Kinh Mười Danh Hiệu của Phật

Như Lai, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.



Ngài Khánh Hỷ bạch rằng:

"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Như Lai?"

Đức Phật bảo:

"Này Bhikṣu [bíc su]! Thuở xưa khi ở Nhân Địa tu Đạo Bồ-tát, ta đã lần lượt tu hành các Pháp, là vì cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay Ta đắc Đạo tịch diệt; tất cả đều chân thật. Với Tám Chánh Đạo và những sự chứng ngộ từ chánh kiến nên gọi là Như Lai. Ta cũng như các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thuở quá khứ đã điều phục tâm của mình và đạt đến tịch diệt. Cho nên gọi là Như Lai."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Ưng Cúng?"

Đức Phật bảo:

"Thuở xưa khi ở Nhân Địa, ta tu các Pháp lành với giới phẩm uy nghi; tu hành Mười Nghiệp Lành, Năm Căn, và Năm Lực để tăng trưởng thiện căn. Khi tu tập viên mãn như thế và đạt đến quả vị cứu cánh, Ta chứng tịch diệt. Ta đoạn sạch tất cả phiền não và khiến thân ngữ ý thanh tịnh vô nhiễm. Một khi phiền não đã đoạn trừ vĩnh viễn, thì như khúc đầu của cây cọ bị chặt đứt--nó sẽ không bao giờ còn nảy mầm nữa.

Lại nữa, do tham sân si và mọi phiền não đã trừ sạch, nên hết thảy các nghiệp đạo vĩnh viễn chẳng còn sanh. Ta siêu vượt bốn nạn--sanh già bệnh chết, và mọi pháp khổ; nội khổ và ngoại khổ vĩnh viễn chẳng còn sanh. Cho nên gọi là Ưng Cúng.

Lại nữa, hễ ai cúng dường Phật, như là dâng y phục, ẩm thực, giường nệm, thuốc thang, tràng phan, lọng báu, hương hoa, thắp đèn, trái cây, cùng những phẩm vật tốt nhất trên cõi trời hay dưới chốn nhân gian, thì họ sẽ được phú quý tối thượng và phước đức cát tường. Cho nên gọi là Ưng Cúng."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Chánh Biến Tri?"

Đức Phật bảo:

"Như Lai đầy đủ tất cả trí tuệ. Ở hết thảy mọi nơi, không gì mà Ta chẳng rõ thông. Ta dùng các Pháp như là: Bốn Niệm Trụ, Bốn Chánh Đoạn, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Phần, Tám Chánh Đạo, 12 Duyên Khởi, và Bốn Thánh Đế, mà bình đẳng khai thị và giác ngộ tất cả chúng sanh, để khiến họ có trí tuệ, đoạn trừ si mê, và chứng Quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ưng Chân; đầy đủ Ba Minh và Sáu Thần Thông. Lại đối với Pháp Đại Thừa mà phát tâm tu học, rồi họ lần lượt tu hành các Địa, đoạn sạch mọi phiền não, và thành Đạo vô thượng. Cho nên gọi là Chánh Biến Tri."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Minh Hành Túc?"

Đức Phật bảo:

"Các minh gồm có: Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, và Lậu Tận Minh.

Hành túc, có nghĩa là nghiệp từ thân ngữ ý của Như Lai đã khéo tu mãn túc và chân chánh thanh tịnh. Ta quán chiếu tự tại, và không chấp trước tham ái đối với đại y, bình bát, hay những vật khác. Bằng vào nguyện lực của chính mình, ta tu tập đầy đủ và viên mãn tất cả các hành. Cho nên gọi là Minh Hành Túc."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Thiện Thệ?"

Đức Phật bảo:

"Thiện thệ có nghĩa là đi đến chỗ vi diệu. Ví như tham sân si dẫn các hữu tình đi đến chỗ ác kia, cho nên không phải là thiện thệ. Còn Như Lai với chánh trí, có thể đoạn trừ các hoặc, diệu xuất thế gian, và khéo đến Phật Đạo. Cho nên gọi là Thiện Thệ."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ?"

