó thảy đều chân thật và tuyệt đối chẳng hư vọng.

Nếu có kẻ ngu nào không hiểu lời dạy phương tiện của Như Lai mà nói thế này:

'Pháp này như thế; Pháp này chẳng phải như thế.'

Rồi họ phỉ báng Chánh Pháp, cùng Phật và Bồ-tát. Ta nói những kẻ ấy đang hướng đến địa ngục."



Đức Phật bảo:

"Này Vô Năng Thắng! Sau khi Ta diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, hay Thanh Tín Nữ nào thật chẳng phải Bồ-tát mà tự xưng là Bồ-tát, thì họ chính là những kẻ ngoại đạo. Vào thuở quá khứ họ đã từng cúng dường chư Phật và do sức phát nguyện, mà được xuất gia ở trong giáo Pháp của Phật. Hễ đến nơi nào, họ chuyên cầu tiếng tăm và lợi dưỡng từ thân quyến và bạn bè. Họ phóng túng làm những việc ô uế và xả bỏ tín tâm. Họ gây tạo những việc ác mà chẳng thể tự cấm chế. Họ tham lam các lợi dưỡng mà chẳng thể tự điều phục. Đối với tất cả Pháp môn và Pháp sanh ra Đẳng Trì kiên cố, họ thảy đều xa lánh, chẳng hề biết đến, và vì thân thuộc mà vọng xưng hiểu biết. Lòng họ nịnh hót dối trá, miệng nói lời sai khác, và thân làm việc trái nghịch.

Này Vô Năng Thắng! Ở Phật Đạo của Ta, tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng và an trụ trong đại bi. Tuy đang dùng thiện xảo phương tiện, nhưng Ta không bao giờ mất chánh niệm. Như Lai an trụ trong sức lực không gì sánh bằng và thuyết Pháp cho họ vô chướng vô ngại.

Nếu có chúng sanh nào nói lời như vầy:

'Chư Bồ-tát không nên nghe, tu học, hay thọ trì Kinh điển mà Phật thuyết giảng cho Thanh Văn. Đó không phải là Chánh Pháp. Đó không phải là Chánh Đạo. Pháp của Độc Giác, Bồ-tát cũng không nên học.'

Họ lại nói rằng:

'Người tu Pháp Thanh Văn cũng không nên nghe, tu học, hay thọ trì Kinh điển mà Phật thuyết giảng cho chư Bồ-tát. Pháp của Độc Giác cũng lại như vậy.'

Họ lại nói rằng:

'Lời thuyết giảng của chư Bồ-tát, Thanh Văn và Độc giác không nên nghe hay thọ trì.'

Lời nói và hành vi của họ trái nghịch, chẳng tương ứng với Khế Kinh. Đối với lời nói như thật và Pháp giải thoát chân chánh, họ không thể tín thọ. Những ai theo pháp của họ còn chẳng được sanh lên trời, hà huống là giải thoát.

Này Vô Năng Thắng! Tùy theo tín tâm của chúng sanh, Ta nay thuyết Pháp để điều phục họ và số ấy nhiều như cát sông Hằng.

Này Vô Năng Thắng! Dù bây giờ Ta muốn đến các thế giới trong mười phương để tùy nghi thuyết Pháp và làm lợi ích cho chúng sanh, đó không phải vì những kẻ thật chẳng phải Bồ-tát mà giả làm Bồ-tát; cũng không phải vì những kẻ độc ác dối trá, người nghe chút ít Pháp, hay những ai ở trong Pháp của Ta mà nói lời trái nghịch.

Hoặc những kẻ nói lời trái nghịch sẽ nói như thế này:

'Đây là điều Bồ-tát nên học. Đó là điều Bồ-tát không nên học.'

Do hủy báng Phật Pháp Tăng nên sau khi mạng chung, những kẻ đó sẽ đọa địa ngục và trải qua nhiều trăm ngàn kiếp mà chẳng thể ra khỏi. Dù có được ra khỏi, nhưng họ sẽ sanh ở gia đình bần cùng. Vào đời vị lai, tuy được thọ ký, nhưng họ sẽ thành Chánh Đẳng Giác ở trong đời ác năm trược. Đây giống như Ta hôm nay ở trong sanh tử của đời ác năm trược mà thành Phật Đạo. Do bởi nhân duyên đó, ông hãy lắng nghe, tín thọ, và biết rằng hậu quả tùy thuận việc làm của bạn ác sẽ là như thế.



Này Vô Năng Thắng! Ta nhớ vào thuở quá khứ vô số kiếp, bấy giờ có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Vô Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi ấy thọ mạng của Đức Phật kia là 80.000 nayuta [na du ta] năm, và Ngài đã thuyết Pháp cho đại chúng trong suốt thời gian đó.

Lúc bấy giờ ở trong giáo Pháp của Vô Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai, có một vị Bhikṣu tên là Tịnh Mạng. Như một đại Pháp sư, ngài có thể tổng trì 14 ức Kinh điển và 6 triệu Kinh điển Đại Thừa. Lời nói của ngài thanh thoát mỹ diệu và biện tài vô ngại. Ngài chỉ dạy cho vô lượng vô biên chúng sanh để khiến họ được lợi ích an vui.

Khi sắp vào tịch diệt, Vô Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai bảo Bhikṣu Tịnh Mạng rằng:

'Trong đời vị lai, ông hãy hộ trì Chánh Pháp nhãn tạng của Ta.'

