Kinh Công Đức của Xây Tháp

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại Cung trời Tam Thập Tam và ngồi trên Pháp tòa bằng ngọc trắng. Khi ấy có các vị đại Bhikṣu [bíc su], chư đại Bồ-tát, vị thiên chủ ở cõi trời kia và vô lượng đại chúng cùng hội họp với Ngài.

Bấy giờ Đại Phạm Thiên Vương, Nhân Sinh Bổn Thiên, Đại Tự Tại Thiên, cùng năm vị tầm hương thần vương, mỗi vị dẫn theo hàng quyến thuộc của mình và đi đến chỗ của Phật. Họ muốn thưa hỏi Như Lai về phương pháp xây tháp và công đức có được do từ việc xây tháp.

Khi ấy trong Pháp hội có một vị Bồ-tát tên là Quán Thế Âm. Bởi ngài biết được ý niệm của họ, nên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo lộ vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng Phật và thưa rằng:

"Thưa Thế Tôn! Hôm nay có các vị thiên tử và tầm hương thần vương. Họ đến đây là vì muốn thưa hỏi Như Lai về phương pháp xây tháp và công đức có được do từ việc xây tháp. Kính mong Thế Tôn hãy thuyết giảng cho họ, và cũng sẽ làm lợi ích cho tất cả vô lượng chúng sinh."

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Quán Thế Âm Bồ-tát:

"Thiện nam tử! Ở những nơi cư ngụ của các thiên chúng và tất cả chúng sinh hiện tại cùng vị lai, giả như nơi đó chưa có tháp Phật, nếu ai có thể xây tháp vi diệu, cao hơn cả ba cõi, hoặc chỉ nhỏ như quả xoài; cột trụ có biểu sát trang nghiêm, cao đến Phạm Thiên, hoặc chỉ nhỏ như cây kim; mái che phủ trùm cả Đại Thiên, hoặc chỉ nhỏ như lá táo. Ở trong tháp kia có thể lưu giữ xá-lợi tóc, răng, râu, hay móng của Như Lai, và cho đến chỉ một phần nhỏ. Hoặc có thể an trí 12 Phần Giáo trong Pháp tạng của Như Lai, và cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, thì công đức của người ấy sẽ đồng như các vị Phạm Thiên kia. Sau khi mạng chung, họ sẽ sinh về cõi Phạm Thiên. Khi đã hết thọ mạng ở cõi trời kia, họ sẽ sinh về năm cõi trời Tịnh Cư và sẽ như chư thiên ở đó--không chút sai khác.

Thiện nam tử! Như Ta đã dạy về công đức có được do nhân duyên xây tháp, ông và chư thiên hãy nên tu học như thế."

Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát lại thưa với Phật rằng:

"Thưa Thế Tôn! Như lời Phật dạy ở trên về cách an trí xá-lợi và Pháp tạng, con đã thọ trì. Tuy nhiên, con không biết ý nghĩa về bốn câu kệ của Như Lai. Kính mong Thế Tôn hãy phân biệt và diễn nói cho con."

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:

"Các pháp nhân duyên sinh
Ta nói nhân duyên ấy
Nhân duyên tận nên diệt
Là lời Ta thuyết giảng

Thiện nam tử! Ý nghĩa của bài kệ như thế gọi là Phật Pháp thân. Ông hãy biên chép và an trí vào trong tháp.

Vì sao thế? Bởi hết thảy pháp do nhân duyên sinh ra, thể tính của chúng là không tịch. Cho nên Ta mới gọi là Pháp thân.

Nếu có chúng sinh nào liễu giải về nghĩa lý của nhân duyên như thế, thì phải biết người ấy liền sẽ thấy Phật."

Lúc bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát và các vị thiên tử, cùng toàn thể đại chúng và các vị tầm hương thần, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sinh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Kinh Công Đức của Xây Tháp


Dịch sang cổ văn: Pháp sư Nhật Chiếu (613-687)
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 13/12/2014 ◊ Cập nhật: 9/7/2021

Cách đọc âm tiếng Phạn

Bhikṣu: bíc su
Đang dùng phương ngữ:Bắc Nam