Đức Phật bảo:

"Phạm vi của thế gian bao gồm: cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc. Thế gian có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh. Thế gian có năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; cùng với sáu thức của sáu căn, và cảnh duyên của sáu trần mà sanh ra hết thảy các pháp, nên gọi là thế gian. Với chánh tri và chánh giác, Như Lai liễu giải tất cả pháp thế gian, cho nên gọi là Thế Gian Giải.

Lại nữa, ở thế gian kia có chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân, hay không chân; có chư thiên ở cõi dục, cõi sắc, hay cõi vô sắc; có tưởng, vô tưởng, chẳng phải hoàn toàn có tưởng, hay chẳng phải hoàn toàn vô tưởng; hoặc là phàm phu hay thánh nhân. Tất cả hữu tình ở trong đó, duy chỉ có Phật là tối thượng đệ nhất và không ai sánh bằng. Cho nên gọi là Vô Thượng Sĩ."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Điều Ngự Trượng Phu?"

Đức Phật bảo:

Phật là bậc đại trượng phu. Ngài có thể điều phục và chế ngự cả người thiện lẫn kẻ ác.

Kẻ ác do khởi ba nghiệp chẳng lành, rồi làm những điều ác, nên phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh để chịu quả báo ác.

Người thiện do tu các nghiệp lành từ thân ngữ ý mà được phước báo ở cõi trời hay nhân gian.

Làm thiện hay ác đều do tâm tạo. Phật dùng Chân Lý Cứu Cánh của Pháp tịch diệt mà hiện rõ, khai thị, điều phục, và chế ngự, để khiến chúng sanh lìa cấu nhiễm và đắc tịch diệt tối thượng của tịch diệt. Cho nên gọi là Điều Ngự Trượng Phu."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Thiên Nhân Sư?"

Đức Phật bảo:

"Phật không phải là thầy chỉ riêng một mình Khánh Hỷ, mà tất cả Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, cùng tất cả chúng sanh ở thiên thượng hay nhân gian: Đạo Nhân, Phạm Chí, ma vương, ngoại đạo, Năng Thiên Đế, Phạm Vương, trời, hay rồng--thảy đều quy mạng, y giáo phụng hành, và đều xưng là Phật tử. Cho nên gọi là Thiên Nhân Sư."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Phật?"

"Trí tuệ đầy đủ, Ba Giác viên minh, cho nên gọi là Phật."

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

"Một ngày nọ, lúc Ta đang kinh hành, có một Phạm Chí đến hỏi Ta rằng:

'Vì sao cha mẹ của Ngài đặt tên cho Ngài gọi là Phật?'

Ta liền bảo rằng:

"Ai biết gì ở thế gian, Ta cũng có thể biết rõ. Ai quán sát gì ở thế gian, Ta cũng có thể quán sát. Ai đắc tịch diệt gì, Ta cũng có thể đắc tịch diệt ấy. Ta có đầy đủ tất cả trí tuệ và biết rõ mọi thứ. Từ vô số kiếp, ta đã tu hành đủ mọi Pháp lành và xa rời trần cấu. Nay Ta đắc Đạo vô thượng. Cho nên gọi là Phật."



"Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Thế Tôn?"

Đức Phật bảo:

"Thuở xưa khi ở Nhân Địa, ta tự quán sát tường tận tất cả Pháp lành, giới luật, tâm pháp, và Pháp trí tuệ. Ta lại quán sát tham sân si, cùng những pháp bất thiện mà có thể chiêu cảm các hữu lậu, pháp sanh diệt, và khổ não. Với trí tuệ vô lậu, ta phá hủy phiền não kia và đắc Đạo vô thượng. Do đó, trời hay người, phàm hay thánh, thế gian hay xuất thế gian thảy đều tôn trọng. Cho nên gọi là Thế Tôn."

Kinh Mười Danh Hiệu của Phật


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thiên Tức Tai (?-1000)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 16/8/2014 ◊ Cập nhật: 31/10/2023

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Bhikṣuṇī: bíc su ni
Đang dùng phương ngữ: BắcNam