Khi Bhikṣu Tịnh Mạng đã thọ trì lời Phật dạy, suốt ngàn vạn năm sau khi Phật diệt độ, ngài thủ hộ và lưu thông bí tạng của chư Phật. Đối với Pháp môn Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì này, ngài thọ trì đọc tụng và thâm giải nghĩa thú. Tất cả chúng sanh ở trong 80.000 thành quách của thế giới kia, ngài cũng tùy theo ước nguyện của họ mà rộng tuyên giảng.

Lúc bấy giờ có một đại thành tên là Nhân Hiền. Bhikṣu Tịnh Mạng đến trong thành kia và tùy theo sở thích của 80 ức người ở đó mà thuyết Pháp cho họ. Lần lượt, 80 ức người ở trong thành ấy có được tín tâm thanh tịnh. 1 ức người trụ ở Phật Đạo. 79 ức người trụ ở Thanh Văn Thừa mà được điều phục.

Khi ấy có 10.000 vị Bhikṣu cùng đi theo Pháp sư Tịnh Mạng để tu hành Đạo.

Bấy giờ ở trong thành Nhân Hiền cũng có một vị Bhikṣu tên là Pháp, thọ trì 1.000 Kinh điển trong Đại Thừa Phương Quảng và đã đạt đến tĩnh lự thứ tư. Vị ấy chỉ dùng không pháp của Phương Quảng mà giáo hóa tất cả dân chúng ở trong thành kia, và chẳng thể dùng thiện xảo phương tiện để tùy nghi thuyết Pháp.

Vị ấy đã thốt ra lời thế này:

'Tất cả pháp thảy đều không tịch. Những gì ta nói mới đúng là lời của Phật. Còn những gì Bhikṣu Tịnh Mạng kia nói là tạp uế bất tịnh. Vị Bhikṣu đó thật chẳng phải tịnh mạng mà xưng là Tịnh Mạng.

Vì sao thế? Bởi vị Bhikṣu đó giữ các đóa hoa để dùng cho riêng mình mà không mang đi cúng dường. Còn đối với hương xoa và hương bột cũng lại như vậy. Bhikṣu Tịnh Mạng đó ngu si dốt nát, và chẳng hề biết ta đã từ lâu tu tịnh hành. Tuổi của hắn còn nhỏ và xuất gia chưa được bao lâu, nhưng lại ngã mạn bất tín và phóng túng bừa bãi. Chỉ những kẻ nào không chút hiểu biết mới bảo Tịnh Mạng là một vị Bhikṣu trì giới.'

Lúc bấy giờ, do vị Bhikṣu ấy dùng ác tâm hủy báng người trì Pháp, nên sau khi mạng chung bị đọa địa ngục và chịu toàn thống khổ suốt 70 kiếp. Khi đã hết 70 kiếp, lại đọa ở chốn bàng sanh. Trải qua 60 kiếp nữa, vị Bhikṣu ấy mới gặp Đức Phật Hương Bảo Quang, và phát khởi Đạo tâm ở trong giáo Pháp của Ngài. Suốt 90.000 đời sau đó, vị Bhikṣu ấy vẫn tiếp tục đọa ở chốn bàng sanh. Khi đã trải qua 90.000 đời thì mới được sanh vào loài người. Dù được thân người, nhưng suốt 60.000 đời phải chịu bần cùng hạ tiện và luôn chẳng có lưỡi.

Trái lại, Bhikṣu Tịnh Mạng thì được tín tâm thanh tịnh ở trong các Pháp và vẫn thuyết Pháp cho người khác. Sau đó, ngài gặp 63 nayuta chư Phật. Ngài thường luôn làm vị Pháp sư với đầy đủ năm loại thần thông, và khuyến thỉnh chư Phật kia chuyển diệu Pháp luân.

Này Vô Năng Thắng! Ông nay nên biết rằng, chớ có nghĩ Bhikṣu Tịnh Mạng thuở đó là người nào khác, nay chính là Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Này Vô Năng Thắng! Ông nay nên biết rằng, chớ có nghĩ Bhikṣu Pháp thuở đó là người nào khác, nay chính là Ta đó.

Do quá khứ ta ngu si vô trí mà hủy báng người khác, nên phải chịu khổ như thế. Bởi nhân duyên của nghiệp báo đó, nên Ta thành Chánh Đẳng Giác ở trong đời ác năm trược.

Cho nên, Vô Năng Thắng! Nếu có Bồ-tát nào ở trong các Pháp mà nói lời trái nghịch, thì do bởi nhân duyên ấy, về sau họ sẽ thành Phật Đạo ở trong đời ác năm trược. Ở trong cõi Phật đó sẽ có chúng ma, và khi họ thuyết Pháp thì chúng sẽ luôn gây chướng ngại."

Khi đại chúng nghe Phật nói xong, họ thảy đều than khóc, nước mắt hòa chung với nước mũi chảy xuống, và đồng nói lời như vầy:

"Nguyện chúng con ở trong Phật Pháp sẽ không nói lời trái nghịch như vị Bhikṣu Pháp kia."



Lúc đó trong đại hội có một 100 vị Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ sát đất và rơi lệ thương cảm.

Bấy giờ Thế Tôn tuy biết nhưng vẫn hỏi các vị Bồ-tát kia rằng:

"Thiện nam tử! Vì sao các ông thương cảm như thế?"

Khi ấy các vị Bồ-tát đó với dị khẩu đồng âm và đồng bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Chúng con tự quán sát và cũng có các nghiệp chướng xấu ác đó."

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lời như vầy:

"Như thị, như thị! Vào thuở quá khứ ở trong giáo Pháp của Đức Phật Nhiên Đăng, các ông cũng đã từng xuất gia tu Đạo. Sau khi Đức Phật Nhiên Đăng diệt độ, có một vị Bhikṣu tên là Trí Tích. Thuở đó các ông đã hủy báng vị Bhikṣu này. Bởi vậy mà kể từ đó, các ông không thấy được Phật, không thể phát khởi Đạo tâm, và không đắc Tổng Trì cùng các Đẳng Trì. Từ đây về sau, các ông sẽ đồng an trụ trên con đường tuệ giác.

Thiện nam tử các ông sẽ ở nơi của Đức Phật sau cùng trong kiếp Hiền này mà đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Sau đó, các ông sẽ trải qua ba vô số kiếp để hành Đạo Bồ-tát, và sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.



Bởi vậy, thiện nam tử! Nếu có Bồ-tát nào thấy những vị Bồ-tát khác, họ không nên khởi tâm đây với kia. Thay vào đó, họ nên nghĩ tưởng như thấy tháp và nghĩ tưởng như thấy Phật.

Cho nên, khi Bồ-tát thấy những vị Bồ-tát khác, họ chớ khởi niệm phân biệt mà xem những vị khác chẳng phải như Phật. Nếu ai khởi niệm phân biệt thì sẽ tổn hại chính mình. Các ông nên thọ trì lời này, chớ khởi niệm phân biệt, và hãy cùng nhau hòa thuận.

Nếu Ta nghĩ rằng các vị sơ phát tâm Bồ-tát chẳng bằng như Phật, Ta tất sẽ lừa dối hết thảy vô lượng vô số chư Phật hiện tại ở các thế giới trong mười phương.

Vì thế, thiện nam tử! Trong đời ác năm trược ở vị lai, nếu Bồ-tát nào đắc Tổng Trì và các Đẳng Trì, phải biết tất cả đều là uy lực của Phật.

Do đó, thiện nam tử! Nếu có ai phỉ báng vị Pháp sư kia thì tức là phỉ báng Phật--không chút sai khác.

Thiện nam tử! Sau khi Phật diệt độ, nếu có vị Pháp sư nào khéo tùy theo ước muốn của người khác mà thuyết Pháp cho họ, có thể khiến các Bồ-tát tu học Pháp Đại Thừa, hoặc làm cho các đại chúng phát khởi tâm hoan hỷ chừng bằng sợi lông, hay thậm chí khiến ai tạm rơi một giọt lệ đối với Pháp, thì phải biết đều là thần lực của Phật.



Nếu có kẻ ngu nào thật chẳng phải Bồ-tát mà tự xưng là Bồ-tát, rồi phỉ báng vị Bồ-tát chân chánh cùng với Pháp tu hành của họ, và còn nói lời thế này:

'Hắn mà biết cái gì? Hắn mà hiểu cái gì?'

Này Từ Thị! Nhớ vào thuở quá khứ khi học Đạo Bồ-tát ở châu Thắng Kim, ta rất yêu mến và kính trọng Pháp. Chỉ vì một câu hay một bài kệ mà ta đã xả bỏ những thứ yêu quý nhất, như là đầu, mắt, vợ, con, và ngôi vua.

Vì sao thế? Bởi là để cầu Pháp.

Như kẻ ngu kia chỉ chuyên cầu danh tiếng, tham lam lợi dưỡng, và tự tin vào khả năng kém cỏi của mình, họ không đến chỗ của người truyền dạy giáo Pháp của Như Lai để lắng nghe và thọ trì Chánh Pháp.

Này Từ Thị! Nếu kẻ hủy báng và người bị hủy báng hòa thuận với nhau, họ sẽ có thể thọ trì và lưu thông Pháp của Ta. Song nếu cả hai tranh đấu, Chánh Pháp tất sẽ không phát huy.

Này Vô Năng Thắng! Ông hãy quán sát những kẻ hủy báng Pháp. Do gây tạo nghiệp tội tày trời như thế, họ sẽ đọa ba đường ác và khó có thể ra khỏi.



Lại nữa Từ Thị! Lúc mới thành Đạo, Ta dùng trí tuệ vi diệu để rộng tuyên thuyết Chánh Pháp cho chúng sanh.

Nếu có kẻ ngu nào đối với lời Phật dạy mà chẳng tín thọ, họ sẽ như vị Bhikṣu Pháp kia. Tuy cũng có đọc tụng 1.000 Kinh điển Đại Thừa, thuyết giảng cho người khác, và đã đạt đến tĩnh lự thứ tư, song do hủy báng người khác nên suốt 70 kiếp phải chịu khổ não khôn xiết. Huống nữa là kẻ ngu si và hạ liệt kia thật chẳng biết gì về Pháp.

Họ nói lời thế này:

'Ta là vị Pháp sư thông hiểu và có thể rộng lưu truyền Pháp Đại Thừa.'

Họ hủy báng vị Pháp sư chân chánh và nói rằng ngài chẳng hiểu biết gì. Vì cao ngạo tự đại, họ cũng hủy báng Phật Pháp.

Nếu kẻ ngu kia phỉ báng dù chỉ một bài kệ bốn câu trong Phật Pháp Đại Thừa, phải biết rằng do nghiệp đó, họ nhất định sẽ đọa địa ngục.

Vì sao thế? Bởi họ hủy báng Phật Pháp và Pháp sư. Do bởi nhân duyên ấy, họ sẽ luôn đọa đường ác và vĩnh viễn chẳng thấy Phật. Do đã từng phỉ báng Phật Pháp Tăng, người ấy cũng có thể gây chướng ngại cho những ai mới phát khởi Đạo tâm và khiến họ phải thoái chuyển nơi Chánh Đạo.

Ông phải biết người ấy dùng nghiệp tội tày trời mà trang nghiêm cho bản thân và sẽ đọa địa ngục để chịu quả báo khổ đau khôn xiết trong vô lượng kiếp. Do dùng ánh mắt ác độc để trợn nhìn người phát khởi Đạo tâm nên thọ quả báo không có mắt. Do dùng lời nói ác độc để hủy báng người phát khởi Đạo tâm nên thọ quả báo không có lưỡi.

Này Vô Năng Thắng! Ta chưa bao giờ thấy có một pháp ác nào mà có thể vượt hơn trọng tội của sự hủy báng và phá hoại Đạo tâm của người khác. Dù chỉ với tội này thôi cũng khiến họ đọa đường ác. Hà huống là tội hủy báng các vị Bồ-tát khác.

Nếu có Bồ-tát nào có thể thuyết giảng Pháp như thật cho các chúng sanh, thì không nên khởi cái thấy đoạn diệt hay cái thấy thường hằng, mà nói rằng chúng sanh chắc chắn tồn tại hay chắc chắn không tồn tại, và cũng không nên giữ chặt các pháp là có hoặc không.

Này Vô Năng Thắng! Những ai tu học Đạo Bồ-tát thì nên trụ như vậy. Những ai trụ như thế chính là nghiệp lành thanh tịnh của chư Bồ-tát. Phàm có tu tập điều gì thì đều không nên chấp trước.

Nếu có chúng sanh nào khởi tâm chấp trước, thì phải biết người ấy sẽ sanh trong đời ác năm trược.



Lại nữa, Bồ-tát nào khéo tùy theo căn tánh và điều mong mỏi của chúng sanh, thì sẽ có thể thuyết giảng đủ mọi Pháp cho họ.

Này Vô Năng Thắng! Bồ-tát nào tu hành đầy đủ Sáu Độ như thế thì mới có thể thành tựu Đạo vô thượng.

Những kẻ ngu si kia giữ chặt điều tin tưởng của họ mà nói lời thế này:

'Bồ-tát chỉ nên học Trí Độ và chớ học các Pháp Đến Bờ Kia khác, bởi vì Trí Độ là thù thắng nhất.'

Lời lẽ của những ai nói như thế là không đúng.

Vì sao thế, Vô Năng Thắng? Thuở xưa khi tu Đạo Bồ-tát, vua Kāśīka [ca si ca] đã xả bỏ những thứ yêu quý nhất, như là đầu, mắt, xương, não. Lúc ấy, vị vua này có trí tuệ chăng?"

Ngài Từ Thị thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Đúng như lời Đại Thánh nói, vị ấy thật sự có trí tuệ."

Phật bảo ngài Vô Năng Thắng:

"Từ xưa đến nay, trải qua vô lượng thời gian, ta đã tu hành trọn đủ Sáu Độ. Nếu chẳng tu hành trọn đủ Sáu Độ, ta vĩnh viễn sẽ không thành Đạo vô thượng."

"Dạ vâng, thưa Thế Tôn!"

Phật bảo ngài Vô Năng Thắng:

"Đúng như lời ông nói. Thuở xưa ta đã từng tu hành Bố Thí Độ, Tịnh Giới Độ, An Nhẫn Độ, Tinh Tấn Độ, Tĩnh Lự Độ, và Diệu Tuệ Độ; mỗi Pháp Đến Bờ Kia như thế là 60 kiếp.

Những kẻ ngu si kia nói lời xằng bậy mà cho rằng chỉ cần tu hành Trí Độ thì sẽ được thành Phật Đạo. Thật không có việc ấy! Do họ ôm giữ không kiến nên mới bất tịnh thuyết Pháp như thế. Nghiệp từ thân ngữ ý của những kẻ nói kia trái nghịch với Pháp. Mặc dù họ giải thích không pháp cho người khác, nhưng đối với không pháp, họ chẳng như thuyết tu hành. Do chẳng như thuyết tu hành, họ lìa xa nghĩa lý chân thật của không, ôm lòng ganh ghét, tham lam lợi dưỡng, và lai vãng nơi thân thuộc.



Này Vô Năng Thắng! Thuở xưa khi làm vua Chuyển Luân, mặc dù ta đã xả bỏ các trân bảo và đầu mắt tay chân, song vẫn không thành Đạo vô thượng. Huống chi những kẻ ngu si kia vì thức ăn nước uống mà đến nhà người khác hóa duyên và nói những lời như thế. Họ chỉ tán thán không pháp. Họ bảo rằng những gì họ nói là Phật Đạo, là Bồ-tát hành. Họ nói, duy nhất Pháp này là đúng, còn các Pháp khác là sai.

Họ lại nói rằng:

'Sự hiểu biết của tôi đã được vô lượng Pháp sư thảy đều biết và chứng giám.'

Chỉ vì danh tiếng, những kẻ đó tự ca tụng chính mình mà nói rằng họ đã hiểu rõ căm ghét và đố kỵ.

Này Vô Năng Thắng! Ta thấy tâm của họ truy cầu lợi dưỡng để mưu sinh cho bản thân. Dù có trải qua 100 kiếp làm việc lành, họ còn chẳng thể được một chút Pháp Nhẫn. Hà huống lại có thể thành Đạo vô thượng.

Này Vô Năng Thắng!
- Ta chẳng phải vì những kẻ dối gạt với lời nói và ý nghĩ trái nghịch mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ đố kỵ mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ cao ngạo, ngã mạn, và bất kính mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ bất tín mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ không điều phục mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ tà dâm mà thuyết giảng Đạo.

- Ta chẳng phải vì những kẻ cho mình là đúng còn người khác thì sai mà thuyết giảng Đạo.


Này Vô Năng Thắng! Những kẻ ngu si kia do ngã mạn nên tự cho mình còn hơn Phật. Thế là họ hủy báng lời Phật dạy trong Kinh điển Đại Thừa và bảo rằng đó là lời dạy của Thanh Văn thuộc Nhị Thừa."



Lúc bấy giờ Phật bảo Tôn giả Thiện Hiện:

"Ông không nên thuyết giảng Trí Độ cho những kẻ nhị kiến."

Ngài Thiện Hiện thưa với Phật rằng:

"Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Đúng như lời Phật dạy."

Đức Phật bảo:

"Như thị, Thiện Hiện! Làm bố thí với tâm không chấp trước, đó gọi là Đạo."

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

"Dạ vâng, thưa Thế Tôn!"

Đức Phật bảo:

"Này Thiện Hiện! Làm bố thí mà không khen mình chê người, đó gọi là Đạo."

Ngài Thiện Hiện thưa rằng:

"Dạ vâng, thưa Thế Tôn!"

Đức Phật bảo:

"Này Thiện Hiện! Khi ông thấy kẻ ngu nào vì thương yêu thân quyến mà tham cầu cho cuộc sống, chấp ngã và ngã sở, và ưa thọ đồ cúng dường từ người khác mà không biết xấu hổ hay hổ thẹn, thì phải biết kẻ ấy chuyên tạo nghiệp ác.



Lại nữa, Vô Năng Thắng! Bồ-tát nên đối với tất cả pháp như vầy:

- Đối với tất cả Pháp của Bồ-tát chớ sanh sợ hãi.

- Đối với tất cả Pháp của Độc Giác cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tất cả Pháp của Thanh Văn cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tất cả pháp của phàm phu cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tất cả pháp phiền não cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tất cả pháp tận diệt cũng chớ sợ hãi.

- Đối với những việc khó tinh tấn cũng chớ sợ hãi.

- Đối với đúng hay sai cũng chớ sợ hãi.

- Đối với làm hay chẳng làm cũng chớ sợ hãi.

- Đối với sợ hay chẳng sợ cũng chớ sợ hãi.

- Đối với có hay không cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tâm hay phi tâm cũng chớ sợ hãi.

- Đối với giác hay mê cũng chớ sợ hãi.

- Đối với nghiệp hay chẳng nghiệp cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tốt hay xấu cũng chớ sợ hãi.

- Đối với an hay loạn cũng chớ sợ hãi.

- Đối với giải thoát hay chẳng giải thoát cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tu hay chẳng tu cũng chớ sợ hãi.

- Đối với Pháp hay chẳng phải Pháp cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tĩnh hay động cũng chớ sợ hãi.

- Đối với giả hay thật cũng chớ sợ hãi.

- Đối với tín hay bất tín cũng chớ sợ hãi.

- Đối với niệm lành hay niệm ác cũng chớ sợ hãi.

- Đối với trụ hay bất trụ cũng chớ sợ hãi.


Và như thế, Bồ-tát nên đối với tất cả pháp chớ sanh sợ hãi.



"Này Vô Năng Thắng! Do thuở xưa ta đã tu các Pháp vô úy như thế nên được thành chánh giác. Ta đều có thể biết rõ mọi cảnh giới trong tâm của hết thảy chúng sanh và đối với những điều biết đó chẳng khởi sanh cái tướng của biết. Tùy theo căn cơ của chư Bồ-tát mà Ta diễn nói Pháp chứng ngộ của Như Lai, hầu khiến cho những ai nghe Pháp có thể đắc Pháp ấn Quang Minh Tổng Trì. Do đắc pháp ấn này, họ vĩnh viễn sẽ không thoái chuyển.

Nếu ai đối với Pháp vô úy này mà chẳng biết như thật và lời nói chẳng thiện xảo, họ sẽ không bao giờ chứng đắc Đạo vô thượng.

Này Vô Năng Thắng! Khi Ta thuyết Pháp cho các chúng sanh trong bốn châu thiên hạ, do thần lực của Phật, mỗi người họ tự thấy Năng Nhân Như Lai chỉ thuyết Pháp cho riêng mình. Thứ tự như vậy cho đến trời Sắc Cứu Cánh, các chúng sanh kia cũng bảo rằng Như Lai chỉ thuyết Pháp cho riêng mình. Từ một của bốn châu thiên hạ cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới cũng lại như thế.

Tất cả chúng sanh ấy đều nghĩ rằng:

'Năng Nhân Như Lai đã sanh ở trong nước ta, và chỉ chuyển đại Pháp luân cho ta.'

Này Vô Năng Thắng! Với sức đại phương tiện như thế, thường vào buổi sáng sớm, Ta có thể quán khắp chúng sanh trong vô lượng vô biên thế giới và thuyết Pháp cho những ai đáng hóa độ. Ở giữa trưa và lúc tối, Ta luôn dùng Pháp nhãn mà bình đẳng quán sát chúng sanh và thuyết tất cả pháp cho chúng sanh ở trong thế giới của họ.

Chư Phật có vô lượng cảnh giới như thế. Hết thảy chúng sanh nào đang học Đạo Bồ-tát thì nên tu hành như vậy.

Những kẻ ngu nào phỉ báng Chánh Pháp của Phật dạy, họ chấp vào cái hiểu biết sai lầm của mình mà cho là đúng. Những kẻ phỉ báng Pháp sẽ không tin Phật. Do bởi nghiệp ác này, họ sẽ đọa địa ngục để chịu toàn thống khổ và vĩnh viễn chẳng nghe Pháp.

Lại nữa, Vô Năng Thắng! Ông nên thọ trì mật giáo của Như Lai và với thiện xảo phương tiện mà rộng thuyết giảng cho người khác."



Lúc bấy giờ Đồng tử Diệu Cát Tường, Phước Quang Bình Đẳng Bồ-tát, Vô Nghi Hoặc Bồ-tát, Định Phát Tâm Bồ-tát, Diệu Tâm Khai Ý Bồ-tát, Quang Minh Bồ-tát, Hoan Hỷ Vương Bồ-tát, Vô Úy Bồ-tát, Tâm Niệm Biến Đáo Vô Biên Phật Sát Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, Hương Tượng Bồ-tát, Diệt Nhất Thiết Ác Nghiệp Bồ-tát, Trụ Định Bồ-tát, Bách Thiên Công Đức Trang Nghiêm Bồ-tát, Diệu Âm Viễn Văn Bồ-tát, Nhất Thiết Trí Bất Vong Bồ-tát, Đại Danh Viễn Chấn Bảo Tràng Trang Nghiêm Bồ-tát, Cầu Nhất Thiết Pháp Bồ-tát, Trụ Phật Cảnh Giới Bồ-tát, Nguyệt Quang Trang Nghiêm Bồ-tát, Nhất Thiết Thế Gian Đại Chúng Trang Nghiêm Bồ-tát, và chư đại Bồ-tát khác như thế đồng thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời Đại Thánh nói. Khi du hành qua 60 Hằng Hà sa cõi Phật về phương đông và ở nơi của các Đức Phật đó, chúng con đều cung kính lễ bái. Và mỗi cõi Phật, chúng con chỉ thấy Năng Nhân Như Lai xuất hiện ở thế gian. Tiếp đến suốt bảy ngày, chúng con du hành khắp các quốc độ trong mười phương, nhưng vẫn chỉ thấy Năng Nhân Như Lai xuất hiện ở thế gian mà không thấy Đức Phật nào khác. Khi đã du hành khắp nơi xong, chúng con trở về quốc độ của mình để lắng nghe và thọ trì Chánh Pháp."

Lúc bấy giờ Phật bảo Đồng tử Diệu Cát Tường:

"Ông nay hãy quán sát tường tận. Trí tuệ của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới của Như Lai cũng chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới không gì sánh bằng như thế là Pháp của Như Lai.

Những kẻ ngu si kia nói lời thế này:

'Duy nhất Trí Độ là hành Pháp của Như Lai, là hành Pháp của Bồ-tát, và là hành Pháp của cam lộ.'"

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Ai nói như thế tức là trái nghịch với Pháp.

Vì sao thế? Bởi Pháp tu hành của Bồ-tát rất khó viên mãn.
- Tu hành không chấp trước là Bồ-tát hành.

- Tu hành vô ngã và vô ngã sở là Bồ-tát hành.

- Tu hành không là Bồ-tát hành.

- Tu hành vô tướng là Bồ-tát hành.


Này Diệu Cát Tường! Các sự tu hành như thế là Bồ-tát hành. Những ai đang học Đạo Bồ-tát thì nên thọ trì như vậy.

Nếu những kẻ ngu nào ôm giữ tà kiến, ông phải biết người ấy chẳng hiểu Pháp của Ta.

Này Diệu Cát Tường! Chư Bồ-tát các ông hãy thủ hộ thân ngữ ý và chớ buông lung theo pháp ác. Hãy giữ tâm mình kiên cố và đừng khiến thoái chuyển. Các ông hãy thuyết Pháp đầy đủ cho các chúng sanh và cũng nên tự mình trụ ở trong Pháp. Từ thuở xa xưa trong vô số kiếp, Ta đã thành tựu viên mãn Đạo vô thượng. Với thiện xảo phương tiện, Ta rộng thuyết giảng cho người khác và khiến các chúng sanh xa lìa đường ác.



Này Diệu Cát Tường! Nếu có kẻ ngu nào hủy báng Pháp vi diệu thì cũng chính là hủy báng Phật và cũng gọi là hủy báng Tăng.

Họ lại nói rằng:

'Pháp này là đúng; Pháp kia là sai.'

Ai nói như thế cũng gọi là hủy báng Pháp.

'Pháp này thuyết cho Bồ-tát; Pháp kia thuyết cho Thanh Văn.'

Ai nói như thế cũng gọi là hủy báng Pháp.

'Đây là Pháp tu học của Bồ-tát; đó không phải là Pháp tu học của Bồ-tát.'

Ai nói như thế cũng gọi là hủy báng Pháp.

Họ lại nói rằng:

'Phật quá khứ đã diệt, Phật vị lai chưa đến, Phật hiện tại chẳng trụ, chỉ riêng ta đắc Pháp Tổng Trì.'

Ai nói như thế cũng gọi là hủy báng Pháp.

Do bởi hủy báng Pháp, việc họ nói rằng đã đắc Tổng Trì là pháp bất tịnh.

- Họ hủy báng Pháp tu hành của Pháp sư chân chánh.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng ngài tuy có trí tuệ hiểu biết nhưng lời nói và hành vi trái nghịch.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng việc làm của ngài trái nghịch với Đạo.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng thân ngài không trì giới.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng tâm ngài không có trí tuệ.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng ý ngài chẳng hiểu rõ.

- Họ lại hủy báng Pháp sư, nói rằng ngài chẳng có biện tài.


Còn đối với văn tự do Như Lai thuyết giảng, tâm họ đều chẳng tín thọ.

Họ lại nói rằng:

'- Kinh này là đúng; Kinh kia là sai.

- Bài kệ này là đúng; bài kệ kia là sai.

- Pháp này có thể tin; Pháp kia chẳng thể tin.'


Khi thấy ai giảng Chánh Pháp, họ nói dối mà bảo là dị luận. Đối với ai nghe Chánh Pháp, họ gây tạo chướng ngại:

'- Đây là tu hành; kia chẳng phải tu hành.

- Đây là thành tựu; kia chẳng phải thành tựu.

- Đây là đúng lúc; kia chẳng phải đúng lúc.'


Những lời lẽ như thế đều gọi là hủy báng Pháp.



Lại nữa, Diệu Cát Tường! Chẳng kể là Thanh Văn thuyết Pháp hay Bồ-tát thuyết Pháp, ông phải biết đây đều là do sức hộ niệm và uy thần của Như Lai, nên khiến cho chư Bồ-tát và các vị khác thuyết giảng như thế.

Này Diệu Cát Tường! Dù Phật còn tại thế mà cũng có những kẻ ngu phỉ báng. Hà huống là sau khi Ta diệt độ. Làm sao các vị Pháp sư thọ trì Pháp của Ta mà chẳng bị phỉ báng?

Vì sao thế? Bởi những kẻ ngu đó là quyến thuộc của ma. Ông phải biết rằng những kẻ đó sẽ đọa đường ác.

Những kẻ ngu kia tham cầu lợi dưỡng để nuôi sống thân thuộc. Đối với Pháp của Như Lai, chẳng những tâm họ hoàn toàn không tin mà còn phá hoại giáo Pháp của Như Lai. Với lòng trung thành của thân tộc, thân quyến của những kẻ kia đến nhà của Phạm Chí và trưởng giả để ngợi khen mấy kẻ ngu kia, rằng họ có thể biết, có thể hiểu, và khéo thuyết giảng Pháp cùng nghĩa của nó cho người khác. Họ thọ nhận lòng tin tưởng và cúng dường của người khác mà chẳng hề xấu hổ hay hổ thẹn. Do bởi hủy báng Pháp, chính họ và quyến thuộc đều đọa địa ngục.



Này Diệu Cát Tường!
- Ta chẳng phải vì những kẻ bất tín mà thuyết giảng Bồ-tát hành.

- Ta chẳng phải vì những kẻ tham chấp đời sống tại gia mà thuyết giảng Pháp thanh tịnh.

- Ta chẳng phải vì những kẻ nhị kiến mà thuyết giảng Pháp giải thoát.

- Ta chẳng phải vì những kẻ nhất kiến mà thuyết giảng Pháp xuất thế.

- Ta chẳng phải vì những kẻ ưa thích thế tục mà thuyết giảng Pháp chân thật và thanh tịnh.


Này Diệu Cát Tường! Với tâm không chấp trước, Ta diễn nói Pháp môn nhiều như cát sông Hằng cho chúng sanh.

Lại với tâm dường như chấp trước, Ta diễn nói Pháp môn nhiều như cát sông Hằng cho chúng sanh.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích không pháp, Ta thuyết không pháp cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích trí tuệ, Ta thuyết Pháp trí tuệ cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích vô tướng, Ta thuyết Pháp vô tướng cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích có tướng, Ta thuyết Pháp có tướng cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích từ bi, Ta thuyết Pháp từ bi cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích nhân duyên, Ta thuyết Pháp nhân duyên cho họ.

- Nếu có chúng sanh nào ưa thích không nhân duyên, Ta thuyết Pháp không nhân duyên cho họ.


- Đây là Pháp có uy nghi.

- Đây là pháp không uy nghi.

- Đây là không pháp.

- Đây là hữu pháp.

- Đây là pháp hữu vi.

- Đây là Pháp vô vi.

- Đây là Pháp nhiếp thọ.

- Đây là pháp ngăn che.

- Đây là pháp phàm phu.

- Đây là Pháp thánh nhân.

- Đây là pháp hình sắc.

- Đây là pháp bất thiện.

- Đây là pháp kẻ ngu.

- Đây là pháp quyết định."


Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Tất cả pháp như thế là Đạo của Trí Độ. Lời nói của những kẻ ngu kia hủy báng Chánh Pháp của Phật, và không thuận theo giáo Pháp chân thật và thanh tịnh của Như Lai."



Lúc bấy giờ Đồng tử Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, do kẻ ngu như thế gần gũi bạn ác nên khởi sanh phỉ báng.

Nếu là thế, thưa Thế Tôn! Với nhân duyên gì mà có thể tránh đi lỗi lầm này?"

Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

Vào thuở xưa, ngày đêm sáu thời trong suốt bảy năm, ta sám hối trọng tội đã làm của nghiệp từ thân ngữ ý. Từ đó về sau mới được thanh tịnh và trải qua mười kiếp mới đắc pháp nhẫn.

Này Diệu Cát Tường! Ông nên biết rằng Kinh này là Bồ-tát Thừa. Nó có thể khiến những ai chưa giác ngộ sẽ được giác ngộ. Nếu ai nghe giảng Kinh này mà chẳng tín thọ và do nhân duyên hủy báng đó, họ sẽ đọa đường ác. Chư Bồ-tát cần hiểu rõ và tín thọ Pháp của Ta, rồi sau đó mới có thể tuyên giảng cho người khác. Ai thọ trì như vậy sẽ có thể lìa xa đường ác."



Phật bảo ngài Diệu Cát Tường:

"Có bốn Pháp bình đẳng mà Bồ-tát nên học. Những gì là bốn?

1. Bồ-tát bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh.
2. Bồ-tát bình đẳng đối với tất cả pháp.
3. Bồ-tát bình đẳng đối với sự giác ngộ.
4. Bồ-tát bình đẳng đối với sự thuyết Pháp.

Đây là bốn Pháp bình đẳng.

Bồ-tát nên biết bốn loại Pháp đó. Khi đã biết rồi, Bồ-tát hãy thuyết giảng cho chúng sanh. Nếu có ai tin, họ sẽ xa lìa đường ác. Nếu ai chẳng tin, họ sẽ đọa đường ác.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào trụ ở bốn Pháp này, ông phải biết người ấy sẽ không đọa đường ác.



Lại có bốn Pháp mà Bồ-tát nên học. Những gì là bốn?

1. Đối với các chúng sanh, tâm của Bồ-tát không thoái chuyển.
2. Đối với các Pháp sư, Bồ-tát chẳng khinh khi và hủy báng.
3. Đối với các bậc trí, tâm của Bồ-tát chẳng sanh hủy báng.
4. Đối với chư Như Lai, Bồ-tát luôn tôn trọng tất cả lời Phật dạy.

Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào có thể khéo tu học bốn Pháp như thế, họ vĩnh viễn sẽ không đọa trong các đường ác.



Lại nữa, Diệu Cát Tường! Dù có Bồ-tát nào lấy bảy báu đầy khắp quốc độ của chư Phật nhiều như cát sông Hằng, và mỗi ngày làm cúng dường cho chư Phật Thế Tôn suốt Hằng Hà sa kiếp, nhưng nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào có thể đọc tụng dù chỉ ba lần của một câu hay một bài kệ trong Kinh điển vi diệu của Đại Thừa Phương Quảng như vầy, thì công đức có được sẽ hơn công đức của sự cúng dường ở trước.

Nếu có ai trì tụng Kinh điển này, công đức có được sẽ gấp bội người kia. Giả sử có người tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, và Diệu Tuệ, thì công đức đạt được của sự tu hành Sáu Độ cũng không bằng người trì tụng Kinh này.

Này Diệu Cát Tường! Tên và nghĩa của Kinh điển này là quảng đại, không gì sánh bằng. Chư đại Bồ-tát các ông hãy khéo tu học, thọ trì đọc tụng, rồi rộng phân biệt và giảng giải cho chúng sanh."



Lúc bấy giờ tất cả đại chúng và chư đại Bồ-tát đã đến từ các thế giới trong mười phương đồng thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Chúng con sẽ thọ trì như lời Phật dạy."

Khi Phật thuyết Pháp này, 30 Hằng Hà sa chư Bồ-tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. 70 Hằng Hà sa chư Bồ-tát được không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lại có hết thảy đại chúng trong 63 ức trăm ngàn nayuta Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, khi nghe lời Phật dạy, tâm sanh hoan hỷ. Họ sẽ tiếp tục theo dòng sanh tử trong 80 kiếp, và sau đó họ sẽ được không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trải qua 63 kiếp nữa, họ sẽ thành tựu viên mãn Đạo vô thượng.

Chư Bồ-tát kia cùng tất cả đại chúng--trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân--khi nghe lời Phật dạy, họ đều rất hoan hỷ phụng hành, rồi đảnh lễ và cáo lui.

Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Diệt Hỷ (?-594)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 14/6/2014 ◊ Cập nhật: 10/8/2023

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Bhikṣuṇī: bíc su ni
nayuta: na du ta
Kāśīka: ca si ca
Đang dùng phương ngữ: BắcNam